Báo Đồng Nai điện tử
En

Sống với kỷ vật

09:07, 25/07/2018

Dù không biết chữ nhưng mỗi khi nhớ về 2 con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Khánh (92 tuổi, ngụ xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ) lại lấy giấy báo tử của các con ra xem, ôm ấp. Nhiều lúc bà nhờ con rể đọc lại cho mình nghe dù mẹ nhớ không sót một dấu chấm, dấu phẩy nào trong giấy báo tử.

Dù không biết chữ nhưng mỗi khi nhớ về 2 con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Khánh (92 tuổi, ngụ xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ) lại lấy giấy báo tử của các con ra xem, ôm ấp. Nhiều lúc bà nhờ con rể đọc lại cho mình nghe dù mẹ nhớ không sót một dấu chấm, dấu phẩy nào trong giấy báo tử.

Mỗi khi nhớ chồng, con, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Khánh (92 tuổi, ngụ xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ) lại nâng niu giấy báo tử của từng người.
Mỗi khi nhớ chồng, con, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Khánh (92 tuổi, ngụ xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ) lại nâng niu giấy báo tử của từng người.

Đó cũng là cách mà nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng làm khi nhớ về chồng, con đã hy sinh, nhất là trong những ngày tháng 7.

* Ôm ấp từng kỷ vật

Theo thống kê của Bảo tàng Đồng Nai, đến thời điểm này đã có hơn 200 hiện vật của gần 100 bà mẹ Việt Nam anh hùng trong tỉnh được chính các mẹ, thân nhân các mẹ hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh. Dịp 30-4-2017, đơn vị này tổ chức triển lãm chuyên đề Huyền thoại mẹ giới thiệu số hiện vật này và nhận được sự quan tâm, xúc động của nhiều người.

Vừa nâng niu từng giấy báo tử của chồng cùng 2 con, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Khánh cho hay chồng mẹ là Nguyễn Văn Trợt tham gia đoàn dân công trong kháng chiến chống Mỹ rồi mất năm 1960. 8 năm sau, 2 con trai là Nguyễn Văn Hẩm, Nguyễn Văn Cu hy sinh chỉ cách nhau đúng 1 tháng. Vì khi chồng con còn sống cả nhà chưa chụp chung được tấm ảnh nào, cũng không ai có ảnh riêng nên mỗi khi nhớ chồng, nhớ con mẹ không có di ảnh để ngắm nhìn. Kỷ vật mẹ có là giấy báo tử và bằng Tổ quốc ghi công của 3 người.

“Lúc đám cưới, chồng có tặng mẹ đôi bông tai. Sau ngày cưới ít lâu chồng mẹ đi tham gia kháng chiến, ít khi về thăm nhà. Một mình mẹ vừa hoạt động kháng chiến vừa nuôi con. Lúc thiếu ăn mẹ bán đôi bông để lo được mấy bữa no cho 3 đứa con. Giờ nghĩ lại mẹ tiếc hoài. Sau này 2 con trai đi bộ đội cũng không gửi thư từ, hình ảnh gì về cho mẹ” - mẹ  Trần Thị Khánh kể lại.

Niềm vui của mẹ hiện nay là được sống trong sự chăm sóc của gia đình cô con gái duy nhất còn sống là Nguyễn Thị Lan. Mẹ Khánh kể: “Cũng như cha anh, con gái mẹ tham gia kháng chiến với vai trò giao liên. Sau này con gái của mẹ được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng ba. Trời còn để lại cho mẹ đứa con để lo miếng ăn, giấc ngủ khi về già, lo nhang khói cho cha, anh”.

Cũng giống như mẹ Khánh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Thí (98 tuổi, ngụ phường Xuân Trung, TX.Long Khánh) dù thuộc lòng từng chữ giấy báo tử của chồng là liệt sĩ Bùi Văn Toán và con trai Bùi Văn Minh hy sinh lần lượt vào năm 1966 và 1967, nhưng mỗi khi nhớ chồng, con hay ngồi một mình trong đêm mẹ lại lấy ra nâng niu, ôm ấp. Nỗi đau mất con không khi nào phai mờ trong tâm trí của người mẹ. “Ngày nhận giấy báo tử của chồng rồi sau đó là con, mẹ đứng không vững. Mẹ đau lắm. Nhưng nghĩ rộng ra thì con mẹ tham gia bộ đội rồi đi mãi không về là làm tròn bổn phận với đất nước như bao thanh niên khác. Vì thời cuộc cũng như nhiều lần phải chuyển chỗ ở từ nơi này sang nơi khác nên gia đình chẳng thể giữ được di vật nào của người đã khuất” - mẹ Thí nói.

Còn ông Bùi Thiện Chánh, con trai út mẹ Thí cho biết thêm: “Mỗi lần nhớ các anh, mẹ tôi ngồi lặng một mình. Nhiều lúc mẹ khóc. Mẹ lật coi từng tờ giấy báo tử. Rồi mẹ thắp nhang cho chồng, con”.

* San sẻ kỷ vật

Bên cạnh việc nâng niu, ôm ấp và giữ gìn cẩn trọng từng giấy báo tử, kỷ vật của chồng, con để làm kỷ niệm cho riêng bản thân, gia đình, rất nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng trong tỉnh đã hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh để trưng bày, giới thiệu đến mọi người.

Trong số những bà mẹ Việt Nam anh hùng hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng tỉnh có mẹ Nguyễn Thị Hiểu (ấp 2, xã Long An, huyện Long Thành). Theo bà Phan Thị Vẹn, con gái của mẹ Hiểu, những kỷ vật này người mẹ 91 tuổi của bà luôn giữ bên mình như báu vật. Song khi nghe cán bộ bảo tàng nói rõ mục đích, lý do của việc sưu tầm để lưu giữ, giới thiệu kỷ vật nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, tưởng nhớ đến người có công nên mẹ đã đồng ý trao tặng lại. Trong số 6 hiện vật mẹ Hiểu hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh, mẹ quý nhất là tờ sơ yếu lý lịch của người con trai cả Phan Văn Bần (có tên khác Phan Thanh Hùng, Phan Thành Nhơn). Bà Vẹn kể: “Bản sơ yếu lý lịch này do anh tôi viết tay ngoài phần họ tên, quê quán, còn có ghi ngày nhập ngũ, cấp bậc, chức vụ... Nhưng quan trọng nhất đây là bút tích cuối cùng của anh Hùng mà gia đình nhận được. Vì bản sơ yếu lý lịch được viết vào tháng 7-1968 thì đến tháng 5-1969, anh tôi đã hy sinh”.

Hiến tặng 7 hiện vật cho Bảo tàng tỉnh, mẹ Hồ Thị Vàng (ngụ ấp 1, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cho biết đây là những kỷ vật gắn bó với đời sống hằng ngày, giấy tờ tùy thân từ trước ngày đất nước giải phóng. Trong đó có thẻ căn cước của chế độ Việt Nam cộng hòa cấp cho mẹ vào ngày 22-11-1970. Những vũ khí mẹ thu được tại Sân bay Biên Hòa vào năm 1970 và sau đó được cải tạo thành vật dụng phục vụ đời sống hằng ngày. “Mình giữ bên thân thì có để nhìn hoài, nhìn rồi nhớ lại thời trước. Nhưng đem cho bảo tàng cất giữ sẽ tốt hơn, nhiều người xem để biết lúc đó đời sống gian khổ ra sao. Nghĩ vậy nên tôi tặng lại hiện vật” - Bà mẹ Việt Nam anh hung Hồ Thị Vàng nói.

Chính nhờ hiện vật, kỷ vật mà các bà mẹ Việt Nam anh hùng trao tặng lại mà nhiều người, nhất là thế hệ trẻ, đã tận mắt chứng kiến những vật dụng sinh hoạt hằng ngày được cải tạo từ phần vỏ vũ khí, những bút tích, hình ảnh của các anh hùng liệt sĩ…

Văn Truyên

 

 

 

Tin xem nhiều