Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguyễn Hữu Thọ: Một trí thức yêu nước vĩ đại

09:07, 09/07/2020

"Luật sư Nguyễn Hữu Thọ quả là một nhà trí thức yêu nước vĩ đại đã hy sinh gần cả cuộc đời để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam ta đời đời sẽ nhớ mãi người con Việt Nam anh hùng ấy", đó là những dòng trong bài viết Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Một nhà yêu nước lớn của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh viết về người trí thức yêu nước vĩ đại Nguyễn Hữu Thọ.

“Luật sư Nguyễn Hữu Thọ quả là một nhà trí thức yêu nước vĩ đại đã hy sinh gần cả cuộc đời để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam ta đời đời sẽ nhớ mãi người con Việt Nam anh hùng ấy”, đó là những dòng trong bài viết Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Một nhà yêu nước lớn của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh viết về người trí thức yêu nước vĩ đại Nguyễn Hữu Thọ.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với các chiến sĩ quân giải phóng. Ảnh: TL
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với các chiến sĩ quân giải phóng. Ảnh: TL

Thật khó để giải thích một người xuất thân trong một gia đình khá giả như luật sư Nguyễn Hữu Thọ, mới 11 tuổi đầu ông đã được gia đình cho sang Pháp du học lại có thể dành cả cuộc đời mình để dấn thân vào những nơi nguy hiểm nhất, để góp phần đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Cùng với những gương mặt trí thức nổi tiếng của Việt Nam, của Nam bộ trong thế kỷ XX, tên tuổi của luật sư Nguyễn Hữu Thọ gắn liền với những chặng đường gian khổ nhưng đầy vinh quang của đất nước và dân tộc.

* Luật sư luôn đứng về phía chính nghĩa

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, bí danh Ba Nghĩa, sinh ngày 10-7-1910 tại Bến Lức, tỉnh Long An. Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật tại Pháp, trở về Việt Nam, ông mở văn phòng luật sư rồi trở thành luật sư của Tòa Thượng thẩm. Trong những hồi ức, kỷ niệm của những người cùng thời hành nghề luật sư với ông như: Nguyễn Văn Huyền, Phó tổng thống chính quyền Dương Văn Minh; Trần Ngọc Liễng, Chủ tịch lực lượng quốc gia tiến bộ, Quốc vụ khanh chính phủ Dương Văn Minh... thì luật sư Nguyễn Hữu Thọ thường nhận cãi để bênh vực cho những người kháng chiến, trong đó có những người sau này trở thành những người đồng chí thân thiết của ông như: Nguyễn Thị Châu Sa (tức Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước); Đỗ Duy Liên (nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM)…

Luật sư Trần Ngọc Liễng trong bài viết Vì nghĩa lớn cũng cho biết thời Pháp thuộc, đa số các luật sư người Pháp coi thường các luật sư tập sự và đối xử với họ như những người giúp việc, riêng luật sư Nguyễn Hữu Thọ bao giờ cũng rất ân cần.

* Đi theo tiếng gọi của dân tộc

Đang là một người có vị thế dưới chính quyền thực dân Pháp, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã có những quyết định dứt khoát khi đứng về phía đông đảo nhân dân đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc. Năm 1947, luật sư tham gia phong trào yêu nước của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn.

Phong trào yêu nước của các trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn đã ra bản tuyên ngôn lần thứ nhất năm 1947 kêu gọi Chính phủ Pháp mở các cuộc thương thuyết với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh đứng đầu để nhanh chóng chấm dứt chiến tranh. Tại Việt Bắc, ngày 25-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cảm ơn và hoan nghênh tinh thần này của giới trí thức Nam bộ. Đến năm 1949, phong trào yêu nước của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn của luật sư Nguyễn Hữu Thọ tiếp tục ra bản tuyên ngôn lần thứ 2 cương quyết chỉ thừa nhận chính phủ Hồ Chí Minh là chính phủ hợp pháp duy nhất. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cũng chính là người dẫn đầu cuộc biểu tình chống tàu chiến Mỹ can thiệp vào tình hình Việt Nam ngày 19-3-1950, là nhà lãnh đạo chủ yếu của phong trào đám tang Trần Văn Ơn ngày 12-1-1950.

Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã bị địch bắt và đưa đi đày, an trí ở nhiều nơi như: Lai Châu, Hải Phòng, Phú Yên. Từ một trí thức đi theo cách mạng, Nguyễn Hữu Thọ đã đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng của cách mạng như: Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông lần lượt đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng: Phó chủ tịch nước, Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam...

* Về tới đích

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã chọn cho mình một con đường đi vì nghĩa lớn của nước non và ông đã đi tới đích của con đường đã chọn. Nhà cách mạng Lý Hải Châu, nguyên Giám đốc NXB Văn học, một người đã từng được Nguyễn Hữu Thọ tìm cách bênh vực khi bị tù thời Pháp thuộc, trong bài viết Gặp anh trên con đường lớn cho biết, năm 1992, nhân cuộc họp của những người tù Côn Đảo, gặp Lý Hải Châu, Nguyễn Hữu Thọ đã đọc 2 câu thơ bằng tiếng Pháp: Nếu phải đi lần nữa/ Tôi lại đi đường này.

Người bạn thân thiết của ông, luật sư Nguyễn Văn Huyền, sau này là Phó tổng thống chính quyền Dương Văn Minh và sau năm 1975 là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã khẳng định, Nguyễn Hữu Thọ đã đi đến tận cùng, còn ông, ông cảm thấy mình kém rất nhiều.

Nhà cách mạng Trần Bạch Đằng đã viết về ông: “Cương nghị, trong sáng, giản dị, luôn phục tùng lợi ích chung, đồng thời có suy nghĩ riêng, nhiệt tình và bao dung, ghét bất công và chia sẻ bất hạnh với mọi người... Nguyễn Hữu Thọ quy tụ các tầng lớp theo con đường do Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra”.

Trong điếu văn tiễn biệt ông, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khẳng định Nguyễn Hữu Thọ đã suốt cuộc đời: “Mong muốn và đã cố gắng được nhiều nhất cho việc xây dựng một Tổ quốc Việt Nam vững mạnh, phồn vinh, hạnh phúc… với tất cả tấm lòng chí công, thanh bạch, niềm tin sắt đá...”.

Công lao và những đóng góp của luật sư Nguyễn Hữu Thọ cho đất nước và dân tộc là vô cùng to lớn đúng như nhận định của ông Trần Bạch Đằng: “Nguyễn Hữu Thọ cống hiến thật lớn lao cho sự nghiệp cứu nước và xây dựng đất nước. Anh chia tay đồng bào, đồng đội, bè bạn trong thanh bạch và thanh thản”. Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và những nhà cách mạng đàn anh khác, Nguyễn Hữu Thọ là một gương mặt lớn của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.

Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều