Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần một hệ sinh thái cho khởi nghiệp

10:08, 12/08/2018

Ngày càng có nhiều câu chuyện khởi nghiệp thành công được kể ra, trong đó đáng mừng nhất là những câu chuyện khởi nghiệp diễn ra trong lĩnh vực vốn được coi là thế mạnh lâu đời như nông nghiệp.

Ngày càng có nhiều câu chuyện khởi nghiệp thành công được kể ra, trong đó đáng mừng nhất là những câu chuyện khởi nghiệp diễn ra trong lĩnh vực vốn được coi là thế mạnh lâu đời như nông nghiệp.

Mặc dù lâu đời, song những câu chuyện khởi nghiệp trong lĩnh vực này lại mang những màu sắc mới: màu sắc của công nghệ cao, sản phẩm có chất lượng đồng đều theo chuẩn cao cấp hơn, thị trường mở rộng ra khu vực quốc tế và thế giới... Những điều này rất khác với kiểu làm nông tự phát truyền thống xưa nay. Và nói gì đi nữa, chọn khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp từ nông nghiệp nói riêng đòi hỏi một tầm nhìn, trí tuệ và một sự can đảm nhất định, bởi lĩnh vực nông nghiệp hàm chứa nhiều rủi ro hơn so với những lĩnh vực khác. Do đó, Chính phủ rất khuyến khích và tạo điều kiện cho những dự án khởi nghiệp từ nông nghiệp bằng các chính sách cụ thể trong tiếp cận vốn, máy móc, công nghệ, thị trường...

Song, để hoàn thành mục tiêu biến Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp như Chính phủ mong muốn, cần xây dựng một “hệ sinh thái khởi nghiệp” hoàn thiện nhất trong khả năng có thể để nâng đỡ cho các dự án khởi nghiệp nói chung, không chỉ riêng gì các dự án về nông nghiệp.

Theo định nghĩa chung nhất, hệ sinh thái khởi nghiệp là cách thức một quốc gia hay một thành phố thiết lập để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp tại địa phương. Một hệ sinh thái khởi nghiệp phải gồm các yếu tố như: thị trường; nguồn nhân lực; nguồn vốn và tài chính; hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp; khung pháp lý và cơ sở hạ tầng; giáo dục và đào tạo; các trường đại học, học viện; văn hóa quốc gia...

Như vậy, để khởi nghiệp nhất thiết phải cần một ý tưởng kinh doanh, song để ý tưởng đó có thể “sống sót” và phát triển thì “hệ sinh thái khởi nghiệp” là vô cùng quan trọng. Hệ sinh thái này càng hoàn thiện thì tỷ lệ thành công của các dự án càng cao. Các trung tâm khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ nhất thế giới hiện nay bao gồm: New York (Hoa Kỳ), Singapore; Amsterdam (Hà Lan), Israel... đều được đánh giá rất cao về sự sôi động và tỷ lệ khởi nghiệp thành công, không những vì ở đó tập trung các ý tưởng khởi nghiệp tinh hoa, mà chủ yếu vì có những hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ đến mức gần như hoàn hảo. Các hệ sinh thái này hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp một cách rất linh hoạt và toàn diện: các quỹ đầu tư và ngân hàng rót vốn nhanh chóng thậm chí chỉ để xem các dự án này có phù hợp với thị trường hay không; hệ thống thông tin thị trường hoàn hảo; nguồn nhân lực chất lượng cao... để đảm bảo các dự án khởi nghiệp có thể sống sót và phát triển nếu dự án đó thực sự thuyết phục.

Tại Việt Nam, phong trào khởi nghiệp phát triển chưa lâu và hệ sinh thái dành cho khởi nghiệp còn nhiều điểm yếu, dẫn đến tỷ lệ khởi nghiệp thành công khá thấp. Chưa có tỷ lệ thống kê chính thức, song nhiều chuyên gia cho rằng tỷ lệ này là dưới 10%. Tuy vậy, không thể phủ nhận môi trường dành cho khởi nghiệp ngày nay đã cải thiện khá nhiều: các quỹ đầu tư và tổ chức cấp vốn khởi nghiệp ngày càng nhiều; các chuyên gia tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp cũng đông đảo hơn (thậm chí là hỗ trợ miễn phí); giới trẻ ý thức khởi nghiệp cao hơn nhiều lần so với trước; thị trường hàng hóa, dịch vụ rộng khắp; nhân lực dồi dào hơn... và đặc biệt nhất là Chính phủ lẫn các chính quyền địa phương đang nỗ lực để tạo ra các môi trường khởi nghiệp tốt hơn.

Chưa thể so sánh Việt Nam với những quốc gia phát triển khác về hệ sinh thái khởi nghiệp, song hy vọng rằng những hạn chế sẽ dần được khắc phục và các dự án khởi nghiệp sẽ được trợ giúp hiệu quả hơn để trong tương lai, những câu chuyện khởi nghiệp thành công được chia sẻ nhiều hơn nữa, và chính những người khởi nghiệp thành công hôm nay sẽ đóng góp vào việc hoàn thiện một hệ sinh thái khởi nghiệp “made in Vietnam” hoàn thiện.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều