Báo Đồng Nai điện tử
En

Đào tạo lớp nông dân trẻ thông minh

09:11, 01/11/2019

Bàn về cơ hội tiếp cận và phát triển nông nghiệp 4.0 tại Việt Nam, TS.Lê Quý Kha, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam chỉ ra điểm yếu hiện nay chính là ở đội ngũ lao động nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bàn về cơ hội tiếp cận và phát triển nông nghiệp 4.0 tại Việt Nam, TS.Lê Quý Kha, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam chỉ ra điểm yếu hiện nay chính là ở đội ngũ lao động nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu.

Theo TS.Lê Quý Kha, lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn của nước ta chỉ đạt 11,2% nên năng suất lao động bình quân toàn quốc chỉ bằng 1-1,5% so với các nước phát triển. Do năng suất và trình độ thấp, một nông dân Việt Nam chỉ nuôi được 2-2,5 người, trong khi tại các nước phát triển, một lao động nông nghiệp nuôi được 100-150 người. Đã đến lúc nông dân Việt Nam phải tìm cách tiếp cận nông nghiệp 4.0 để không mãi ở thế yếu trong cạnh tranh. Điều này đã được các nước đi trước trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao chứng minh. Tiêu biểu như Thái Lan đã sớm có chính sách phát triển nông nghiệp 4.0, trong đó tập trung đào tạo để thế hệ trẻ thành nông dân thông minh. “Chính sách khuyến nông của nước ta thay vì chủ yếu mới hỗ trợ cho nông dân về giống, phân bón theo kiểu cho - nhận như trước thì nên dành phần lớn nguồn kinh phí này đầu tư tập huấn cho thế hệ trẻ về mặt kiến thức cần thiết trong sử dụng thiết bị công nghệ, máy móc hiện đại; đào tạo cho người trẻ về tư duy tiếp cận nông nghiệp 4.0” - TS.Kha nhấn mạnh.

Theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phát triển tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 50% vào năm 2020. Mặc dù vậy, hiện có đến 46% nguồn nhân lực trong nông nghiệp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng.

Tại tọa đàm khoa học “Gắn kết cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp trình độ cao” do Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức vào tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tạo nguồn nhân lực trình độ cao để phát triển nông nghiệp, nông thôn là yêu cầu cấp bách và là thách thức lớn hiện nay. Dự báo đến năm 2020, ngành nông nghiệp sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Đây chính là sự bất cập ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nông nghiệp nước ta. Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ giỏi nghiệp vụ mà còn tinh thông ngoại ngữ, có kỹ năng mềm tốt và khả năng hợp tác cao, công tác đào tạo phải gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng cụ thể từ doanh nghiệp. Trong thời gian đào tạo, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp có sự hợp tác để sinh viên trực tiếp thực hành tại cơ sở, trang trại, sớm nắm bắt được công nghệ, hiểu biết về ngành nghề mà sau này họ gắn bó.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều