Báo Đồng Nai điện tử
En

Có một "Điện Biên Phủ trí tuệ"

11:04, 13/04/2014

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: "Nếu dân tộc Việt Nam chỉ anh hùng thôi thì khối lượng bom đạn của kẻ thù đã có thể đè bẹp. Nhưng dân tộc Việt Nam rất thông minh, nghị lực sáng tạo của khối đại đoàn kết toàn dân đã tạo nên một sức mạnh không lường được, có thể chiến thắng mọi kẻ thù".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: “Nếu dân tộc Việt Nam chỉ anh hùng thôi thì khối lượng bom đạn của kẻ thù đã có thể đè bẹp. Nhưng dân tộc Việt Nam rất thông minh, nghị lực sáng tạo của khối đại đoàn kết toàn dân đã tạo nên một sức mạnh không lường được, có thể chiến thắng mọi kẻ thù”.

Và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, những người lính áo vải, chân đất dưới quyền chỉ huy của Đại tướng đã thể hiện trí thông minh, lòng dũng cảm tuyệt vời đó.

Bộ đội ta khai thác thuốc nổ trên máy bay B24 của địch làm vũ khí đánh địch tại Điện Biên Phủ. Ảnh: T.L
Bộ đội ta khai thác thuốc nổ trên máy bay B24 của địch làm vũ khí đánh địch tại Điện Biên Phủ. Ảnh: T.L

Lối đánh “độn thổ” khiến địch khiếp đảm

Nhà báo Lê Kim trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trưởng ban Tuyên huấn Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) kể: Trung đoàn 36 cùng các đơn vị khác được giao đánh cụm cứ điểm mang tên Huguette. Đây là cụm cứ điểm bảo vệ sân bay Mường Thanh và bãi dù, nên địch xây dựng vô cùng kiên cố để tử thủ với nhiều hàng rào thép gai, xung quanh địa hình lại trống trải, bằng phẳng nên rất khó tiến công.

Vào khoảng ngày 12, 13 của tháng 4-1954, giai đoạn 2 của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã kéo dài 2 tuần, Trung đoàn 36 đánh lấn, bắn tỉa mãi mà chưa thu được gì nhiều. Ta đào hào, địch phản kích lấp lại, đơn vị chịu nhiều tổn thất. Trung đoàn trưởng Hồng Sơn mở hội nghị dân chủ quân sự ở Tiểu đoàn 80, trình bày khó khăn trong việc vây lấn để bộ đội bàn cách khắc phục.

Có 3 chiến sĩ mới quê ở Yên Dũng (Bắc Giang) vừa về đơn vị, kiến nghị: “Nên làm con cúi bằng rơm thật to, lăn lên phía trước, địch thấy động bắn găm vào đó, ta đỡ thương vong mà tiến lên. Khi đến sát hàng rào thép gai thì đào luồn xuống dưới, tạo đường ngầm vào trong. Khi ở quê, chúng em bị Tây vây kín, chặn hết cổng ngõ. Em đã cùng bố và anh em đào luồn qua bụi tre thoát vây”. Trung đoàn trưởng khen: “Hay quá! Trước các cậu đào để chạy, giờ ta đào luồn để đánh”.

Thế là đêm 21, rạng ngày 22-4-1954, bộ đội ta đào luồn dưới lớp thép gai vào lô cốt đầu cầu cứ điểm 206. Địch không kịp trở tay, cả đại đội địch bị diệt, chỉ một tên chạy thoát. Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện khen: “Đơn vị đánh có sáng tạo”. Lối đánh đào hầm này được nhiều đơn vị áp dụng. Về phần địch, sau này nhiều tù binh là sĩ quan Pháp thừa nhận lối đánh “độn thổ” khiến nhiều tên lính địch khiếp đảm phải đi chữa bệnh tâm thần.

Không biết chữ, vẫn  giỏi chiến thuật

Cựu chiến binh Lâm Viết Hữu, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Đại đội trưởng Đại đội 674, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174 kể: “Đêm 31-3-1954, đại đội tôi nhận lệnh đánh lên đồi A1 từ hướng hôm trước Tiểu đoàn 1 đã đánh. Chúng tôi là hướng thứ yếu, hiệp đồng với Trung đoàn 102 đánh hướng chủ yếu, nghe vậy nhưng lúc đó tôi chẳng biết “ông 102” là ông nào. Gần sáng, chúng tôi đánh gần đến chỗ cái xe tăng di tích bây giờ và phá hủy nó. Nhưng đại đội thương vong nhiều, gặp Trung đoàn 102 xin chi viện nhưng bạn cũng không lên được. Lúc đánh, đại đội hơn trăm người, lúc được lệnh rút ra, tôi kiểm tra chỉ còn 19 người… Sau 2 đêm đánh quyết liệt, vừa ra thì tôi được đại đoàn bảo lên gặp anh Văn. Lúc đó, tôi chưa biết anh Văn là ai. Hai trinh sát dẫn đường và một liên lạc dẫn tôi đi Mường Phăng. Đến nơi thì trinh sát và liên lạc quay về, mỗi mình tôi được lệnh ở lại đợi. Tôi tự bảo, chắc là chờ đi tòa án binh đây, để quân chết nhiều quá mà”.

Ông Lâm Viết Hữu kể tiếp: “Hôm sau, tôi được gọi vào hầm chỉ huy, chỗ ấy có bản đồ và bàn ghế đầy đủ. Ông Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng mặt trận, chỉ bản đồ hỏi tôi tình hình đồi A1. Tôi không biết chữ, mới biết đánh vần và tập chữ ký thôi, nhìn bản đồ, tôi báo cáo là không hiểu gì, chỉ biết mô tả đại khái về A1”.

Đúng lúc ấy thì anh Văn ra, tôi mới biết chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh Văn bảo tôi tả lại đồi A1, rồi hỏi: “Có phải xe tăng theo hào đi lên không?”. Tôi khẳng định không phải, nó đi lên theo đường sau đồi, từ 5 rưỡi, 6 giờ sáng gì đó, nó còn bật đèn nên tôi tận mắt thấy. Nó từng đánh vào đại đội tôi, chúng tôi từng diệt một cái. Anh Văn hỏi: “Cậu có nhớ đường hôm vào bao vây không?”. Tôi báo cáo: “Tôi đã vào, nhảy xuống chiến hào của nó cao ngập đầu, với một tay mới đến miệng, sâu lắm, nhưng lệnh không được đánh nên chúng tôi phải rút ra. Chúng tôi đã nói, muốn đánh A1, phải cắt cái đường tiếp viện này của nó”. Nghe xong, anh Văn hỏi: “Nếu giao nhiệm vụ cho cậu, cậu có làm được không?”. Tôi mạnh dạn: “Nếu giao thì chúng tôi đánh được, vì chúng tôi biết cái đường đấy”.

“Bắn phát một, diệt nhiều địch”

Cựu chiến binh Giang Văn Túc, “Dũng sĩ bắn tỉa” của Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 kể rằng, đơn vị ông được giao nhiệm vụ vây lấn, tấn công cụm cứ điểm Hồng Cúm. Đến giai đoạn 2 của chiến dịch, ta đào xong hệ thống hào bao vây, Tổng tư lệnh chỉ thị phong trào diệt địch, càng rải rác càng tốt, làm cho địch hoang mang. Ông Túc cùng 2 chiến sĩ nữa được chọn vào tổ bắn tỉa. Các ông tìm chỗ gần hỏa lực địch, hoặc chỗ địch đi xuống lấy nước để phục. Đêm đầu đi tìm địa điểm bắn tỉa, đánh dấu sẵn, đêm sau mới bò vào đào công sự, giữa đồng đất mênh mông, các ông phải khéo léo ngụy trang để giấu công sự.

Địch buộc phải xuống sông Nậm Rốm lấy nước, tổ bắn tỉa chỉ được bắn phát một, nên phân công nhau mỗi người ngắm một tên, dùng cây cứt lợn ngụy trang đầu súng, khói tản ra nên bắn xong địch vẫn không phát hiện được vị trí người bắn tỉa. Cứ tiếng súng vang lên, lại có 3 tên lăn đùng ra. Một lúc sau, bọn giặc mò ra tiếp, lại một tiếng súng vang lên, 3 tên địch lăn đùng ra mà địch không hiểu tiếng súng từ đâu. Đêm 19-4-1954, trên lệnh cho tổ diệt ụ đại liên ở cụm C, phía Bắc Hồng Cúm. Tổ có sáng kiến, ta bắn pháo tấn công giả, đại liên địch bắn trả, thế là lộ họng súng đại liên, 3 phát đạn bắn tỉa cùng găm vào một chỗ, làm đại liên địch câm bặt…

Những sáng kiến nhỏ cùng với tinh thần đoàn kết, ý chí sắt đá tấn công địch đã tạo nên sức mạnh vô địch, làm nên “thiên sử vàng” mang tên Điện Biên Phủ.

Phương Hoa

Ban liên lạc Cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ hiện sống ở TP.Biên Hòa vừa tổ chức họp bàn triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.  Đồng chí Nhâm Như Thự, Trưởng ban liên lạc cho biết, hiện ban liên lạc đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, họp mặt ở các cơ sở; đồng thời sẽ chính thức tổ chức họp mặt cựu chiến binh trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống trên địa bàn Biên Hòa  vào ngày 27-4-2014.

Hữu Thủy

 

 

 

Tin xem nhiều