Báo Đồng Nai điện tử
En

Tết ấm của công nhân xa quê

10:01, 17/01/2020

Với nhiều công nhân lao động xa quê, những ngày cuối năm thường là thời điểm được mong chờ nhất để chuẩn bị đón một cái Tết sum vầy cùng người thân, gia đình, bạn bè. Dù vậy, vì nhiều lý do khác nhau mà nhiều công nhân lao động đành tạm gác lại mong muốn ấy và đón Tết xa quê…

Với nhiều công nhân lao động xa quê, những ngày cuối năm thường là thời điểm được mong chờ nhất để chuẩn bị đón một cái Tết sum vầy cùng người thân, gia đình, bạn bè. Dù vậy, vì nhiều lý do khác nhau mà nhiều công nhân lao động đành tạm gác lại mong muốn ấy và đón Tết xa quê…

Công nhân Châu Thị Thương (thứ 2 từ phải qua) cùng đồng nghiệp dự tiệc tất niên do công ty tổ chức
Công nhân Châu Thị Thương (thứ 2 từ phải qua) cùng đồng nghiệp dự tiệc tất niên do công ty tổ chức

Thế nhưng, nhờ có sự quan tâm, chăm lo của các cấp Công đoàn, chính quyền địa phương, công ty nơi họ làm việc và xóm trọ nơi họ tạm trú…, những cái Tết của họ vẫn luôn chan chứa những niềm vui và sự ấm áp.

Xa quê nhưng vẫn ấm lòng

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý chia sẻ, mỗi dịp Tết đến Xuân về, hoạt động chăm lo Tết cho NLĐ luôn được các cấp Công đoàn chú trọng thực hiện với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú. Các hoạt động đều được lên kế hoạch tổ chức chu đáo, thiết thực với NLĐ. Điều này thực sự đã làm cho những người con xa xứ càng thêm ấm lòng, gắn bó xây dựng quê hương Đồng Nai như quê hương thứ hai của mình.

Từ Lào Cai vào Đồng Nai làm việc đến nay đã được hơn 3 năm, đó cũng là 3 cái Tết chị Châu Thị Thương, công nhân Công ty TNHH sản xuất đồ mộc Chien Việt Nam (Khu công nghiệp Tam Phước) không được sum vầy bên bố mẹ, gia đình. Chị Thương chia sẻ, gia đình có đông anh chị em, điều kiện ở quê lại rất khó khăn nên hằng tháng phần lớn tiền lương đều gửi về nhà để giúp đỡ gia đình. Cuối năm, số tiền dư chỉ còn được chút ít, đường sá về quê lại xa xôi, tốn kém nên chị quyết định ở lại và dành số tiền đó mua quà Tết gửi về quê cho các em.

Cùng đồng nghiệp tham dự bữa tiệc tất niên được công ty tổ chức mới đây, chị Thương vui vẻ bộc bạch: “Dù không được về quê nhưng tôi vẫn cảm thấy trong lòng vui vẻ và ấm áp vì được công ty và Công đoàn tặng quà, tổ chức tiệc tất niên chu đáo, có văn nghệ, bốc thăm trúng thưởng. Về xóm trọ, chủ nhà trọ cũng đến thăm hỏi, tặng quà. Và hơn ai hết tôi hiểu rằng, nếu một mình tôi thiệt thòi, mà đổi lại bố mẹ và các em ở nhà có cái Tết đầy đủ hơn thì tôi vẫn vui. Rồi một ngày không xa, cuộc sống gia đình tôi sẽ khá hơn, thu nhập dần tăng lên, tôi sẽ về quê ngày Tết… ”.

Tương tự, có mặt cùng hàng ngàn công nhân lao động khác tại đêm văn nghệ Tết sum vầy mừng Xuân - ơn Đảng do Công đoàn Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (phường Hóa An, TP.Biên Hòa) phối hợp với công ty tổ chức mới đây, công nhân Trần Thị Ngọc Phượng chia sẻ, dù Tết nay không có điều kiện về quê nhưng vẫn cảm thấy ấm áp vì nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ phía Công đoàn, công ty, đồng nghiệp và cả Quỹ CEP - nơi đã từng tạo điều kiện cho chị vay vốn góp phần giúp chị ổn định cuộc sống trong năm qua. Được xướng tên lên sân khấu nhận quà Tết từ Công đoàn và Quỹ CEP ngay trong chương trình, chị Phượng không giấu nổi niềm vui và sự xúc động. “Những món quà này là nguồn động viên tinh thần và cả vật chất rất lớn với tôi. Tết nay không được về quê đón Tết cùng gia đình nhưng tôi cảm thấy mình không lẻ loi, cô đơn, bởi vẫn có rất nhiều người quan tâm, sẻ chia với mình” - chị Phượng bày tỏ.

Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, Tết này, gia đình anh Đỗ Ngọc Dương và chị Lê Thị Thúy tạm gác mong muốn sum vầy bên gia đình, đón Tết nơi xóm trọ
Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, Tết này, gia đình anh Đỗ Ngọc Dương và chị Lê Thị Thúy tạm gác mong muốn sum vầy bên gia đình, đón Tết nơi xóm trọ

Cũng như chị Thương, chị Phượng, năm nay gia đình công nhân Lê Thị Thúy và Đỗ Ngọc Dương (quê tỉnh Thái Bình) đành tạm gác lại mong muốn sum vầy cùng gia đình đón Tết nơi quê nhà. Chị Thúy chia sẻ: “Tết nào bằng Tết đoàn viên. Những ngày này, đến công ty làm việc, các anh chị em đồng nghiệp thường hỏi thăm nhau về chuyện khi nào lên xe về quê, mua quà gì về biếu bố mẹ… Thực sự lúc đó, mình cảm thấy rất buồn. Nhưng dịp Tết thứ gì cũng đắt đỏ, một mình về đã tốn kém, cả gia đình 3 người sẽ còn tốn kém hơn. Vì thế, với đồng lương công nhân khiêm tốn, còn ở trọ lại nuôi con nhỏ, vợ chồng tôi đành lòng gác lại mong muốn ấy và hy vọng ở những năm sau”.

Dù không được về quê sum vầy cùng gia đình nhưng không khí Tết nơi quê xa đã được anh chị đưa về căn phòng trọ của mình. Bình hoa mai giả được chị mới mua trên đường đi làm về; thùng nước ngọt, thùng bia được công ty nơi anh chị làm việc mới tặng… đã làm căn phòng thêm ấm cúng và đủ đầy hơn ngày thường. “Vài hôm nữa, tôi sẽ chở vợ con đi mua một vài bộ quần áo mới; dịp nghỉ Tết; đi đến các điểm vui chơi trong thành phố, đi thăm, chúc Tết họ hàng và anh em đồng nghiệp… Tết xa quê vẫn có niềm vui riêng. Vợ chồng tôi đã đặt mục tiêu cho mình là sớm có được căn nhà nhỏ cho riêng mình để gắn bó lâu dài với quê hương Đồng Nai. Và năm mới này sẽ tiếp tục cố gắng làm việc chăm chỉ để sớm đạt được những mục tiêu đó” - anh Dương chia sẻ.

Xuân chia sẻ yêu thương

Để chăm lo Tết cho người lao động (NLĐ), nhất là những NLĐ xa quê không có điều kiện về quê sum vầy cùng gia đình, những ngày này, các cấp Công đoàn, chính quyền địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp và cả các chủ nhà trọ đang tích cực chung tay tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, vui tươi. Có thể kể đến như: chương trình họp mặt Vui xuân cùng công nhân lao động, Tết sum vầy, hội thi gói bánh chưng, các gian hàng ẩm thực đậm chất vùng miền; các bữa tiệc tất niên với chương trình rút thăm trúng thưởng, nhiều phần quà giá trị...

Trong khi đó, ông Ngô Quang Tam, chủ một khu nhà trọ tại ấp 5, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu chia sẻ, khu nhà trọ của ông có 20 phòng với gần 60 công nhân lao động đang tạm trú. Hằng năm, cứ cận Tết, bên cạnh khoảng 3/4 công nhân “rục rịch” về quê sum vầy cùng gia đình thì vẫn còn một số công nhân chủ yếu là quê ở miền Bắc, miền Trung vì đường sá đi lại xa xôi, tàu xe tốn kém nên đành ở lại đón Tết nơi khu nhà trọ.

Để làm công nhân vơi đi nỗi buồn đón Tết xa nhà, năm nào cũng vậy, ông mời tất cả công nhân ở lại lên nhà mình cùng đón giao thừa. “Cùng nhau chuẩn bị rồi quây quần bên mâm cơm gia đình, hát cho nhau nghe, kể cho nhau biết những dự định tương lai… và động viên nhau chăm chỉ làm việc để cùng vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống gia đình. Tôi muốn các cháu cảm nhận được rằng, đây cũng là gia đình, quê hương của các cháu” - ông Ngô Quang Tam chia sẻ.

Hồ Thảo

Tin xem nhiều