Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ ký ức chiến tranh, trân quý và giữ gìn độc lập - hòa bình

07:09, 01/09/2022

Những ngày cuối tháng 8, hướng về kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhiều người tìm đến Bảo tàng chứng tích chiến tranh (TP.HCM) để hiểu và trân quý hơn giá trị thiêng liêng của nền độc lập, tự do ngày nay.

Những ngày cuối tháng 8, hướng về kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhiều người tìm đến Bảo tàng chứng tích chiến tranh (TP.HCM) để hiểu và trân quý hơn giá trị thiêng liêng của nền độc lập, tự do ngày nay.

Khách tham quan trầm ngâm rất lâu bên những hình ảnh tư liệu thông tin về những trận thảm sát tại Việt Nam
Khách tham quan trầm ngâm rất lâu bên những hình ảnh tư liệu thông tin về những trận thảm sát tại Việt Nam. Ảnh: T.Trang

Những chứng tích tội ác và hậu quả của các cuộc chiến tranh mà các thế lực xâm lược đã gây ra đối với Việt Nam càng khốc liệt và tàn ác bao nhiêu thì tinh thần anh dũng đấu tranh chống các thế lực xâm lược, bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc của các thế hệ người Việt Nam càng quật cường và mạnh mẽ bấy nhiêu.

* Những dấu mốc lịch sử

Bảo tàng chứng tích chiến tranh đã nghiên cứu, sưu tầm và lưu trữ, trưng bày một khối lượng tư liệu, hình ảnh và hiện vật đồ sộ, phong phú với hơn 20 ngàn tài liệu, hiện vật và phim ảnh, trong đó có hơn 1,5 ngàn tài liệu, hiện vật, phim ảnh khái quát những chứng tích tội ác, hậu quả của các cuộc chiến tranh mà các thế lực xâm lược đã gây ra đối với Việt Nam.

Đến với bảo tàng, khách sẽ được hướng dẫn tham quan các phòng triển lãm theo trình tự 9 chuyên đề trưng bày thường xuyên được bố trí từ tầng 2 đến tầng trệt. 9 chuyên đề được giới thiệu theo dòng lịch sử, sự kiện, giúp khách tham quan trong nước lẫn quốc tế có thể nắm bắt và hiểu rõ hơn về lịch sử nước Việt Nam.

Mở đầu cho dòng hồi tưởng của lịch sử, khách tham quan bảo tàng đến với chuyên đề Những sự thật lịch sử. Chuyên đề gồm 66 ảnh, 20 tài liệu, 153 hiện vật giới thiệu quá trình thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam. Chuyên đề bắt đầu với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào ngày 2-9-1945 trước quốc dân đồng bào. Đó là hình ảnh được phóng lớn với câu trích trong bản Tuyên ngôn độc lập: “…Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Bên cạnh là bản in Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được trưng bày trang trọng trong hộp kiếng. Phía dưới là những hình ảnh ghi lại những khoảnh khắc quan trọng: Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, chấm dứt gần 100 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp tại Việt Nam; Lễ mừng độc lập tại Sài Gòn chiều 2-9-1945; Ngày 2-3-1946, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội đầu tiên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã bầu các thành viên của Chính phủ liên hiệp kháng chiến; Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và bầu Chính phủ mới (ngày 3-11-1946).

Kết thúc chuyên đề này là hình ảnh sự kiện 10 giờ 45 ngày 30-4-1975, xe tăng quân giải phóng đánh chiếm Dinh Độc lập buộc chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện, kết thúc cuộc kháng chiến chống xâm lược, giành độc lập, thống nhất cho Tổ quốc của nhân dân Việt Nam, cùng câu trích: “Chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao lại sai lầm như vậy” của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Mc.Namara thú nhận trong cuốn hồi ký Nhìn lại quá khứ: tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam.

* Sự khốc liệt của chiến tranh

Trong các phòng triển lãm tại bảo tàng thì phòng triển lãm chuyên đề Tội ác chiến tranh và xâm lược thu hút người xem đông nhất. Người xem thường dừng lại rất lâu, chăm chú xem hình ảnh, đọc thông tin liên quan.

Trong chuyên đề này, bảo tàng trưng bày 125 ảnh, 22 tài liệu, 234 hiện vật giới thiệu những chứng tích tội ác và hậu quả của chiến tranh xâm lược đối với đất nước và người dân Việt Nam. Nhiều người xem triển lãm, cả trong nước lẫn quốc tế đều như lặng người đi, trầm ngâm rất lâu xem những hình ảnh, đọc những thông tin phơi bày sự thật tàn khốc của việc quân địch bắt bớ, tra tấn, giết hại người dân. Trong đó, cao trào cảm xúc của người xem chính là những hình ảnh, hiện vật, trích phỏng vấn về cuộc thảm sát 504 thường dân ở Sơn Mỹ, Quảng Ngãi vào năm 1968; cuộc thảm sát ở Thạnh Phong, Bến Tre vào đêm 25-2-1969…; sử dụng bom đạn tàn phá nhà cửa, bệnh viện, trường học gây nhiều tổn thất và thương vong đối với người dân Việt Nam.

Ngân vang tiếng chuông hòa bình

Các em thiếu nhi đánh chuông bằng vỏ bom tại khuôn viên Bảo tàng chứng tích chiến tranh
Các em thiếu nhi đánh chuông bằng vỏ bom tại khuôn viên Bảo tàng chứng tích chiến tranh

Chùa Bửu Lâm tại thôn Bình Lâm, xã Hàm Chính, H.Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận không có chuông để cử hành nghi lễ cho người chết do chiến tranh nên người dân đã cắt một nửa quả bom 500 cân Anh chưa nổ, điểm nhãn 4 hán tự (chuyển ngữ tiếng Việt là xuân hạ thu đông) vào 4 phía xung quanh với ý nghĩa quy luật 4 mùa xoay chuyển trong trời đất, là vòng luân hồi theo triết lý Phật giáo. Mỗi khi hành lễ, âm thanh của chuông vang lên như lời thức tỉnh bản giác của con người được hòa bình.

Khách tham quan đến bảo tàng thường đánh tiếng chuông này. Tiếng chuông chùa vang vọng trong một không gian ăm ắp tư liệu của những nỗi đau chiến tranh, càng khiến lòng người thưởng lãm như lắng lại, thêm xúc cảm và mong muốn, khát vọng hòa bình hơn khi nào hết. 

            L.V

“Đây là chuyên đề lấy của tôi nhiều cảm xúc nhất khi đến với Bảo tàng chứng tích chiến tranh. Xem những hình ảnh người dân, trong đó có cả phụ nữ, người già và trẻ em, bị tra tấn, giết hại trong khói lửa chiến tranh khiến tôi bần thần đến ám ảnh. Chiến tranh quá khốc liệt, quân địch quá tàn ác nên tôi thấy quý trọng hơn rất nhiều giá trị của độc lập - tự do, của hòa bình mà chúng ta có được ngày nay” - chị Diễm Thúy, một khách tham quan bảo tàng chia sẻ.

Theo một thống kê tại chuyên đề này, sau cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm (1945-1975), dân tộc Việt Nam đã chịu những tổn thất nặng nề: khoảng 3 triệu người chết (trong đó có 2 triệu dân thường); khoảng 2 triệu người bị thương, 300 ngàn người mất tích.

Hay như chuyên đề Chế độ lao tù trong chiến tranh xâm lược Việt Nam với 40 hình ảnh, 14 bản trích, bản đồ và 21 hiện vật giới thiệu hệ thống trên 200 nhà tù do Mỹ và chính quyền Sài Gòn dựng lên nhằm đàn áp những người Việt Nam yêu nước. Người xem được giới thiệu một số địa ngục trần gian ở Côn Đảo, Phú Quốc, Chí Hòa, Tân Hiệp (Đồng Nai)… cũng như các phương thức, hình cụ cực kỳ dã man nhằm đàn áp, tra tấn hành hạ tù chính trị và tù binh. Chẳng hạn như máy chém, dụng cụ chặt đầu người bị án tử hình được thực dân Pháp sử dụng rộng rãi và được chính quyền Sài Gòn đưa đi nhiều nơi để khủng bố tinh thần người dân yêu nước; “chuồng cọp” hủy hoại tinh thần, thể xác tù nhân…

Trong số các hình ảnh tại chuyên đề, nổi bật có hình ảnh anh Lê Văn Trí, 27 tuổi, sau 10 năm bị giam cầm nghiệt ngã tại Côn Đảo, khi trở về chỉ còn da bọc xương; các bà Ngô Thị Tồn và Kiều Thị Tư (là 2 trong số 410 chị em chống chào cờ “Quốc gia” tại nhà tù) bị địch đàn áp dã man bằng lựu đạn ở nhà tù Tân Hiệp ngày 26-11-1970…

* Nơi giáo dục lòng yêu nước và kêu gọi hòa bình

Với mục đích lưu lại những chứng tích anh hùng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống các thế lực xâm lược, đồng thời để tố cáo những tội ác và nêu bật những hậu quả tàn khốc của cuộc chiến tranh xâm lược, Bảo tàng chứng tích chiến tranh đã được thành lập vào ngày 4-9-1975, chỉ 2 ngày sau Ngày Quốc khánh đầu tiên cả nước thống nhất, non sông thu về một dải.

Là thành viên hệ thống các bảo tàng Việt Nam, Bảo tàng hòa bình thế giới (INMP) và Hội đồng quốc tế các bảo tàng (ICOM), hằng năm, Bảo tàng chứng tích chiến tranh đón tiếp gần 1 triệu khách tham quan, trở thành một trong những địa điểm văn hóa - du lịch có sức hút đối với công chúng Việt Nam và quốc tế.

Khách đến tham quan triển lãm đa dạng về thành phần, có cả khách trong nước lẫn khách quốc tế, có cả khách đoàn và khách cá nhân, khách đi theo nhóm bạn và khách đi theo nhóm gia đình.

Theo ghi nhận vào những ngày cuối tháng 8, dù giờ đóng cửa phục vụ của bảo tàng là 17 giờ nhưng đến 16 giờ vẫn có khách đăng ký tham quan. Sự thu hút của bảo tàng chính là điều kiện thuận lợi để bảo tàng thực hiện ý nghĩa các chuyên đề, kêu gọi công chúng nêu cao ý thức chống chiến tranh phi nghĩa, bảo vệ hòa bình và tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân các nước trên thế giới. Đối với thế hệ trẻ Việt Nam, bảo tàng chính là nơi giáo dục truyền thống, bồi dưỡng, vun đắp tình yêu nước cho học sinh, sinh viên nói riêng và giới trẻ nói chung.

Thùy Trang

Tin xem nhiều