Báo Đồng Nai điện tử
En

Một góc nhìn khác về chú Sáu Khải

12:03, 20/03/2018

"Chú Sáu là người rất yêu thiên nhiên, thích tự tay trồng trọt, chăm sóc cây cối trong vườn nhà mình ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh). Thậm chí chú còn nghiêm túc học hỏi, tìm hiểu đặc tính về các loài cây để chọn lựa, chăm sóc cho đúng cách" - ông Lê Việt Dũng, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, bùi ngùi kể về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, mọi người thường gọi thân mật là chú Sáu Khải.

“Chú Sáu là người rất yêu thiên nhiên, thích tự tay trồng trọt, chăm sóc cây cối trong vườn nhà mình ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh). Thậm chí chú còn nghiêm túc học hỏi, tìm hiểu đặc tính về các loài cây để chọn lựa, chăm sóc cho đúng cách” - ông Lê Việt Dũng, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, bùi ngùi kể về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, mọi người thường gọi thân mật là chú Sáu Khải.

Cơ duyên kết nối giữa người cán bộ kiểm lâm Đồng Nai với nguyên Thủ tướng là tình yêu thiên nhiên, sở thích chăm sóc cây cối. Khi về hưu ở Tân Thông Hội năm 2006, chú Sáu Khải muốn gầy dựng một vườn cây trên đất nhà. Lúc đó, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Một cũng là người quê gốc Củ Chi đã giới thiệu ông Lê Việt Dũng đến gặp chú Sáu Khải, bởi ông Dũng là người rất am hiểu về cây và có niềm đam mê với rừng. “Hợp gu” và cùng có chung sở thích,  nguyên Thủ tướng và người cán bộ kiểm lâm đã gắn bó với nhau suốt 12 năm.

Ông Dũng kể: “Hồi mới gặp, chú Sáu Khải bày tỏ: “Gốc của chú là nông dân, nhưng hồi nhỏ mới 14 tuổi chú đã tham gia cách mạng ở Đội Thiếu nhi cứu quốc của xã, sau khi tập kết thì đi học ở Liên Xô, chừng về công tác ở TP.Hồ Chí Minh rồi ra Hà Nội tham gia Chính phủ lúc nào cũng lu bu, bận rộn. Giờ nghỉ hưu chú muốn trở về với ruộng vườn, trở về với cái gốc nông dân của mình, trồng thêm được cái cây nào thì tốt cây đó, để lại cho đời, cho người dân, cho xứ sở Tân Thông Hội”. Chú Sáu Khải rất quan tâm đến các loài cây bản địa của miền Đông Nam bộ, vì vậy ông Dũng đã tư vấn cho chú trồng các loài cây gỗ quý bản địa như: giáng hương, cẩm lai, gõ đỏ…

Từ đó, khu đất của chú Sáu Khải bắt đầu rợp bóng cây. Chú thường tự tay cắt tỉa, chăm sóc cây cối và quan sát từng cây trong vườn. Những buổi trời mát, với bộ bà ba như nông dân “thứ thiệt”, chú Sáu chống gậy đi “coi cây” với nụ cười trên môi. Cây “đổ bệnh” là chú phát hiện ngay, không tự “trị bệnh” được thì chú “a lô” báo cho ông Dũng biết để tìm biện pháp giải quyết. Chú có thể ngồi nghe hàng giờ về đặc tính của cây, tỉ mỉ hỏi thêm những điều chưa biết.

Ông Dũng nhận xét, nếu nói về địa vị xã hội thì giữa ông và chú Sáu Khải là một khoảng cách quá xa, nhưng với bản tính bình dị, gần gũi mọi người của chú Sáu, khoảng cách này hầu như không hề có. Mà không riêng với ông, với những người xung quanh chú Sáu đều ứng xử thân tình như thế. Ban đầu, ông Dũng rất ngạc nhiên khi biết chú Sáu hàng tháng đều đi cắt tóc ở một tiệm cắt tóc bình dân gần nhà, nhưng càng tiếp xúc với chú Sáu ông càng biết ra đó là phong cách tự nhiên của vị nguyên lãnh đạo cấp cao của Nhà nước.     

Về hưu, nhưng không có nghĩa là chú Sáu nghỉ ngơi hoàn toàn. Sau khi nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua đời, chú Sáu đã tiếp tục công việc dở dang là quan tâm chăm lo bảo tồn, tôn tạo các khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam thời kỳ chống Mỹ, như Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, căn cứ địa kháng chiến ở Đồng Tháp Mười... Chú Sáu còn là chủ biên, xuất bản được nhiều cuốn sách viết về Chiến khu Đồng Tháp Mười, rừng U Minh, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, cố Tổng bí thư Lê Duẩn, ông Ung Văn Khiêm, cũng như hoàn thành 2 bộ phim tài liệu về hoạt động Xứ ủy Nam bộ…

 “Khi biết cha của tôi là liệt sĩ Lê Phong hy sinh năm Mậu Thân 1968, từng là chiến sĩ tham gia trận đánh Điện Biên Phủ năm 1954, chú Sáu Khải đã đến tận nhà tôi ở huyện Trảng Bom để thăm hỏi mẹ tôi. Mỗi khi chúng tôi đến nhà thăm, chú Sáu Khải thường biếu món quà quê thật đầy tình nghĩa, như bánh tráng, đậu phộng, bưởi, khô cá lóc hoặc thịt bò Củ Chi. Gia đình tôi ai cũng quý trọng, yêu mến chú. Khi chú Sáu Khải điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, ngày 28-2 tôi có đến thăm chú, không ngờ đó là lần gặp chú sau cùng. 12 năm qua, tôi học được rất nhiều điều từ chú, từ cách đối nhân xử thế cho đến tinh thần làm việc, lao động cần cù, tấm lòng đối với dân, với nước...” - ông Lê Việt Dũng xúc động nói.     

Hà Lam

 

Tin xem nhiều