Báo Đồng Nai điện tử
En

Lễ tống ôn - tống phong ở Biên Hòa

10:04, 30/04/2020

Cuộc sống của con người xưa nay có những lúc đứng trước nguy cơ từ nhân tai, thiên tai làm ảnh hưởng cộng đồng như: chiến tranh, bệnh dịch, bão tố, hạn hán… Và do vậy, con người luôn tìm đến sự cầu an với những lễ nghi trong tín niệm dân gian.

Cuộc sống của con người xưa nay có những lúc đứng trước nguy cơ từ nhân tai, thiên tai làm ảnh hưởng cộng đồng như: chiến tranh, bệnh dịch, bão tố, hạn hán… Và do vậy, con người luôn tìm đến sự cầu an với những lễ nghi trong tín niệm dân gian. Vùng đất Đồng Nai, Nam bộ, những thế hệ di dân buổi ban đầu đã thực hiện những nghi lễ tống ôn - tống phong với mong muốn con người thoát khỏi những tai ương từ bệnh dịch. Những nghi lễ đó vẫn còn duy trì cho đến ngày nay dù có những sự thay đổi.

Lễ tống ôn ở đình Tân Lân (P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa). Ảnh: Lâm Văn Láng
Lễ tống ôn ở đình Tân Lân (P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa). Ảnh: Lâm Văn Láng

Trước hết, theo cách hiểu dân gian, tống ôn - tống phong là lễ tống tiễn bệnh dịch, gió độc ra khỏi làng xóm của cộng đồng. Thông thường, lễ này nằm trong trong tập thành các nghi thức cúng trong của lễ kỳ yên (cầu an) tổ chức ở các đình, miếu. Nghi thức lễ này bắt nguồn từ thời đầu của di dân Việt đến khai khẩn Nam bộ còn được duy trì cho đến ngày nay. Vùng đất rộng, ít người thuận lợi cho những người di dân nhưng môi trường tự nhiên “lam sơn chướng khí”, nhiều thú dữ “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”, sông rạch muỗi mòng, gió chướng… ảnh hưởng đến sức khỏe con người, lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Vì vậy, để an yên trong cuộc sống, người dân có nghi thức tống ôn - tống phong ra khỏi làng xóm của mình.

Biên Hòa là vùng đất được khai khẩn sớm của người Việt đến Nam bộ. Mỗi làng thôn đều có thiết chế miếu, đình để thờ thần Thành hoàng. Các thiết chế này gắn kết cộng đồng cư dân và trong năm, tùy theo tiết, lệ làng mà tổ chức những lễ tế. Lễ kỳ yên là quan trọng nhất gắn với nhiều nghi thức tín ngưỡng dân gian và một số đình tổ chức lễ tống ôn - tống phong với mong muốn ôn dịch, bệnh tật được rời khỏi, tránh xa làng xóm. Cũng có những đình cúng tống ôn - tống phong với ngày định riêng trong năm.

Ngày nay, tại các đình ở Biên Hòa vẫn duy trì lễ tống ôn - tống phong. Tuy nhiên, có nhiều nghi thức và hoạt động liên quan đã giản lược rất nhiều. Không còn những đoàn rước quanh các con đường mà chỉ tập trung ở trước sân đình. Trong tín niệm dân gian, lễ tống ôn - tống phong phản ánh niềm mong ước của con người về cuộc sống bình an cho cá nhân, cho cộng đồng để “quốc thái, dân an” trước những dịch bệnh hoành hành.

Những tư liệu trước đây cho biết lễ tống ôn - tống phong ở Nam bộ rất sôi động với sự tham gia của cộng đồng trong cùng làng, thôn, xóm chung đình. Khi đình tổ chức cúng, phải chuẩn bị thuyền, bè và các vật phẩm liên quan. Đặc biệt, các hộ dân sắm những mâm lễ để trước cổng để khi đoàn rước  đình đi qua, gửi theo những lễ vật đó theo thuyền ra sông, rạch. Đoàn rước của đình khá nhộn nhịp với đội múa lân và những thanh niên khỏe mạnh khiêng thuyền rảo quanh các con đường làng. Tại đình, thuyền và bè tống ôn được chuẩn bị sẵn. Một bè chuối được kết lót dưới thuyền để làm bệ đỡ thăng bằng và giữ thuyền nổi trên mặt nước. Thuyền lớn hay nhỏ tùy theo đình nhưng phải được trang trí như một thuyền thật với cờ treo, cờ, kết dây, trang trí hoa nhiều màu sắc. Trên đó có hình nhân của những người chèo thuyền và một vị chỉ huy, chiêu tập và điều hướng các “cô hồn các đảng hay quấy phá” phải tuân lệnh đi theo và các lễ vật gồm đồ ăn, thức uống, vật dụng (gạo, muối, bánh, trái cây, quần áo, tiền lẻ…). Mạn thuyền được thắp đèn cây sáng.

Khi bắt đầu tống ôn, ban tế tự thực hiện những nghi cầu yết thần để xin phép và khấn nguyện sự chứng giám. Trước khi đưa thuyền ra sông, bàn lễ được bày sẵn với các vật cúng (tùy theo làng chuẩn bị, nhưng chủ yếu là đầu heo, gà, rau, mắm, canh, cơm, nước, hoa…) để chiêu đãi lực lượng gây ôn dịch đến hưởng. Sau đó, thầy cúng niệm chú về trừ tà, đuổi quỷ và tụng kinh cầu an.

Đúng giờ được chọn, tất cả lễ vật trên bàn cúng được cho vào thuyền. Đội chiêng trống nổi lên, các học trò lễ được phân công kéo thuyền từ sân đình ra bến sông phía trước. Trước đây, đình của mỗi làng thường được xây dựng có mặt tiền hướng ra sông. Thầy cúng đốt nhang, niệm khấn lần cuối trước khi hạ thủy con thuyền, tống tiễn các loại gây ôn dịch, gió độc, tà khí theo thuyền đi xa. Nhiều người tham dự tranh thủ lấy cây đẩy thuyền ra xa hoặc dùng xuồng buộc dây vào thuyền để kéo ra ngoài theo dòng nước chảy. Thời khắc chưa sáng, trong tiếng chuông trống nổi lên, chiếc thuyền lung linh nhiều màu sắc bừng lên bởi những ngọn nến trôi ra sông, người dân vui mừng vỗ tay hò reo tống tiễn thuyền và mong muốn thuyền trôi nhanh, trôi xa mang ôn dịch đi nơi khác để xóm làng bình yên.

Đình Tân Lân, P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa (nơi thờ Đức ông Trần Thượng Xuyên) tổ chức cúng tống ôn vào ngày 25-3 âm lịch hằng năm. Thuyền tống ôn được đưa đi nghinh, rước tại các con đường, ngã ba ở khu dân cư và về đình thực hiện các nghi thức cúng. Sau đó hạ thủy ở bến sông Đồng Nai trước đình. Một số đình làng tùy theo định lệ thời gian “xưa bày nay theo” tổ chức trong khoảng thời gian từ giờ Tí trở đi (12 giờ) cho tới gần sáng với quan niệm, những ôn dịch, bệnh tật đi sớm trong đêm, trước khi bình minh ló dạng đem bình an cho cả làng.

Tại đình Mỹ Khánh, P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa (nơi thờ danh nhân Nguyễn Tri Phương) tổ chức vào lúc 3 giờ sáng trong ngày cuối của lễ kỳ yên tổ chức vào tháng 10 âm lịch. Nghi thức lễ tống phong thực hiện sau khi lễ đàn cả. Một chiếc thuyền dán giấy màu, kết trên bè chuối, hai bên hông thuyền dán các hình nhân. Trong khoang chính của con thuyền có một hình nhân tượng trưng cho thuyền trưởng, mũi thuyền ghi số 13. Đây là số thứ tự của tỉnh Biên Hòa trong 20 tỉnh thời kỳ thuộc Pháp. Phía trong thuyền để một hủ gạo trắng, một hủ muối, một hủ nước, một bó củi, một bộ bài tây 52 lá, ba bộ tam sên, rượu, trà, nhang, đèn, vàng, bạc đại. Ban tế lễ thực hành nghi thức dâng một tuần hương, ba tuần rượu, một tuần trà. Bốn thanh niên mặc áo lính lệ khiêng thuyền xuống bến sông Đồng Nai trước đình hạ thủy trong tiếng trống, chiêng được khởi liên hồi đến khi thuyền thuyền xuôi theo con nước trôi xa xuống phía hạ nguồn.

Đinh Huyền Phan

Tin xem nhiều