Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân dịp Sư đoàn 309 đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì: Luôn xứng đáng với truyền thống anh hùng

10:09, 25/09/2013

Qua 35 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Sư đoàn 309 luôn giữ vững truyền thống “Chiến đấu dũng cảm, giúp bạn tận tình, tự lực sáng tạo”.

Qua 35 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Sư đoàn 309 luôn giữ vững truyền thống “Chiến đấu dũng cảm, giúp bạn tận tình, tự lực sáng tạo”.

Ngày 27-9-1978, Sư đoàn Bộ binh 309 (gọi tắt Sư đoàn 309) được thành lập để đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vùng biên giới Tây Nam Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Biên chế khi mới thành lập của đơn vị gồm các trung đoàn: 31, 96, 812, 36, 250 và một số tiểu đoàn trực thuộc, vốn là các đơn vị có bề dày thành tích trong chiến đấu chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

* Chiến đấu dũng cảm

Sau năm 1975, đất nước được hoàn toàn giải phóng, nhân dân cả nước hăng hái thi đua lao động sản xuất, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới. Tuy nhiên, tình hình biên giới Việt Nam - Campuchia lúc này diễn biến rất phức tạp, bọn phản động Pôn Pốt - Iêng Sary tiến hành thâm nhập lãnh thổ, giết hại đồng bào Việt Nam ở dọc tuyến biên giới, như: Tây Ninh, An Giang, Gia Lai, Đắk Lắk...

Huấn luyện chiến sĩ mới ở Sư đoàn 309.
Huấn luyện chiến sĩ mới ở Sư đoàn 309.

Thành lập được 23 ngày, Sư đoàn 309 bước ngay vào cuộc chiến đấu tiến công địch ở điểm cao 312 (nằm ở phía Bắc đường 19, thuộc huyện Bô Keo, tỉnh Ratanakiri, Campuchia), giải phóng đường 19, nối liền hậu phương với các đơn vị phía trước, tạo bàn đạp cho các trận tổng tiến công sắp tới. Sau 3 ngày tiến công liên tục, bằng lối đánh tiến công dũng mãnh, đến 12 giờ 30 ngày 27-10-1978, Trung đoàn bộ binh 31 hoàn toàn làm chủ các mục tiêu, làm chủ trận địa, diệt tại chỗ hơn 100 tên địch, thu nhiều vũ khí.

Thắng lợi của trận đầu tiến công điểm cao 312 có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là trận đánh đầu tiên của Sư đoàn 309 sau ngày thành lập, ra quân tác chiến bằng hình thức vận động, bao vây, hiệp đồng binh chủng, tiến công địch trên điểm cao; phá được thế chia cắt của địch, tiêu diệt một bộ phận quân địch thuộc Sư đoàn 801 của Pôn Pốt; phá tan âm mưu án ngữ đường 19, chia cắt tuyến hành lang vận chuyển của ta, mở ra trang sử chiến đấu, chiến thắng hào hùng của Sư đoàn 309.

Tháng 2-1979, trong đội hình quân tình nguyện Việt Nam, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 309 đã hành quân cơ động, với bao gian khổ hy sinh sang Campuchia trong đội hình Quân khu 5, Quân đoàn 3, Quân khu 7, chiến đấu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng bởi tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Sary.

Mười năm chiến đấu giúp bạn, dấu chân của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 309 in đậm trên khắp các nẻo đường, từ Ratanakiri, S’Tung Treng, Pua Sát, Paktampong, Sisophon, Pailin…; hàng vạn cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 309 đã không tiếc xương máu, chiến đấu giúp bạn bảo vệ thành quả cách mạng và hồi sinh đất nước bạn; nơi nào cũng để lại những tình cảm thắm thiết, những chiến công sáng ngời của người chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam nói chung và của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 309 nói riêng.

* Xây dựng đơn vị vững mạnh

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế vẻ vang, năm 1989, Sư đoàn 309 rút quân về nước, được biên chế về đội hình Quân đoàn 4 và bước vào thực hiện nhiệm vụ mới: huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện lực lượng dự bị động viên.

Quá trình đi lên xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, nề nếp chính quy, Ban Chỉ huy Sư đoàn 309 đã tập trung xây dựng tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm cao cho cán bộ, chiến sĩ; quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong huấn luyện, Sư đoàn 309 luôn bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng đồng bộ, chuyên sâu; huấn luyện sát với thực tế đơn vị và đối tượng tác chiến, duy trì chặt chẽ chế độ, nề nếp chính quy, quản lý kỷ luật; giữ vững thành tích đơn vị huấn luyện giỏi trong Quân đoàn 4, được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 tặng bằng khen.

Mười năm chiến đấu giúp nước bạn Campuchia, Sư đoàn 309 đã tham gia 9 chiến dịch lớn. Tham gia 1.267 trận đánh lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 12.084 tên địch, thu 6.744 súng các loại, 113 xe ô tô, hàng chục tấn đạn dược, lương thực và đồ dùng quân sự khác; giải phóng hơn 100 ngàn dân khỏi vòng kìm kẹp của địch. Ghi nhận thành tích của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 309, Đảng, Nhà nước đã phong tặng đơn vị danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Chiến công hạng Nhất; được Nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Ăngco. Trong đội hình Sư đoàn 309 có 3 trung đoàn, 7 tiểu đoàn, 4 đại đội và 2 cán bộ được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó Trung đoàn 31 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân 2 lần.

Cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Sư đoàn 309 luôn quan tâm làm tốt công tác vận động quần chúng nơi địa bàn đóng quân, đã cử hơn 300 ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ làm công tác vận động quần chúng, giúp dân trên 48 xã, 6 huyện, thành phố của Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 8 ngàn lượt người với số tiền gần 200 triệu đồng. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, như: nhận nuôi dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; chăm sóc gia đình thương binh - liệt sĩ; tặng quà cho gia đình khó khăn, gia đình chính sách, học sinh nghèo vượt khó; đóng góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai bão lụt với số tiền hàng tỷ đồng...

Những việc làm của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 309 đã được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương đánh giá cao, được nhân dân quý mến, quý trọng. Sư đoàn 309 được Tổng cục Chính trị, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen về công tác dân vận trên địa bàn; đặc biệt được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba về thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác vận động quần chúng thời kỳ đổi mới.

Đức Việt

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều