Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường quan hệ giữa Đảng với dân

10:07, 24/07/2016

Mới đây Đồng Nai được đoàn công tác của Trung ương chọn là điểm đến để nghiên cứu mối quan hệ giữa Đảng với dân, nhất là mối quan hệ Đảng với đồng bào dân tộc thiểu số.

Mới đây Đồng Nai được đoàn công tác của Trung ương chọn là điểm đến để nghiên cứu mối quan hệ giữa Đảng với dân, nhất là mối quan hệ Đảng với đồng bào dân tộc thiểu số.

Già làng Thổ Khuyển  (giữa) cùng bà con Chơro và cán bộ xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất trao đổi công việc của cộng đồng.
Già làng Thổ Khuyển (giữa) cùng bà con Chơro và cán bộ xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất trao đổi công việc của cộng đồng.

Sau quá trình nghiên cứu, tìm hiểu ở Đồng Nai, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương Thào Xuân Sùng nhận định: “Tôi chưa thấy địa phương nào xây dựng được mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cấp ủy, tổ chức Đảng với nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số như ở Đồng Nai”.

* Luôn gần gũi với dân

Theo ông Thào Xuân Sùng, bản chất của đồng bào dân tộc thiểu số là chân thật nhưng hay tự ti, e dè. Chính quyền, đoàn thể các cấp ở Đồng Nai đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua được định kiến này. Đồng Nai không chỉ thành công trong tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số, người có uy tín trong đồng bào mà còn thành công trong tập hợp đồng bào tôn giáo và đội ngũ cốt cán theo các tôn giáo vào khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Dù đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Nai chỉ chiếm 8% dân số toàn tỉnh nhưng Đảng bộ tỉnh đã thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc, có cơ cấu hợp lý giữa các thành phần dân tộc, không phân biệt đối xử với thành phần yếu thế nào. Giữa cán bộ người Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số không có khoảng cách.

Trước hết, Đồng Nai đã quan tâm xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Kế hoạch 50 ngày 1-12-2011 về củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, MTTQ và các đoàn thể cơ sở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số”; Thông tri 21 về việc “Tăng cường công tác phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc thiểu số và người Hoa”... Qua bầu cử đại biểu HĐND các cấp vừa qua, Đồng Nai hiện có hơn 500 đại biểu HĐND cấp xã, huyện và tỉnh là người dân tộc thiểu số.

Đồng Nai cũng đang có gần 850 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong các cơ quan cấp tỉnh, huyện và xã. Những năm qua, tỉnh còn cử nhiều cán bộ đi học tập tại nước ngoài theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương. Qua đó, khuyến khích, động viên đồng bào dân tộc thiểu số tích cực học tập, nâng cao dân trí.

* Tạo điều kiện tốt nhất cho đồng bào

Bên cạnh đó, Đồng Nai có nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài chủ trương chung của Nhà nước, UBND tỉnh Đồng Nai đã tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2014-2020; các chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo, các mô hình giảm nghèo. Đến nay số hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 1,73%. Hàng năm, có hàng trăm hộ sản xuất - kinh doanh giỏi là đồng bào dân tộc thiểu số được tuyên dương, với mức thu nhập từ 100 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng.

Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương Thào Xuân Sùng cho rằng đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Nai đã phát triển mạnh, không có khoảng cách lớn giữa đời sống đồng bào dân tộc thiểu số với người Kinh. Tuy nhiên, một bộ phận bà con dân tộc thiểu số đang mãn nguyện về phát triển kinh tế, đời sống hiện tại của mình. Điều này, tỉnh cần lưu ý để luôn khơi dậy ý chí làm giàu của bà con, không nên dừng lại những gì mình đã có. Nếu có sự sắp xếp lại cơ cấu kinh tế thì cuộc sống của đồng bào sẽ đổi thay hơn nữa.

Đồng Nai còn có chính sách trợ cấp học nghề cho học sinh dân tộc thiểu số đang học tại các trường dân tộc nội trú tỉnh. Quy định mức hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên người dân tộc thiểu số đang theo học hệ đại học, cao đẳng chính quy. Hiện nay ngoài việc con em dân tộc thiểu số học chung với con em người Kinh, Đồng Nai còn xây riêng 3 trường dân tộc nội trú để đào tạo con em dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tỉnh đã có kế hoạch thực hiện công tác đối với đồng bào Chăm, Khmer và người Hoa trên địa bàn tỉnh. Quy định chế độ hỗ trợ đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và lễ, tết truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh…

Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được quan tâm. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ trên 2 ngàn hiện vật văn hóa, lịch sử của đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Nai. Các lễ, tết của đồng bào đã được phục hồi, bảo tồn và phát huy, như: lễ Sayangva của dân tộc Chơro; lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày; lễ Tả Tài Phán của người Hoa... Việc sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số cũng được quan tâm.

Phương Hằng

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều