Báo Đồng Nai điện tử
En

Nam bộ kháng chiến - bản hùng ca của dân tộc

09:09, 21/09/2015

Chiều 31-8-1858, tiếng súng của quân xâm lược bắn vào cửa biển Đà Nẵng. Một dân tộc khép kín đã bao năm nay rung chuyển bởi tiếng gầm của đại bác, báo hiệu sự rung chuyển cả đất trời, cả tương lai và vận mệnh dân tộc Việt Nam.

Chiều 31-8-1858, tiếng súng của quân xâm lược bắn vào cửa biển Đà Nẵng. Một dân tộc khép kín đã bao năm nay rung chuyển bởi tiếng gầm của đại bác, báo hiệu sự rung chuyển cả đất trời, cả tương lai và vận mệnh dân tộc Việt Nam. Ngày 10-2-1859, quân xâm lược Pháp tiến vào cửa biển Cần Giờ. Từ đó trở đi, nhân dân miền Nam bắt đầu cuộc đối mặt sống chết với quân thù.

Quân và dân Nam bộ với gậy tầm vông đứng lên chiến đấu khi thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ 2,  tháng 9-1945.
Quân và dân Nam bộ với gậy tầm vông đứng lên chiến đấu khi thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ 2, tháng 9-1945.

Cả một dân tộc với sĩ khí ngút trời đã không đương đầu nổi một đội quân xâm lược với vũ khí tối tân. Cái gì phải tới đã tới. Hòa ước Nhâm Tuất ngày 5-6-1863 nhượng cho thực dân Pháp 3 tỉnh miền Đông: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường cùng Côn Đảo. Từ thuở cha ông dựng nước, chưa khi nào nỗi nhục dân tộc lớn đến nhường này. Thừa cơ lấn tới, “đục nước thả câu”, thực dân Pháp “nuốt” trọn thêm 3 tỉnh miền Tây. Lục tỉnh Nam kỳ rơi hoàn toàn vào tay thực dân Pháp.

Cùng cả nước, nhân dân Việt Nam ở miền Nam đã không ngừng nổi dậy: từ kế hoạch đánh Sài Gòn 22-1-1885, khởi nghĩa 18 thôn vườn trầu chiếm Hóc Môn Tết Ất Dậu 8-2-1885, các cuộc khởi nghĩa của Phan Xích Long, Nguyễn Hữu Trí, Trương Định, Nguyễn Trung Trực... Đỉnh cao của các phong trào này là từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 là một trọng điểm và là cuộc tập dượt cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung.

Cùng cả nước, nhân dân Việt Nam ở miền Nam vui mừng chào đón ngày khai sinh ra quốc gia độc lập: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Những tưởng từ đây khổ đau sẽ lùi xa, nước non sẽ liền một dải sau bao nhiêu năm “chia để trị” với “lưỡi gươm cắt đất ngăn miền”. Thế nhưng, cùng với thời điểm mà tuyên bố về nền độc lập của nước Việt Nam phát đi từ Hà Nội, thì ngay tại Sài Gòn - trung tâm của miền Nam - tiếng súng khiêu khích của quân thù đã vang lên chát chúa. Nền độc lập non trẻ vừa giành được đã phải chịu thử thách khốc liệt.

Nhân dân Nam bộ đã “đi trước, về sau” trong cuộc kháng chiến giành độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Nhưng đó là cuộc về sau đầy vinh quang bởi nhân dân Nam bộ đã “đứng mũi, chịu sào” gánh chịu về mình những hy sinh, mất mát vô bờ bến. Ký ức hào hùng của ngày Nam bộ kháng chiến vẫn đang như thúc giục mỗi người dân Việt. 70 năm đã trôi qua, vẫn nghe văng vẳng bên tai lời ca hùng tráng “mùa thu rồi ngày hăm ba ta đi theo tiếng ca sơn hà nguy biến” của một dân tộc đã quyết không chịu làm nô lệ.

Nhân dân miền Nam với quyết tâm “không chịu làm nô lệ” đã nhất tề vùng lên đối mặt với kẻ thù. Tiếng súng mở đầu cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược lần thứ 2 của nhân dân Việt Nam đã vang lên giữa Sài Gòn vào đêm 23-9-1945. Hai ngày sau, từ giữa chiến khu Đồng Tháp, bài hát Nam bộ kháng chiến của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn ra đời và vang vọng đến ngày nay: “Mùa thu rồi ngày hăm ba ta đi theo tiếng ca sơn hà nguy biến/ Rền khắp trời lời hoan hô dân quân nhịp chân tiến lên trận tiền/ Thuốc súng kém, chân đi không mà lòng người giàu lòng vì nước/... Thề quyết chống xâm lăng/... Một lòng nguyện với tổ tiên: Thề quyết chống xâm lăng...”.

Ngày 26-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào Nam bộ, Người viết: “Nước ta vừa tranh quyền độc lập thì đã gặp nạn ngoại xâm…Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà…”. Cùng với nhân dân miền Nam, người dân cả nước bắt đầu dấy lên phong trào “Nam tiến” với chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Cả một thế hệ đã đứng lên đáp lại lời thề sông núi mà Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ Trần Văn Giàu đã thay mặt hàng triệu đồng bào miền Nam tuyên bố vào ngày 2-9-1945: “Chúng ta thề cương quyết đứng bên cạnh chánh phủ, chống mọi sự xâm lăng, dầu chết cũng cam lòng”... “Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu!... Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay! Tiến tới, vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng!”.

Vũ Trung Kiên

 

Tin xem nhiều