Báo Đồng Nai điện tử
En

Vu lan mùa báo hiếu

06:08, 16/08/2016

Vào dịp tháng 7 âm lịch hàng năm, đông đảo người dân Việt Nam, nhất là những người theo đạo Phật lại tổ chức lễ Vu lan, hay còn gọi là lễ báo hiếu.

Vào dịp tháng 7 âm lịch hàng năm, đông đảo người dân Việt Nam, nhất là những người theo đạo Phật lại tổ chức lễ Vu lan, hay còn gọi là lễ báo hiếu.

Lễ cài hoa mùa Vu lan ở Tổ đình Long Thiền (TP.Biên Hòa).
Lễ cài hoa mùa Vu lan ở Tổ đình Long Thiền (TP.Biên Hòa).

Lễ  Vu lan là dịp để nhắc nhở con người tìm về nguồn cội, báo hiếu đấng sinh thành, thực hành sống thương yêu cha mẹ và người thân hơn nữa.

Ơn đấng sinh thành

Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, kể lại tích xưa rằng trong số đệ tử của đức Phật có Mục Kiền Liên - một vị tôn giả tu luyện được nhiều phép thần thông. Nhớ mẹ, một ngày nọ Mục Kiền Liên dùng đôi mắt thần nhìn xuống địa ngục thấy mẹ bị Diêm Vương đày làm quỷ đói do kiếp trước gây nhiều nghiệp ác. Thương mẹ, Mục Kiền Liên dùng phép thuật xuống địa ngục dâng cơm cho mẹ. Vì vẫn còn tính “tham sân si” nên khi bà đưa bát cơm lên miệng, thức ăn đã hóa thành lửa đỏ không thể ăn được. Chứng kiến cảnh này, Mục Kiền Liên đã cầu xin đức Phật giúp mình cứu mẹ.

Sư cô Thích nữ Diệu Trí, trụ trì chùa Đại Giác (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), cho biết nhân dịp lễ Vu lan năm nay, nhà chùa tặng hơn 300 phần quà cho các gia đình chính sách, người nghèo ở xã Hiệp Hòa. Công tác từ thiện được nhà chùa tiến hành thường xuyên vào các dịp lễ, tết và lễ trọng của Phật giáo trong năm, thể hiện tinh thần tốt đời, đẹp đạo.

Đức Phật dạy, dù Mục Kiền Liên thần thông quảng đại nhưng một mình không thể cứu được mẹ do ác nghiệp của mẹ quá nặng. Chỉ còn cách phải nhờ hợp lực của chư tăng mười phương mới mong thành công. Vào ngày rằm tháng 7, nhân lúc chư tăng đã hết 3 tháng an cư kiết hạ, sửa một cái lễ để dâng cúng và thành khẩn cầu xin mới có thể cứu rỗi vong nhân khỏi địa ngục tăm tối. Thành tâm làm theo lời Phật dạy, Mục Kiền Liên không những cứu được mẹ mà còn giải thoát được tất cả vong hồn bị giam cầm ở âm cung. Từ đó, ngoài ý nghĩa Vu lan - mùa báo hiếu, tháng 7 còn được gọi là tháng “xá tội vong nhân” (vong hồn không có người thân).

Chị Nguyễn Diệp Anh (phường An Bình, TP.Biên Hòa) bày tỏ mỗi khi mùa Vu lan tới, chị thường lên chùa cầu siêu cho cha mẹ. Cha mẹ của chị mất đã hơn 20 năm khi chị 20 tuổi. Nhiều lúc nhìn người khác còn cha, mẹ luôn được cài bông hồng đỏ lên ngực vào mùa Vu lan, chị thèm khát vô cùng. Những lúc đó chị ao ước giá như cha mẹ của chị được sống lại dù chỉ một ngày để chị được sà vào vòng tay cha mẹ cũng đủ để chị hạnh phúc suốt đời.

Chị nhắn nhủ mọi người, dòng sông trôi đi không bao giờ trở lại, đừng để cha mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc. Đừng để một ngày kia có người cài lên áo một bông hoa trắng mới thảng thốt nhận ra mình đã mất cha, mẹ. Báo hiếu cha mẹ không chỉ vào dịp tháng 7, con cái phải luôn hiếu thảo với cha mẹ bằng những hành động cụ thể quanh năm.

Chữ hiếu phải trọn vẹn

Chị Phạm Thanh Huyền (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) thì quan niệm tháng 7 âm lịch là tháng dành cho tổ tiên. Tổ tiên ở đây không chỉ là cha mẹ mà bao gồm cả những người thân đã khuất trong dòng họ. Cứ rằm tháng 7 gia đình chị lại dâng cúng đồ ăn, thức uống và các vật dụng khác trong sự thành kính tưởng nhớ tổ tiên, đúng với truyền thống dân tộc Việt Nam “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”...

Thượng tọa Thích Giác Văn, trụ trì chùa Phước Huệ (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa), lại có cách báo hiếu dịp rằm tháng 7 rất nhân văn. Ông bảo: “Dân tộc Việt Nam có được hòa bình, độc lập, tiếng thơm vang dội khắp năm châu như ngày hôm nay là nhờ có sự chiến đấu dũng cảm, sự hy sinh to lớn của các anh hùng, đồng bào, chiến sĩ cách mạng, giao liên, dân quân du kích... để bảo vệ quê hương, đất nước”. Bởi thế, ngoài dịp lễ Vu lan để cầu nguyện cho cha mẹ, các anh của mình đã hy sinh trong chiến đấu chống Pháp và Mỹ, thượng tọa Thích Giác Văn còn cầu nguyện tri ân công đức liệt sĩ Huỳnh Văn Lũy (chú họ của thượng tọa Giác Văn), nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Mặt trận Việt Minh tỉnh Biên Hòa và Thủ Biên trước đây; cầu nguyện cho các chiến sĩ cách mạng ở Chiến khu Đ; giao liên, dân quân du kích, cơ sở cách mạng đã cùng chiến đấu với thượng tọa Giác Văn ở xã Bạch Đằng, tỉnh Bình Dương và ở xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Cầu nguyện tưởng nhớ công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời hy sinh vì dân, vì nước; cầu nguyện tưởng nhớ vị tướng tài ba của dân tộc Việt Nam Võ Nguyên Giáp…

“Báo hiếu trong mùa Vu lan như thế nào tùy thuộc vào cách hiểu, cách làm của mỗi người, là sự tự nguyện, không ai ép ai. Song, chữ hiếu nên được thể hiện đầy đủ, trọn vẹn, không méo mó” - thượng tọa Thích Giác Văn chia sẻ.

Phương Hằng

 

 

 

 

Tin xem nhiều