Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếp sức cho bình ổn giá

11:09, 11/09/2017

Mục tiêu thực hiện chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh là nhằm giữ ổn định giá cả,  không để xảy ra tình trạng tạo khan hiếm giả, đẩy giá lên cao. Giải pháp của UBND tỉnh tới đây là sẽ mở thêm nhiều cửa hàng bình ổn giá ở các khu dân cư và gần chợ.

Mục tiêu thực hiện chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh là nhằm giữ ổn định giá cả,  không để xảy ra tình trạng tạo khan hiếm giả, đẩy giá lên cao. Giải pháp của UBND tỉnh tới đây là sẽ mở thêm nhiều cửa hàng bình ổn giá ở các khu dân cư và gần chợ.

Theo Sở Công thương, Đồng Nai tiếp tục chương trình bình ổn giá 11 mặt hàng thiết yếu gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gà, trứng gà, bột ngọt, nước chấm, sách giáo khoa, vở học sinh, thuốc tân dược trong năm 2017 và những năm tới. Hơn 5 năm qua, chương trình bình ổn giá đã góp phần không nhỏ trong việc giữ cho những mặt hàng thiết yếu trên thị trường bán lẻ ít xảy ra tình trạng thiếu hàng và biến động lớn về giá.

Trong quý I, II-2017, khi người chăn nuôi khốn đốn vì giá heo hơi bán ra quá thấp thì tại các chợ giá thịt heo vẫn cao ngất ngưởng như lúc heo hơi đang 45-46 ngàn đồng/kg. Hơn 30 cửa hàng bình ổn giá thịt heo được mở ra gần những khu đông dân cư đã góp phần điều chỉnh giá thịt heo ở các chợ trong tỉnh giảm hơn 20 ngàn đồng/kg. UBND tỉnh dự tính tới đây sẽ hỗ trợ mở thêm nhiều chuỗi cửa hàng bình ổn giá để bán nhiều mặt hàng khác như: thịt gà, trứng gà, rau xanh, thủy sản...

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn đề xuất tỉnh nên mở thêm nhiều cửa hàng bình ổn giá tại các huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa, trong đó chú trọng đến mặt hàng thực phẩm. Các cửa hàng bán hàng bình ổn giá phải có nguồn gốc rõ ràng và nên liên kết với nơi sản xuất tạo thành chuỗi để đảm bảo an toàn về vệ sinh thực phẩm. Giá các mặt hàng phải ổn định và cạnh tranh với giá tại các chợ mới thu hút được người mua. Thực tế, đã xảy ra việc nhiều cửa hàng bình ổn giá thịt heo tại các huyện khi giá thịt heo các chợ giảm thấp hơn cửa hàng thì sản phẩm khó bán, phải đóng cửa. Đây là điều các địa phương phải tính toán nếu không chuỗi cửa hàng bình ổn giá rất khó duy trì.

UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương tìm những điểm gần các khu dân cư, gần chợ mở nhiều cửa hàng bình ổn giá để giữ cho thương lái không thể đầu cơ, chi phối giá. Bước đầu, UBND tỉnh có thể hỗ trợ kinh phí để các cửa hàng hoạt động đi vào nề nếp, từng bước xây dựng thương hiệu kết nối với các trang trại, người sản xuất để sản phẩm đảm bảo an toàn.

Hiện có gần 10 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh những mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh đã ký cam kết với tỉnh sẽ cung ứng hàng hóa số lượng lớn với giá ổn định khi thị trường có dấu hiệu khan hàng giá bị đẩy lên cao. Theo các doanh nghiệp nguồn cung hàng hóa thực phẩm hiện nay rất dồi dào nên có thể cung ứng với số lượng lớn. Sở Công thương cũng cho hay sẽ làm đầu mối hỗ trợ mở thêm các cửa hàng bình ổn giá và kết nối với các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã để có nguồn hàng chất lượng, giá thấp bán trong các cửa hàng, giảm bớt được nhiều khâu trung gian.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đã chỉ đạo các địa phương, cấp phép cho hoạt động lâu dài cho các cửa hàng bình ổn giá. Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá để người dân biết, đến các cửa hàng trên mua nhiều giúp ổn định giá hàng hóa trên thị trường. Những vùng còn nhiều hộ nghèo, nên đẩy mạnh chương trình bình ổn giá để người dân nghèo có thể tiếp cận được hàng hóa an toàn với giá phải chăng.

Hương Giang

Tin xem nhiều