Báo Đồng Nai điện tử
En

Chế tài mạnh, vẫn cần áp dụng nghiêm

09:02, 20/02/2020

Không chỉ Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh hay Bình Dương - những địa phương có tốc độ xây dựng hạ tầng nhanh và phát triển đô thị "nóng" - mà thời gian qua, những cơn "sốt" đất đã diễn ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Không chỉ Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh hay Bình Dương - những địa phương có tốc độ xây dựng hạ tầng nhanh và phát triển đô thị “nóng” - mà thời gian qua, những cơn “sốt” đất đã diễn ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Ở những vùng có dự án sắp khởi công, giá bán đất được “thổi” nhanh đến nỗi sáng một giá, chiều một giá.

Điều này đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân “lao” vào trò “lướt sóng” đất đai, thậm chí tìm mọi cách “lách luật”, phạm luật để chuyển nhượng đất, huy động vốn, bán đất kiểu “lúa non”, thậm chí vẽ vời nên những dự án hoàn toàn không có thật để lừa bán cho những người đang muốn làm giàu từ đất đai trong một sớm một chiều.

Vi phạm trên lĩnh vực đất đai diễn ra tràn lan, phổ biến đến nỗi nhiều lãnh đạo địa phương than “không biết lấy người đâu mà quản cho xuể”, bởi có những hành vi giao dịch mua bán đất đai diễn ra ở nhiều nơi khác, trong khi đất thì ở địa phương. Sự hạn chế của các công cụ xử phạt, chế tài nhẹ và chưa nghiêm minh, thậm chí nhiều nội dung vi phạm còn chưa có chế tài xử lý - là một nguyên nhân lớn khiến vi phạm trên lĩnh vực này diễn ra quá phổ biến khắp cả nước trong thời gian qua.

Với Nghị định 91/2019/NĐ-CP, hành vi phân lô, bán nền chưa đủ điều kiện, lấn, chiếm đất sẽ bị phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng. Bên cạnh các hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung, nghị định còn quy định 17 biện pháp khắc phục hậu quả.

Có thể nói, Nghị định 91 là nghị định đầu tiên “xoáy” vào việc xử lý các vi phạm về đất đai sau một thời gian dài thiếu công cụ xử phạt hiệu quả. Mặc dù vẫn có ý kiến cho rằng, các mức xử phạt vẫn còn nhẹ so với tình hình thực tế, bởi lợi nhuận mà các doanh nghiệp, cá nhân thu được cao gấp nhiều lần mức phạt đưa ra. Hoặc nghị định cũng chưa “chạm” đến một số vi phạm trên thị trường bất động sản hiện nay, như chưa quy định xử phạt chủ đầu tư khi để tồn tại sản phẩm đất nền với mục đích để xây dựng nhà ở nhưng lại kéo dài chưa thực hiện, bỏ hoang nhiều năm.

Song dẫu sao, có riêng các quy định rõ ràng đối với từng hình thức vi phạm, kèm với các hình phạt bổ sung, các địa phương sẽ dễ dàng hơn trong quản lý đất đai, bởi những hành vi sai phạm đã có công cụ, có cơ sở để xử lý. Điều này kỳ vọng sẽ làm giảm đi các sai phạm trong sử dụng đất đai, hạn chế phân lô, bán nền trái phép tràn lan, hạn chế các dự án “bỏ hoang” cũng như siết chặt việc sử dụng đất rừng, đất trồng lúa, lấn chiếm đất công - vốn là những vấn đề “nóng bỏng” tại các địa phương. Các chủ đầu tư, chủ sử dụng đất cũng phải có ý thức trách nhiệm hơn trong hoạt động sử dụng đất đai bởi ngoài phạt tiền thì hoàn toàn có thể bị thu hồi dự án và buộc phải trả lại hiện trạng đất ban đầu.

Quy định đã có, vấn đề còn lại của những cơ quan, đơn vị có trách nhiệm là cần rà soát kỹ hiện trạng mua bán, sử dụng đất trên địa bàn để sớm chấn chỉnh một cách công bằng, nghiêm minh, thường xuyên mọi đối tượng vi phạm, bởi đất đai luôn là lĩnh vực nhạy cảm và được người dân rất quan tâm.     

Vi Lâm

Tin xem nhiều