Báo Đồng Nai điện tử
En

Tận dụng thời cơ, phát triển cân bằng

09:03, 19/03/2020

Là địa bàn giáp ranh với TP.HCM, tỉnh Bình Dương và cũng là vùng đất có dân cư sinh sống lâu đời ở Đồng Nai, song trong nhiều năm qua, có vẻ như khu vực phía Tây của TP.Biên Hòa (các phường: Tân Vạn, Bửu Hòa, Hóa An, Tân Hạnh) lại chưa được đầu tư nhiều nguồn lực để phát triển tương xứng với tiềm năng.

Là địa bàn giáp ranh với TP.HCM, tỉnh Bình Dương và cũng là vùng đất có dân cư sinh sống lâu đời ở Đồng Nai, song trong nhiều năm qua, có vẻ như khu vực phía Tây của TP.Biên Hòa (các phường: Tân Vạn, Bửu Hòa, Hóa An, Tân Hạnh) lại chưa được đầu tư nhiều nguồn lực để phát triển tương xứng với tiềm năng.

Thực tế cho thấy, lâu nay khu vực phía Tây này được nhiều người, bao gồm cả các kiến trúc sư, ví như một “vùng trũng” trong đầu tư phát triển. Nhiều năm qua, ngoài 2 dự án xây mới cầu Hóa An và cầu Bửu Hòa (nối P.Hiệp Hòa với P.Bửu Hòa) nhằm giảm tải cho cầu Đồng Nai (vốn đang báo động vì quá tải) thì hầu như khu vực này không có dự án đầu tư nào xứng tầm để khơi dậy tiềm năng phát triển, kể cả nguồn lực đầu tư từ ngân sách lẫn khu vực tư nhân.

Hiện tại, dự án lớn nhất đang rất được mong chờ là dự án Xây dựng tuyến đường nối từ cầu Bửu Hòa (đường Bùi Hữu Nghĩa) đến quốc lộ 1K nhằm nối các tuyến quốc lộ 1, 51 và 1K với nhau. Ngoài ra, còn một số dự án khác như mở rộng đường Nguyễn Tri Phương (P.Bửu Hòa) hoặc các kế hoạch phát triển cù lao Tân Vạn, phát triển khu du lịch từ các khu vực khai thác đá trước đây… Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay gần như chưa có dự án nào “nên hình nên vóc”.

Từ phía nguồn lực đầu tư của khối tư nhân, khu vực này hiện cũng không nhận được nhiều sự quan tâm. Ngoài một số nhà máy sản xuất gốm (sẽ phải di dời), giày dép, gạch men… thì về thương mại, dịch vụ (mà đặc biệt là các dịch vụ hiện đại như: khách sạn, siêu thị, bệnh viện, trường học chất lượng cao, tài chính, ngân hàng…), nơi đây cũng đang là “vùng trũng”. Về cảnh quan đô thị và kiến trúc nói chung, cả 4 phường phía Tây của thành phố gần như chưa tìm được công trình nào có dấu ấn riêng chứ chưa nói đến những công trình, dự án góp phần làm nên diện mạo đô thị.

Trong khi đó, xét về vị trí, khu vực 4 phường phía Tây của TP.Biên Hòa đang “nắm giữ” một vị trí khá đắc địa khi liền kề với đô thị lớn nhất Việt Nam là TP.HCM, liền kề với TP.Dĩ An, TP.Thuận An, TX.Tân Uyên của tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, khá gần sân bay Tân Sơn Nhất (cách trên 20km), gần các tuyến đường huyết mạch như: xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1K, đường Mỹ Phước - Tân Vạn… Và trong tương quan với các khu vực khác của TP.Biên Hòa thì khu vực này chỉ cách trung tâm thành phố một dòng sông.

Khoảng 5 năm gần đây, những khu vực xung quanh 4 phường phía Tây này đang có sự phát triển khá mạnh mẽ, cụ thể là khu vực tỉnh Bình Dương và TP.HCM. Vậy nên, “nương” theo sự phát triển chung đó, tỉnh Đồng Nai nói riêng và TP.Biên Hòa nói chung cũng nên dành nguồn lực tương xứng cho khu vực phía Tây thành phố. Thêm vào đó, với định hướng phát triển TP.Biên Hòa thành một đô thị thương mại - dịch vụ ven sông thì khu vực phía Tây cũng cần được quy hoạch, đầu tư để làm nên sự phát triển cân bằng giữa hai bờ sông Đồng Nai.

V.L

 

Tin xem nhiều