Báo Đồng Nai điện tử
En

Khách du lịch mua gì?

09:11, 14/11/2016

Gần đây, nhiều báo dẫn lời của Bộ trưởng Bộ Công an -  Thượng tướng Tô Lâm tại buổi thảo luận về dự án Luật Du lịch tại Quốc hội sáng 8-11, trong đó có ý là khách du lịch chi tiêu quá ít khi đến Việt Nam bởi ngành du lịch có quá ít sản phẩm để bán.

Gần đây, nhiều báo dẫn lời của Bộ trưởng Bộ Công an -  Thượng tướng Tô Lâm tại buổi thảo luận về dự án Luật Du lịch tại Quốc hội sáng 8-11, trong đó có ý là khách du lịch chi tiêu quá ít khi đến Việt Nam bởi ngành du lịch có quá ít sản phẩm để bán. “Hình ảnh chung của du lịch Việt Nam là “sao” thấp, ít có những tour cao cấp mà chủ yếu là khách đại trà, du lịch ba lô, tự phát. Du khách có khi tiêu 5-7 USD/ngày, mua chai nước, mua bánh mì, tự thuê xe máy, xe đạp đi...” - Thượng tướng Tô Lâm nói.

Thực ra đây là điều không mới mẻ, thậm chí là nỗi băn khoăn nhiều năm nay của ngành du lịch. Những chi phí mà Việt Nam “lấy” được của khách du lịch hiện vẫn loanh quanh ở những chi phí không thể không có: ăn, ngủ, đi lại. Một số báo dẫn số liệu khảo sát của Tổng cục Du lịch cho thấy, hiện chi tiêu bình quân một lượt khách có nghỉ qua đêm tại các cơ sở lưu trú là hơn 1.114 USD. Trong đó, có đến 33,14% tiền thuê phòng, chi ăn uống chiếm 23,74%, chi mua hàng hóa, đồ lưu niệm chiếm 18,34%, chi phí tham quan, hướng dẫn chiếm 4,08%, chi vui chơi giải trí chiếm 3,56%, chi phí khác chiếm 3,79%.

Hiện tại chưa có thống kê về những gì khách du lịch Việt Nam chi tiêu ở nước ngoài. Song, một vài con số mà các công ty du lịch đưa ra có thể làm giật mình một số người. Chẳng hạn, chi phí mua sắm của một đoàn khách 15-20 người cho một chuyến du lịch Nhật Bản hoặc Hàn Quốc có thể từ 500 triệu đến trên 1 tỷ đồng (đã trừ chi phí đi lại và ăn ở - số tiền mua sắm nói trên được các điểm bán thống kê dựa trên hóa đơn khách mua hàng). Số tiền này cũng chưa kể đến các dịch vụ giải trí mà khách chi tiêu tại chỗ. Chính phủ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... hỗ trợ khách du lịch tối đa trong việc mua sắm, từ đổi tiền ngoại tệ sang nội tệ, dịch vụ chuyển hàng ra tận sân bay, hoàn thuế... hoặc đơn giản là sự “dễ dãi” của hải quan sân bay khi khách trót mua sắm quá số ký được phép mang theo. Ở tầm Chính phủ, sự hỗ trợ “vĩ mô” hơn khi Chính phủ đứng ra đảm bảo chất lượng và xuất xứ hàng hóa, thậm chí cho mua bảo hiểm hàng hóa như trường hợp nhân sâm Hàn Quốc - mặt hàng được cho là niềm tự hào của cả quốc gia.

Nhìn lại, du lịch Việt Nam chưa cung cấp được các sản phẩm đặc thù để khách du lịch chịu bỏ tiền mua sắm hoặc ít nhất là giải trí tại chỗ. Các sản phẩm cũ kỹ, loanh quanh với những món hàng: thổ cẩm, áo dài vẽ tay, nón lá, gốm sứ, tranh ảnh… với giá trị không cao, chưa kể đến nạn hàng giả, hàng nhái, nói thách... khá phổ biến trong cách làm du lịch tại Việt Nam. Về giải trí, Việt Nam cũng thiếu những sản phẩm du lịch mang tính giải trí, thiếu các tổ hợp giải trí lớn để vui chơi. Thêm vào đó, những quy định buộc các điểm vui chơi, giải trí phải đóng cửa sau 12 giờ đêm và luật pháp vẫn còn khá khắt khe trong việc phát triển các loại hình vui chơi giải trí tại Việt Nam cũng là một trong những yếu tố then chốt khiến chi tiêu của du khách ít ỏi đến đáng thương.

Thực tế, các giải pháp giải quyết điều này không dễ, cần những cách làm đồng bộ từ trên xuống dưới, kết nối giữa địa phương này với địa phương khác, vùng này với vùng khác với những lợi ích và quy định rõ ràng. Nếu không, Việt Nam sẽ mãi chỉ là nơi có “vẻ đẹp tiềm ẩn” như slogan của ngành du lịch.

Vi Lâm

Tin xem nhiều