Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng Việt - cơ hội rộng mở

03:06, 25/06/2011

Chỉ sau hơn 1 năm rưỡi Bộ Chính trị mở cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, có thể nói chưa bao giờ hàng Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rộng mở như lúc này.

Chỉ sau hơn 1 năm rưỡi Bộ Chính trị mở cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, có thể nói chưa bao giờ hàng Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rộng mở như lúc này. Dư luận xã hội nói chung rất đồng thuận, ủng hộ tích cực cuộc vận động này.

Hàng Việt ngày càng nâng cao uy tín với người tiêu dùng trong nước. Sự thay đổi quan trọng dễ nhận thấy là trên các kênh bán lẻ, từ các tiểu thương ở chợ truyền thống cho đến các siêu thị tên tuổi, trong đó có cả siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài, đều đã có sự chuyển đổi tăng cao về số lượng và chủng loại mặt hàng Việt. Nhiều siêu thị đang có tỷ trọng hàng Việt chiếm từ 95% trở lên trong tổng số các mặt hàng bày bán như Co.op Mart, BigC, thậm chí như ở siêu thị Vinatexmart có 100% sản phẩm may mặc là của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Song, cùng với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp cũng đã ý thức được trách nhiệm của mình trong việc chinh phục người tiêu dùng bằng việc thường xuyên cải thiện mẫu mã, bao bì, đa dạng hóa chủng loại mặt hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm và nỗ lực xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, có nhiều mặt hàng thực phẩm Việt Nam được chế biến theo quy trình sản xuất sạch, an toàn, đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” đã có ưu thế vượt trội so với những mặt hàng thực phẩm nhập lậu từ biên giới phía Bắc. Riêng trên địa bàn Đồng Nai, có thể kể ra hàng loạt doanh nghiệp với những sản phẩm đã và đang mở rộng thị phần trong nước và có uy tín với người tiêu dùng, như: Vinacafé Biên Hòa, thực phẩm D&F, sơn Donasa, đường Biên Hòa, bánh kẹo Bibica, trứng gà Thanh Đức, sản phẩm chế biến từ gia cầm Bình Minh, vỏ ruột xe gắn máy và xe ô tô Casumina, giấy Tân Mai, bóng đèn Điện Quang, máy nổ Vikyno-Vinappro…

Với một quốc gia hiện có hơn 86 triệu người, trong đó có khoảng 70% dân sống ở địa bàn nông thôn là phân khúc thị trường rất rộng lớn mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải nhắm đến. Để ý thức “Người Việt dùng hàng Việt” trở thành thường xuyên và có được sức sống bền lâu tùy thuộc chủ yếu vào doanh nghiệp sản xuất trong nước. Thực tế cũng cho thấy, còn không ít thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam để có thể nắm bắt cơ hội chiếm lĩnh thị trường trong nước, đó là: chiến lược đầu tư cho công nghệ, không ngừng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh quảng cáo, tiếp thị, thiết lập hệ thống phân phối bán lẻ và chăm sóc khách hàng… Khó nhất và cũng tưởng chừng như dễ nhất vẫn là các doanh nghiệp Việt Nam phải làm tốt công tác thăm dò thị hiếu, thị trường để thực sự có thể hiểu biết “gu” tiêu dùng của người dân trong nước nhằm kịp thời đáp ứng sản phẩm hàng hóa thích hợp.

Xuân Phú

Tin xem nhiều