Báo Đồng Nai điện tử
En

Dân vận trong giải tỏa, đền bù đất đai

11:09, 22/09/2017

Từ năm 2013 đến nay, 851 dự án trên địa bàn tỉnh đã thực hiện xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư triển khai xây dựng.

Từ năm 2013 đến nay, 851 dự án trên địa bàn tỉnh đã thực hiện xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư triển khai xây dựng. Nhiều dự án đã hoàn thành góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Khang, Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, đi khảo sát người dân trong vùng dự án, nằm trong diện bị thu hồi đất ở TP.Biên Hòa.
Đồng chí Nguyễn Văn Khang, Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, đi khảo sát người dân trong vùng dự án, nằm trong diện bị thu hồi đất ở TP.Biên Hòa.

Tuy nhiên, chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng thường xuyên thay đổi, nhiều bất cập, dẫn đến nhiều phát sinh phức tạp. Một số dự án trước khi tiến hành giải tỏa, đền bù chưa chú trọng công tác tuyên truyền, giải thích để dân đồng thuận.

* Không “quên” công tác dân vận

Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Văn Dũng cho biết theo Quyết định 56/2014 của UBND tỉnh, ban thường trực ủy ban MTTQ cấp huyện và xã là thành viên hội đồng bồi thường, hỗ trợ, giải tỏa, tái định cư.

Song ở một số dự án, sự phối hợp giữa chính quyền với MTTQ và các đoàn thể chưa thực sự hiệu quả. Không ít dự án khi được thực hiện, Mặt trận và các đoàn thể không nắm được thông tin chính xác, không được tham gia đóng góp ý kiến vào triển khai, quy hoạch dự án. Chính quyền chỉ “nhớ” đến Mặt trận và các đoàn thể khi dự án xảy ra vấn đề, như: dân không giao đất, không nhận tiền đền bù, phải cưỡng chế hoặc có khiếu kiện xảy ra. Lúc này mới đưa công tác dân vận vào thì rất khó nắm bắt đầy đủ để giải quyết thấu tình, đạt lý cho dân hiểu.

Cũng theo Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Văn Dũng, các cấp ủy, chính quyền cần nhận thức đầy đủ vị trí, tầm quan trọng của tuyên truyền trong giải phóng mặt bằng và tái định cư. Bởi tuyên truyền tốt sẽ giúp người dân hiểu rõ, từ đó người dân sẽ đồng tình ủng hộ chủ trương của Đảng và chính quyền các cấp; đồng thời phát huy vai trò báo chí trong tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của việc thực hiện dự án đối với xã hội và với chính bản thân họ.

Thừa nhận về điều này, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Ngọc Thường nói: “Nơi nào làm tốt công tác tuyên truyền về công tác bồi thường, giải tỏa, thì đa số các hộ dân có đất thuộc diện thu hồi đều đồng thuận, chấp hành, nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng để thực hiện đúng tiến độ dự án. Những nơi làm không tốt công tác tuyên truyền, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền không trực tiếp xuống từng dự án lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phân tích giải thích cho dân hiểu thì ít nhận được sự đồng thuận của người có đất trong diện bị thu hồi”.

* Quan tâm đến lợi ích người dân

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nhơn Trạch Tô Thanh Long chia sẻ khi tiếp xúc với dân trong diện thu hồi đất, các thành viên trong tổ vận động nhân dân phải đặt mình vào vị trí của chính người dân để đồng cảm, từ đó nhẫn nại ngồi nghe dân nói, cảm thông với dân, góp phần giảm sự bức xúc trong dân. Phải cho người dân nhận thức được rằng, việc bàn giao mặt bằng thực hiện dự án chính là sự gián tiếp góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và chính người dân cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển đó. Đảng và Nhà nước ghi nhận sự đóng góp của nhân dân.

Sau khi tiếp xúc với dân, nếu phát hiện nội dung nào bất cập, như: chế độ tái định cư, chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, phân cấp hạng nhà, xác định vị trí đất... gây thiệt thòi cho dân thì phải đề xuất ngay với huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, giải quyết bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho người dân.

Nguyên Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Văn Liên nhận định công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư là một vấn đề rất quan trọng. Công tác này lúc nào cũng nóng bỏng, là nhiệm vụ hóc búa của ngành dân vận. Vì vậy, người làm công tác vận động quần chúng phải nhận thức đầy đủ các vấn đề để vận động, thuyết phục người khác thành công. 

Trong thu hồi đất, giải tỏa, đền bù, tái định cư cho dân phải kết hợp hài hòa lợi ích giữa các bên, trong đó lợi ích người dân luôn được đặt lên hàng đầu. Có những dự án dân không đồng thuận, phải xem xét đến yếu tố lợi ích của người dân đã được đảm bảo chưa, sau đó mới tìm hiểu đến nguyên nhân khác.

Phải công khai, minh bạch

Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nêu rõ Việt Nam đang trong quá trình xây dựng đất nước, tái thiết sau chiến tranh, vì vậy việc quy hoạch, giải tỏa, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sẽ diễn ra nhiều năm, nhiều thập kỷ. Từ những khu dân cư nông thôn, đất nông nghiệp... khi chuyển đổi sang đất đô thị, khu công nghiệp, xây dựng hạ tầng, làm thay đổi chính cuộc sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, nhiều bất cập trong giải tỏa, đền bù, tái định cư, pháp luật chưa điều chỉnh hết.

Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể phải xác định người thuộc diện thu hồi đất là người trực tiếp đóng góp tài sản vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cần được ghi nhận là diện được hỗ trợ chính sách xã hội có thời hạn. Dù bồi thường, giải phóng mặt bằng là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp nhưng không vì thế mà cấp ủy, chính quyền ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải nêu cao tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Phải công khai minh bạch các chính sách, thủ tục trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Xử lý nghiêm những người trục lợi chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Phương Hằng

Tin xem nhiều