Báo Đồng Nai điện tử
En

Để không lệ thuộc lâu dài vào nhập khẩu

11:12, 07/12/2021

Bắp, đậu nành, bột cá, phụ gia… là những mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phổ biến mà mỗi năm các doanh nghiệp trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu.

Bắp, đậu nành, bột cá, phụ gia… là những mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phổ biến mà mỗi năm các doanh nghiệp trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu.

Theo tính toán, thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 60-70% chi phí sản xuất của ngành chăn nuôi, nên việc lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu làm sức cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi Việt Nam vào thế bấp bênh khi khó lòng chủ động về giá.

Về tiềm năng phát triển, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang đứng trước những cơ hội lớn khi các hiệp định thương mại tự do ngày càng giúp mở rộng thị trường, đồng thời nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng đang tăng mạnh. Thông tin từ Bộ NN-PTNT cho thấy, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp ở Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng ngoạn mục, với mức tăng trưởng bình quân 13-15%/năm. Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

Tuy nhiên, càng tăng trưởng mạnh thì sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi càng lớn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020, Việt Nam chi tới 6 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Doanh nghiệp và nông dân trong ngành chăn nuôi cả nước mỗi năm cần khoảng 32-33 triệu tấn thức ăn chăn nuôi các loại, trong đó có hơn 7 triệu tấn là tự sử dụng nguyên liệu phối trộn theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, còn lại sản lượng 26 triệu tấn (bao gồm cả thức ăn chăn nuôi và thủy sản) là do các doanh nghiệp sản xuất (nguồn: Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thống kê).

Thực tế, Việt Nam vẫn được xem là một trong những quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp. Nghịch lý “không thể lo nổi nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi dù là quốc gia nông nghiệp” tồn tại hàng chục năm nay, nguyên nhân lớn nhất có lẽ đến từ cách tổ chức sản xuất, tổ chức vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi còn gặp nhiều vướng mắc.

Có nhiều yếu tố đang gây khó khăn cho việc phát triển các vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Trong đó yếu tố đầu tiên là đất đai thường bị “chẻ nhỏ”, manh mún nên việc phát triển vùng sản xuất lớn để áp dụng công nghệ cao, giảm giá thành khá khó khăn. Trong khi đó, vận động nông dân trồng các loại cây như bắp để làm thức ăn chăn nuôi cũng không dễ, vì giá bắp nguyên liệu bán ra rẻ hơn khá nhiều so với nhiều loại lương thực khác nên nông dân không mặn mà…

Mặc dù vậy, để ngành chăn nuôi phát triển căn cơ, lâu dài, vẫn cần sự tính toán phát triển các vùng nguyên liệu. Trên một số diễn đàn, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, để chủ động một phần nguồn thức ăn chăn nuôi, có thể chuyển một số giống lúa chất lượng cao sang một số giống lúa chất lượng vừa phải nhưng có sản lượng cao để làm thức ăn chăn nuôi, phát triển diện tích trồng bắp lớn hơn, dùng cám gạo làm nguyên liệu thức ăn. Thêm vào đó, quy hoạch và phát triển các vùng trồng đậu nành. Đồng thời, sớm cải thiện các chính sách thu hút đầu tư vào ngành này, cải thiện chính sách, pháp luật về đất đai để tạo điều kiện cho các vùng sản xuất lớn, cung ứng giống và công nghệ phù hợp để nâng cao năng suất và giảm giá thành… Có như vậy, trong tương lai, sự phụ thuộc vào nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi mới giảm bớt phần nào.

Vi Lâm

Tin xem nhiều