Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần chính sách dự trữ sản phẩm chăn nuôi khi hàng ứ đọng

10:11, 03/11/2021

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 9-2021, tổng đàn heo cả nước đạt trên 28 triệu con, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng heo hơi xuất chuồng đạt trên 3 triệu tấn, tăng 5% so cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 9-2021, tổng đàn heo cả nước đạt trên 28 triệu con, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng heo hơi xuất chuồng đạt trên 3 triệu tấn, tăng 5% so cùng kỳ năm ngoái. Trong 9 tháng, lượng thịt nhập khẩu đạt hơn 2,14 triệu tấn, trong đó, thịt heo đạt hơn 1,1 triệu tấn, chiếm 3,6% tổng sản lượng thịt sản xuất trong nước.

Chỉ tính riêng 6 doanh nghiệp chăn nuôi lớn vẫn duy trì phát triển với tổng đàn heo thịt trên 6 triệu con, chiếm 23-24% tổng đàn heo cả nước. Như vậy, nguồn cung thịt gia súc rất dồi dào cung cấp cho thị trường những tháng cuối năm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2022.

Nhìn lại sự dao động về giá các sản phẩm thức ăn chăn nuôi từ đầu năm đến nay, giá heo hơi xuất chuồng có thời điểm cao ngất ngưởng vượt 75 ngàn đồng/kg và có thời điểm rớt dưới 30 ngàn đồng/kg khi xảy ra tình trạng nguồn heo ứ đọng do chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong thời gian thực hiện giãn cách phòng, chống dịch Covid-19. Tình trạng này cũng xảy ra với các sản phẩm chăn nuôi khác, như giá gà công nghiệp có thời điểm giảm sâu chỉ còn 6-7 ngàn đồng/kg.

Tại diễn đàn trực tuyến chia sẻ thông tin, kết nối giao thương về sản phẩm chăn nuôi do Bộ NN-PTNT tổ chức với sự tham gia của hàng chục tỉnh, thành trong cả nước diễn ra ngày 30-10, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết, hiện số lượng heo hơi nhập về thành phố để giết mổ qua các trạm kiểm dịch bình quân là 3.341 con, giảm 17% so với thời điểm trước khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát. Lượng heo đã giết mổ từ các tỉnh sau đó nhập về thành phố là 3.640 con, giảm 46%. Sức tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi trên thị trường giảm mạnh cũng là nguyên nhân khiến hàng loạt sản phẩm chăn nuôi hiện vẫn đứng dưới giá thành sản xuất.

Để gỡ khó cho ngành Chăn nuôi phục hồi sản xuất và phát triển, cần nhiều giải pháp đồng bộ từ việc hỗ trợ người chăn nuôi không bỏ trống chuồng trại, nhất là hỗ trợ về nguồn vốn đầu tư đến việc tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn không để xảy ra tình trạng đứt gãy của chuỗi cung ứng; phát triển ngành Chế biến...

Trong đó, vấn đề xây dựng chính sách dự trữ sản phẩm chăn nuôi khi ứ đọng, tiêu thụ chậm cần được quan tâm đặc biệt. Giải pháp này đã được một số doanh nghiệp đi tiên phong thực hiện và mang lại hiệu quả rất tốt.

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (hệ thống siêu thị Nutri Mart) chỉ rõ, thịt đông là sản phẩm đang được Nutri Mart bán chạy bởi nhiều ưu điểm như bảo quản lên tới 12 tháng. Hệ thống tiêu thụ của doanh nghiệp này chú trọng phát triển mặt hàng thịt mát với những chuỗi cung ứng có tiêu chuẩn chất lượng cao. Trong thời gian tới, Nutri Mart sẽ tham khảo thêm nhiều công nghệ, chẳng hạn túi đựng thực phẩm. Nếu đặt thịt trong những túi này, có thể bảo quản trong 12 tháng ngay cả ở điều kiện thông thường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng đẩy mạnh nhiều công nghệ như: AI, blockchain… với mục tiêu có thể bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân suốt 12 tháng trong năm.

Lê Quyên

Tin xem nhiều