Báo Đồng Nai điện tử
En

Lại thanh tra giá sữa!

09:08, 05/08/2013

Một trong những điều khiến người tiêu dùng Việt Nam ngán ngẩm là sự loay hoay bất lực trong quản lý giá sữa của cơ quan chức năng.

Một trong những điều khiến người tiêu dùng Việt Nam ngán ngẩm là sự loay hoay bất lực trong quản lý giá sữa của cơ quan chức năng.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm, thị trường đã phải hứng chịu 4 lần tăng giá sữa với mức tăng thêm mỗi lần từ 7- 15% tùy loại.  Và phản ứng quen thuộc của những người điều hành là đòi… thanh tra giá sữa. Theo đó, tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công thương) đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ đối với việc tăng giá sữa và chủ trì, tổ chức đoàn thanh kiểm tra xử lý nghiêm hiện tượng gian lận thương mại, kê khai gian dối về hàng hóa đối với nhóm sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em.

Trên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), tổ điều hành thị trường trong nước phân tích một nghịch lý là mặc dù trong những tháng đầu năm 2013, sữa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm mạnh, từ 750 đến 1.288 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2011, nhưng không có doanh nghiệp nào giảm giá sữa ở thị trường Việt Nam. VOV cũng đưa ra số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, trong đó khẳng định giá bán lẻ sữa ở Việt Nam đang ở mức cao nhất hành tinh với giá bán lẻ trung bình là 1,4 USD/lít, trong khi tại Trung Quốc 1,1 USD/lít, Ấn Độ 0,5 USD/lít, các nước Âu - Mỹ 0,5-0,9 USD/lít.

Quá nhiều ý kiến đóng góp cho việc phải bóc tách, thanh tra giá sữa từ khâu nhập nguyên liệu đến sản xuất, các chi phí marketing, quảng cáo, bán hàng… nhằm cho ra một khung giá hợp lý, nhưng gần như đều thất bại. Giá sữa chưa một lần giảm và người mua vẫn tiếp tục móc hầu bao.

Lần này, có ý kiến đòi hỏi cả các thương vụ ở nước ngoài tham gia vào công cuộc thanh tra giá sữa. Trên các báo, TS. Nguyễn Tiến Thỏa - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội thẩm định giá Việt Nam - cho rằng: “Chúng ta có thông tin từ hải quan, từ thương vụ. Quan trọng là căn cứ và làm rõ các yếu tố hình thành giá… Nếu cần thiết thì phải đưa các tên gọi thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vào luật giá để đảm bảo việc kê khai giá sữa”.

Một vị Phó chủ tịch của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam góp ý, sự yếu kém của các doanh nghiệp thương mại nhà nước trong việc tham gia thị trường này cũng là một nguyên nhân khiến Việt Nam khó khống chế được giá sữa. Theo đó, gần 200 nhà nhập khẩu sữa tại Việt Nam hiện tại toàn là khối tư nhân, không có một tổng công ty thương mại nhà nước nào, dù đây là thị trường nóng bỏng. Theo vị này, để quản lý được giá sữa thì Việt Nam cần có một lượng sữa lớn để lấy hàng hóa áp đảo hàng hóa, trong đó phải có sự tham gia của các tổng công ty thương mại lớn để đóng vai trò đầu mối dẫn dắt thị trường. Đề xuất này bị đánh giá là xa vời và hơi chủ quan, bởi ở nhiều mặt hàng khác, các doanh nghiệp đầu ngành ở khối tư nhân, nhà nước đủ cả, mà giá có giảm đâu?

Vậy nên, dù có đầy đủ các cơ quan: Tổ điều hành thị trường, Cục Quản lý giá, lực lượng quản lý thị trường với hàng loạt các hỗ trợ (nếu cần) từ các thương vụ nước ngoài, hải quan, ngành thuế… nhưng xem ra, thanh tra giá sữa vẫn “tít mù nó lại vòng quanh”.

 

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều