Báo Đồng Nai điện tử
En

"Tái sinh" các nguồn lực để phát triển bền vững

09:06, 15/06/2021

Trước đây, khái niệm "vòng đời sản phẩm" hay "vòng đời vật liệu" được sử dụng khá phổ biến, mô tả quá trình từ sản xuất đến sử dụng và cuối cùng là đào thải của một loại sản phẩm, thường là ra môi trường dưới một hình thức nào đó.

Trước đây, khái niệm “vòng đời sản phẩm” hay “vòng đời vật liệu” được sử dụng khá phổ biến, mô tả quá trình từ sản xuất đến sử dụng và cuối cùng là đào thải của một loại sản phẩm, thường là ra môi trường dưới một hình thức nào đó. Quá trình này khá bình thường và hợp lý khi các nguồn lực (cả tự nhiên lẫn nhân tạo) của thế giới chưa đứng trước nguy cơ suy giảm hoặc cạn kiệt, khi môi trường tự nhiên cũng chưa chịu nhiều sức ép như hiện nay.

Chính vì vậy, để phát triển bền vững, nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng khái niệm kinh tế tuần hoàn và xem đó là hướng đi hợp lý để vừa phát triển kinh tế, vừa gìn giữ môi trường sống.

Kinh tế tuần hoàn được hiểu là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.

Định nghĩa về kinh tế tuần hoàn được nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế thừa nhận rộng rãi hiện nay là “một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó (nguồn: Bộ Công thương).

Thực tế, việc khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ theo quan điểm cũ chắc chắn sẽ dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ và quốc gia nào hiện nay cũng đang “điên đầu vì rác”. Vậy nên việc tìm ra các giải pháp tái tạo và tái sử dụng các nguồn lực như một vòng tuần hoàn khép kín trở nên rất quan trọng. Việc tận dụng tài nguyên đang được nhiều quốc gia, doanh nghiệp và cả cá nhân thực hiện bằng nhiều hình thức: sửa chữa, tái sử dụng, tái chế và thay vì sở hữu vật chất thì hướng đến chia sẻ hoặc cho thuê. Tất cả đều nhằm một mục đích chung: tiết kiệm kho tàng tài nguyên thiên nhiên, tái chế và tái sử dụng các loại vật liệu, luân chuyển và sử dụng hợp lý các nguồn lực để tránh lãng phí.

Chính phủ Việt Nam nói chung và một số địa phương nói riêng, trong đó có Đồng Nai, đang rất quan tâm và từng bước thực hiện mô hình ưu việt này. Trước mắt, mô hình này giúp hạn chế đến mức thấp nhất việc tạo ra rác thải, do đó mục tiêu xa hơn là phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững và gìn giữ nguồn tài nguyên quý giá cho các thế hệ tương lai.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều