Báo Đồng Nai điện tử
En

Quyền của cổ đông phổ thông

10:04, 16/04/2007

Tôi là cổ đông phổ thông của công ty cổ phần X. Vừa qua, trong đại hội đồng cổ động, tôi được biết số cổ đông mua ít cổ phần như tôi là rất đông. Bên cạnh đó, có một số cổ đông mua rất nhiều cổ phần, giá trị cổ phần của họ lên đến 30% - 40% vốn điều lệ của công ty, cho nên họ được giới thiệu đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát (theo điều lệ của công ty thì cổ đông sở hữu trên 10% số cổ phần phổ thông và liên tục trong 6 tháng thì mới có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát)...
Trần Thị Phương Thảo(TP. Biên Hòa)

Tôi là cổ đông phổ thông của công ty cổ phần X. Vừa qua, trong đại hội đồng cổ động, tôi được biết số cổ đông mua ít cổ phần như tôi là rất đông. Bên cạnh đó, có một số cổ đông mua rất nhiều cổ phần, giá trị cổ phần của họ lên đến 30% - 40% vốn điều lệ của công  ty, cho nên họ được giới thiệu đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát (theo điều lệ của công ty thì cổ đông sở hữu trên 10% số cổ phần phổ thông và liên tục trong 6 tháng thì mới có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát). Tôi và nhiều cổ đông khác có thể tập hợp thành nhóm (để có đủ 10% vốn điều lệ) để giới thiệu thành viên Hội đồng quản trị hoặc thành viên Ban kiểm soát có được không? Xin luật sư vui lòng cho biết quyền của cổ đông phổ thông như thế nào? Xin cảm ơn luật sư.

Trần Thị Phương Thảo (TP. Biên Hòa)

Theo các Điều 79, 84 của Luật Doanh nghiệp, thì quyền của cổ đông phổ thông được quy định như sau:

1. Cổ đông phổ thông có quyền:

a. Tham dự và phát biểu trong các Đại hội cổ đông và thực hiện quyền  biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền; mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết.

b. Được nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông.

c. Được  ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty.

d. Được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông khác và cho người không  phải là cổ đông (trừ trường hợp các cổ đông sáng lập thì trong thời hạn 3 năm  kể từ khi công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông  sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông  sáng lập khác; nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó và người nhận chuyển nhượng đương nhiên trở thành cổ đông sáng lập của công ty. Sau thời hạn 3 năm kể từ ngày đăng ký kinh doanh các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập đều được bãi bỏ).

e. Xem xét, tra cứu và trích lục các thông tin danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa đổi các thông tin không chính xác.

f. Được quyền xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty, sổ biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

g.         Khi công  ty giải thể, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với số cổ phần góp  vốn vào công ty.

h.         Các quyền khác quy định tại Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty.

2. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10%  số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng hoặc tỷ lệ khác nhỏ hơn quy đinh tại Điều lệ công ty có quyền:

a. Đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát (nếu có).

b. Xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của  hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hàng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam và các báo cáo của Ban kiểm soát.

c. Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp quy định tại khoản 3 điều này.

d. Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết. Yêu cầu phải bằng văn bản và phải có tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu xác nhận cá nhân hợp pháp khác hoặc số quyết định thành lập hoặc đăng ký kinh doanh, số lượng cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty; vấn đề cần kiểm tra, mục đích kiểm tra.

e. Các quyền khác quy định tại Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.

3. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 điều này có quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp  sau đây:

a. Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông,  nghĩa  vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền của người được giao.

b. Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị đã vượt quá 6 tháng mà Hội đồng quản trị mới chưa được bầu thay thế.

c. Các trường hợp khác quy định tại Điều lệ công ty.

Yêu cầu bằng văn bản phải có tên, địa chỉ trường trú, số giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc  chứng thực cá nhân hợp pháp khác, số quyết định thành lập hoặc đăng ký, số cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong  tổng số cổ phần của công ty, căn cứ và lý do yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông. Kèm theo yêu cầu phải có các tài liệu chứng cứ về các vi phạm của Hội đồng quản trị, mức độ vi phạm hoặc về quyết định vượt quá thẩm quyền.

4. Nếu điều lệ công ty không quy định khác thì việc đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát quy định tại điểm a khoản 2 điều này được thực hiện như sau:

a. Các cổ đông phổ thông tự nguyện tập hợp thành nhóm thỏa mãn các điều kiện quy định để đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát  phải thông báo về việc họp nhóm cho các cổ đông dự họp biết chậm nhất ngay khi khai mạc Đại hội cổ đông.

b. Căn cứ số lượng thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 điều này được quyền đề cử một hoặc một số người theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông làm ứng cử viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Trường hợp số ứng cử viên được các cổ đông, nhóm cổ đông đề cử thấp hơn số ứng cử viên mà họ  được quyền đề cử theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông thì số ứng cử viên còn lại do Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và các cổ đông khác đề cử.

Nếu cần được giúp đỡ cụ thể, xin chị vui lòng liên hệ với Trung tâm tư vấn pháp luật (Hội Luật gia) để được hướng dẫn, giúp đỡ miễn phí. (ĐT: 0613.823096 - 0913.755442).

LS. Nguyễn Đức

Tin xem nhiều