Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Thúc đẩy kinh tế số, xã hội số

03:06, 08/06/2022

Chuyển đổi số có thể giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, mang lại những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống. Đối với doanh nghiệp (DN), việc tận dụng công nghệ trong quản lý, điều hành, sản xuất là cơ hội lớn để bứt phá và phát triển.

Chuyển đổi số có thể giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, mang lại những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống. Đối với doanh nghiệp (DN), việc tận dụng công nghệ trong quản lý, điều hành, sản xuất là cơ hội lớn để bứt phá và phát triển.

Ông Ngô Thanh Long, chủ doanh nghiệp sản xuất nước thanh long lên men Anna (H.Thống Nhất, phải) đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Shopee
Ông Ngô Thanh Long, chủ doanh nghiệp sản xuất nước thanh long lên men Anna (H.Thống Nhất, phải) đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Shopee. Ảnh: H.YẾN

Hiện nay, thúc đẩy giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) và thanh toán không dùng tiền mặt… là những hoạt động đang được đẩy nhanh, đẩy mạnh trong quá trình xây dựng nền kinh tế số.

* Nông dân cũng lên sàn giao dịch

Ông Trần Văn Lộc (ngụ ấp Cây Da, xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) là chủ của thương hiệu điểm du lịch sinh thái Vườn chú Lộc La. 70 tuổi mới bắt đầu làm du lịch nhưng ông Lộc không hề “lép vế” so với những người trẻ. Để tiếp cận được nguồn du khách đông đảo, ngoài trang Facebook cá nhân, ông Lộc đã liên hệ với các fanpage có đông người theo dõi như: Người Long Khánh, Tôi yêu Long Khánh, Người Xuân Lộc… để quảng bá dịch vụ du lịch của mình.

Đồng Nai có nhiều tiềm năng

Về tiềm năng chuyển đổi số của Đồng Nai, Chủ tịch Tập đoàn FPT TRƯƠNG GIA BÌNH nhận định, Đồng Nai hoàn toàn có thể lên tốp 10 trên “bản đồ chuyển đổi số” của cả nước. Trong xây dựng kinh tế số, ông Bình cho rằng, Đồng Nai là tỉnh rất phát triển, là trọng tâm phát triển kinh tế của khu vực. Bài toán đặt ra là làm thế nào để chuyển các DN sang DN số hóa. Các DN trên địa bàn phải thực hiện chuyển đổi số; xây dựng tiềm lực nội tại của tỉnh về công nghệ thông tin, năng lực số; cần tiếp tục kêu gọi đầu tư trong nước và nước ngoài ở lĩnh vực kinh tế số; đồng thời, thúc đẩy nhanh việc thanh toán không dùng tiền mặt và TMĐT.

Cũng từ kênh quảng bá này, ông được một số nghệ sĩ liên hệ kết hợp quay các chương trình trải nghiệm, đăng tải trên kênh YouTube, Facebook… Nhờ đó, lượng du khách biết đến Vườn chú Lộc La ngày càng nhiều.

Không chỉ những người nông dân như ông Lộc, mà những hộ buôn bán nhỏ lẻ tham gia vào nền kinh tế số cũng ngày càng nhiều, hình thức tham gia khá đa dạng. Có người livestream bán hàng trên Facebook, người bán hàng qua Zalo, những người trẻ hơn, rành công nghệ hơn thì tham gia vào các sàn TMĐT như: Shopee, Lazada, Sendo…

Trước đây, người dân mang hàng ra chợ bán chỉ tiếp cận được vài chục đến vài trăm người trong khu vực địa lý hạn chế của mình. Hiện nay, với TMĐT, họ có thể tiếp cận, bán hàng cho hàng triệu người và không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Mỗi người dân với một chiếc điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình với một đường dây internet là có thể trở thành một DN và có thể tiếp cận cả thế giới.

Đầu năm 2020, ông Ngô Thanh Long, chủ DN sản xuất nước thanh long lên men Anna (H.Thống Nhất) bắt đầu đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT. Đây cũng là thời gian mà ông nghiên cứu, đầu tư cho mẫu mã sản phẩm, nhận diện thương hiệu; tìm hiểu về thuật toán của Google, Facebook để khi đăng sản phẩm sẽ xuất hiện lên tốp tìm kiếm. Ngoài quảng bá trên các sàn TMĐT lớn, ông Long còn lập website, fanpage và thường xuyên có bài viết giới thiệu sản phẩm để tăng tương tác với khách hàng.

Ông Long cho biết: “Các sàn TMĐT rất phù hợp với các DN vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Đây là kênh quảng bá, bán hàng hiệu quả, giúp DN tiếp cận được lượng khách hàng đông đảo một cách thuận tiện. DN, người dân cần phải chủ động học tập để hiểu hơn về công nghệ và cách thức bán hàng trên không gian mạng để thu được hiệu quả cao hơn”.

* Cơ hội lớn để DN nhỏ và vừa chuyển mình

Tại Đồng Nai, sàn TMĐT do Sở Công thương phụ trách đã chính thức ra mắt vào tháng 12-2021. Tính đến nay, sàn TMĐT của tỉnh đi vào hoạt động được 6 tháng và còn khá sơ khai.

Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương cho hay, mục tiêu trong năm 2022 sẽ có 50 DN của tỉnh đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. Sở Công thương sẽ kiểm soát chất lượng sản phẩm. Hiện nay, sàn TMĐT này đang chạy trên nền tảng website, để thuận tiện hơn cho DN và người tiêu dùng, Sở Công thương đang trong quá trình xây dựng ứng dụng (app) để dùng trên điện thoại. Dự kiến đến cuối năm app này sẽ được đưa vào sử dụng.

Lãnh đạo Sở Công thương cho biết thêm, về lâu dài, để sàn hoạt động hiệu quả hơn thì cần hướng tới xã hội hóa. Trong đó, Sở Công thương là đơn vị đầu mối quản lý sàn, chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng, nguồn gốc sản phẩm; vấn đề thanh toán điện tử, giao nhận hàng hóa sẽ do các đối tác phụ trách.

Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM Lâm Nguyễn Hải Long chia sẻ, chuyển đổi số là quá trình dài hơi, đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc về thời gian, tiền bạc và trí tuệ của bất kỳ tổ chức nào khi thực hiện quá trình chuyển đổi số… DN muốn vươn lên nhanh, mở rộng thị trường, tăng lợi nhuận, tiết kiệm chi phí thì chuyển đổi số là công cụ có thể giúp cho DN đạt kết quả nhanh nhất.

Hoạt động trong lĩnh vực môi trường, ThS Hà Huy Minh, Giám đốc Công ty CP Tư vấn môi trường và xây dựng Đại Dương Xanh, cho biết việc khai thác, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật là yếu tố không thể thiếu của DN. Chuyển đổi số sẽ mang đến nhiều thuận lợi hơn cho DN. Vì vậy, DN rất mong được tiếp cận với chính sách hỗ trợ để thực hiện chuyển đổi số. 

* Tạo thuận lợi cho người dân tham gia chuyển đổi số

Năm 2019, bà Lê Thị Vân (60 tuổi, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) mua chiếc điện thoại di dộng thông minh với giá 3 triệu đồng. Đó cũng là lần đầu tiên người nông dân này sử dụng thiết bị công nghệ. Trước đó, bà chỉ quen dùng “điện thoại cục gạch” để nghe, gọi và thậm chí không biết cách bấm bàn phím để soạn tin nhắn. Từ ngày sở hữu chiếc điện thoại thông minh, bà Vân đã dần tham gia vào “môi trường số”.

Từ việc “chơi” Facebook, bà Vân dần biết đến các kho ứng dụng khác trên điện thoại. Thay vì xem tivi, bà tải app về để xem tin tức và các chương trình giải trí khác. Từ các kênh livestream bán hàng trên Facebook, bà bắt đầu tập tành mua hàng qua mạng và dần thích hình thức mua sắm này. Sở hữu điện thoại thông minh có kết nối internet, bà Vân đã tiếp cận được nhiều thông tin hơn, “hội nhập” với những người trẻ trong gia đình và không bị coi là “tụt hậu” nữa.

Rõ ràng, việc tham gia vào “môi trường số” đã giúp cho người dân thuận lợi hơn trong tiếp cận các dịch vụ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70%...

Đồng Nai hiện có hơn 3,2 triệu dân, là tỉnh có dân số lớn thứ 5 cả nước. Số lượng người dùng điện thoại thông minh có kết nối internet cao. Đây là thuận lợi lớn cho việc chuyển đổi số.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho biết, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các DN cung cấp dịch vụ viễn thông hoàn thiện mở rộng, phổ biến hạ tầng 4G, 5G để phủ sóng dịch vụ băng thông rộng trên địa bàn tỉnh và hạ tầng cáp quan đến 100% hộ gia đình. Bên cạnh đó, cũng cần vận động các DN tham gia các chương trình hỗ trợ máy tính, điện thoại thông minh cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh để người dân có cơ hội tham gia khai thác các nền tảng số phục vụ nhu cầu của mình.

Hải Yến

Bài 3: Đưa Đồng Nai vào tốp 10 chuyển đổi số

Tin xem nhiều