Báo Đồng Nai điện tử
En

Thay đổi nhận thức phòng chống cháy, nổ cho người dân

09:10, 03/10/2017

Để chủ động phòng ngừa cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC)  tỉnh xác định, phải đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kỹ năng PCCC cho nhân dân,...

Từ khi thành lập (ngày 30-9-2011) đến nay, để chủ động phòng ngừa cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng PCCC cho các tầng lớp nhân dân, các công ty trong tỉnh.

Thượng úy Vũ Nguyễn Quỳnh Sơn tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại huyện Định Quán. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thượng úy Vũ Nguyễn Quỳnh Sơn tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại huyện Định Quán. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Qua những lần tuyên truyền bằng nhiều hình thức, ý thức PCCC của người dân đã có chuyển biến tích cực hơn.

* Đa dạng hình thức tuyên truyền

Thượng úy Vũ Nguyễn Quỳnh Sơn, Đội trưởng Đội Tuyên truyền (Phòng Hướng dẫn và chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC tỉnh) cho biết, anh đã có 6 năm làm nhiệm vụ tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn cháy, nổ. Trong suốt thời gian đó, đã có nhiều thay đổi về nội dung, hình thức tuyên truyền cho cán bộ cơ sở và người dân.

Cũng theo Thượng úy Sơn, công việc bắt đầu từ việc tuyên truyền trực tiếp đến sử dụng hình ảnh, trình chiếu phim tư liệu, các hình thức trực quan sinh động (để đối tượng tuyên truyền trực tiếp sử dụng bình chữa cháy xách tay xử lý đám cháy nhỏ) và kết hợp với các phương tiện truyền thông địa phương thực hiện các tin, bài tuyên truyền về PCCC đến với đông đảo người dân…

Thượng úy Sơn cho rằng, với các hình thức trực quan sinh động, đối tượng được tuyên truyền, nhất là học sinh, sinh viên, đặt nhiều câu hỏi về công tác đảm bảo an toàn PCCC. Từ những thắc mắc nhỏ được giải đáp, họ tiếp tục hỏi sâu thêm và dần thấm, hiểu được việc đảm bảo an toàn cháy, nổ cho gia đình, cơ quan bằng những việc làm cụ thể.

"Không chỉ tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, quy định pháp luật về PCCC, chúng tôi còn chỉ rõ thực trạng PCCC, nguy cơ, nguyên nhân dễ dẫn đến cháy, nổ và các biện pháp phòng cháy, kỹ năng thoát nạn và xử lý các tình huống khi có cháy, nổ xảy ra…” - Thượng úy Sơn chia sẻ.

Có 3 năm công tác tại Đội Tuyên truyền, Trung úy Phan Đình Hòa cho biết vào những tháng cao điểm anh đi tuyên truyền PCCC ít nhất 4-5 lần, nhiều khi hơn 10 lần. Mỗi lần như vậy, anh kết hợp với các đơn vị, địa phương tuyên truyền riêng về PCCC, hoặc tuyên truyền xen kẽ với một lĩnh vực khác.

Trung úy Hòa tâm sự: “Ngoài các tài liệu do cấp trên cung cấp, chúng tôi còn làm các clip, hình ảnh, sưu tầm thông tin từ báo chí để tuyên truyền cho người dân. Điều này giúp đối tượng tuyên truyền thấy được việc cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, từ đó họ sẽ tự tìm hiểu để nâng cao ý thức PCCC. Từ việc lần đầu người dân chỉ nghe tuyên truyền, đến lần sau khi chúng tôi quay lại tuyên truyền thì mọi người đã mạnh dạn nêu thắc mắc về việc đảm bảo an toàn, cách xử lý tình huống khi gặp các sự cố cháy, nổ…”.

* Thay đổi nhận thức

Kinh doanh mặt hàng gas, bà Nguyễn Thị Thu (chủ Cửa hàng gas Thúy Hùng, ở phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) luôn chú trọng việc đảm bảo an toàn PCCC, đặc biệt là các bình chữa cháy xách tay luôn được kiểm tra, nạp bình định kỳ.

Bà Thu cho biết hàng năm, ngoài việc cho các nhân viên đi tập huấn kỹ năng PCCC, bà còn được mời dự các buổi tuyên truyền của Cảnh sát PCCC tỉnh nên hiểu và có cách bố trí các vị trí đường điện, bình gas, bình chữa cháy trong cửa hàng cho phù hợp.

“Gia đình tôi kinh doanh gas nên mỗi lần có buổi tuyên tuyền về an toàn cháy, nổ ở địa phương tôi đều tham dự. Nói thật, lúc mới đi nghe tuyên truyền về PCCC tôi cũng không chú ý lắm, nhưng rồi thấy nhiều vụ cháy nhà vừa ở vừa kinh doanh gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra, tôi bắt đầu để ý và tìm cách đảm bảo an toàn cho gia đình và hàng hóa. Chuyện cháy, nổ rất nguy hiểm nên phải đề phòng mỗi ngày, dần tạo thành thói quen” - bà Thu chia sẻ.

Với ông Phạm Văn Triều (ngụ xã Lộc An, huyện Long Thành), gia đình kinh doanh đồ gỗ nên ông rất quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cháy, nổ trong nhà và cửa hàng. Lúc đầu ông chỉ biết mua sắm bình chữa cháy chứ không rõ việc bố trí đồ đạc, hàng hóa cản lối đi hay thiết bị điện quá tải có thể gây nguy hiểm khi xảy ra sự cố cháy, nổ. Đến khi được cán bộ Cảnh sát PCCC tỉnh tuyên truyền, được đọc các cẩm nang đảm bảo an toàn PCCC, ông mới hiểu và sắp xếp lại cửa hàng.

“Tuyên truyền về đảm bảo an toàn PCCC mà một người đứng nói, hàng chục người ngồi nghe rất chán. Thế nhưng, khi có các clip, hình ảnh minh họa sinh động và được hướng dẫn cụ thể cách thoát nạn, bảo vệ tính mạng khi xảy ra sự cố…, chúng tôi thấy thú vị và nghe chăm chú hơn” - ông Triều bộc bạch.

Cùng với thực hiện tốt công tác tuyên truyền, Cảnh sát PCCC tỉnh còn tập trung xây dựng phong trào Toàn dân tham gia PCCC và cứu nạn, cứu hộ gắn với xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo phương châm 4 tại chỗ. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và tiến tới hoàn thiện 11 cụm - khu công nghiệp an toàn PCCC, 13 cụm dân cư an toàn PCCC; đã xây dựng được 202 đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân tham gia PCCC. Trong 5 năm qua, Cảnh sát PCCC tỉnh đã tổ chức trực tiếp được gần 4 ngàn buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho trên 420 ngàn lượt người tham dự.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều