Báo Đồng Nai điện tử
En

Nền tảng của gia đình thời hiện đại

10:06, 27/06/2020

Xã hội ngày càng phát triển, xu thế hội nhập toàn diện đem đến cho gia đình Việt Nam nhiều cơ hội, song cũng đặt ra không ít thách thức đối với việc xây dựng hạnh phúc, văn hóa gia đình. Làm thế nào để xây dựng gia đình hạnh phúc là mối quan tâm không chỉ của riêng mỗi gia đình mà là của toàn xã hội.

Xã hội ngày càng phát triển, xu thế hội nhập toàn diện đem đến cho gia đình Việt Nam nhiều cơ hội, song cũng đặt ra không ít thách thức đối với việc xây dựng hạnh phúc, văn hóa gia đình. Làm thế nào để xây dựng gia đình hạnh phúc là mối quan tâm không chỉ của riêng mỗi gia đình mà là của toàn xã hội.

Gia đình ông Lê Hữu Thiết (H.Thống Nhất) sum họp cùng con, cháu vào những ngày cuối tuần hoặc lễ, tết. Ảnh: L.Na
Gia đình ông Lê Hữu Thiết (H.Thống Nhất) sum họp cùng con, cháu vào những ngày cuối tuần hoặc lễ, tết. Ảnh: L.Na

[links()]Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 năm nay tiếp tục với chủ đề: Gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình như nhắc nhở mỗi người về thái độ, trách nhiệm trong việc vun đắp, gìn giữ nếp nhà trong bối cảnh mặt trái của xã hội hiện đại đang hằng ngày tác động đến mỗi gia đình.

* Gia đình tốt thì xã hội mới tốt

Anh Phạm Sỹ Hùng (ngụ KP.4, P.An Bình, TP.Biên Hòa)  là một kiến trúc sư thành đạt. Mới kết hôn được 4 năm, vợ chồng anh Hùng đã mua được đất, cất được nhà mới. Đó là niềm hạnh phúc và tự hào của anh. Cũng từ đó mà vợ chồng anh lao vào làm việc nhiều hơn để sắm sửa trang thiết bị và vật dụng trong nhà sao cho đầy đủ hơn, hiện đại hơn. Anh Hùng cho biết, công việc cuốn theo thời gian khiến vợ chồng anh ít có thời gian trò chuyện, chia sẻ cùng nhau. Về nhà thì cũng việc ai nấy làm. Nhiều khi công việc mệt mỏi khiến anh không thể chia sẻ việc nhà với vợ. Vô hình trung, khoảng cách giữa hai người ngày một nhiều hơn.

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết: “Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 hằng năm là dịp để mỗi chúng ta hãy nhìn lại mình, hãy trở về nhà để vun đắp cho mái ấm gia đình bằng những việc làm đơn giản mà bấy lâu nay mình lãng quên. Bên cạnh tổ chức Ngày hội Gia đình 28-6, Sở đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động kỷ niệm phù hợp với tình hình thực tế ở cơ sở. Sắp tới sẽ tổ chức liên hoan CLB Nam giới nói không với bạo lực… Các hoạt động góp phần thể hiện tài năng, sự sáng tạo chia sẻ, thấu hiểu đồng hành giữa các thành viên, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Tình trạng xa cách của mỗi thành viên trong gia đình không chỉ xảy ra với gia đình anh Hùng. Hiện nay, cùng với sự phát triển của công nghệ 4.0, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế nên mỗi người trong nhà đều có một phòng riêng để sinh hoạt, làm việc. Có gia đình mỗi người một máy tính, vài cái điện thoại. Cơm tối xong là ai vào phòng nấy, hoặc “ôm” tivi, máy tính, điện thoại cho đến lúc đi ngủ. Điều này đã phát huy tối đa tính độc lập, tự giác, khả năng sáng tạo riêng của mỗi người. Tuy nhiên, sự tự do ấy đã khiến cho sợi dây kết nối các thành viên trở nên lỏng lẻo hơn bao giờ hết.

Chị Nguyễn Ngọc Hân  (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, công việc bận rộn khiến vợ chồng chị ít có điều kiện gần gũi, lắng nghe và chia sẻ với con. Từ khi con trai học THCS, gia đình đã xây lại nhà, dành cho con căn phòng riêng để học tập và sinh hoạt. Việc giáo dục, dạy dỗ con chủ yếu trông cậy vào thầy cô, còn ở nhà các thành viên chỉ gặp nhau vào bữa ăn tối, hay đi chơi cuối tuần. Đôi khi các con bận đi học thêm nên cả nhà ít gặp mặt.

Sự tự do, ít quan tâm và sẻ chia; sự lỏng lẻo trong vai trò giáo dục con là nguyên nhân khiến ly hôn ngày càng cao. Tình trạng bạo lực gia đình, đặc biệt là việc trẻ em hư, trẻ bị xâm hại… ngày càng tăng. Chỉ riêng năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 42 vụ bạo lực, đa số là bạo lực thân thể mà nạn nhân chủ yếu là trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi từ 16 -59 tuổi. Theo Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình tỉnh, so với các năm trước, số vụ bạo lực có giảm nhưng tính chất, hành vi bạo lực ngày càng nghiêm trọng.

Tiết mục văn nghệ do một gia đình có thành viên công tác trong ngành Công an tỉnh thể hiện trong Ngày hội Gia đình Việt Nam 28-6 do Sở VH-TTDLphối hợp tổ chức
Tiết mục văn nghệ do một gia đình có thành viên công tác trong ngành Công an tỉnh thể hiện trong Ngày hội Gia đình Việt Nam 28-6 do Sở VH-TTDLphối hợp tổ chức

Hiện nay công nghệ thông tin, sóng phát thanh, truyền hình và các loại trò chơi điện tử hấp dẫn tràn ngập đến tận giường ngủ mọi nhà. PGS-TS Huỳnh Văn Tới nói rằng, điều này khiến các thành viên trong gia đình tiếp cận thông tin nhanh, chính xác hơn nhưng nếu không điều chỉnh các thành viên sẽ trở nên lười giao tiếp với nhau. Do vậy, các giải pháp để giữ “lửa ấm” trong mỗi ngôi nhà vẫn tập trung ở việc vừa củng cố các giá trị văn hóa gia đình truyền thống vừa phát huy giáo dục trong mỗi gia đình, bổ sung thêm các giá trị mới theo tiến trình phát triển xã hội. “Gia đình có tốt, có tiến bộ và hạnh phúc thì xã hội mới tốt và ngày càng phát triển” - PGS-TS Huỳnh Văn Tới nhấn mạnh.

Theo chuyên gia tâm lý TS Lê Minh Công (giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), giữ hạnh phúc gia đình, nhất là gia đình trẻ hiện nay là điều không hề đơn giản. Điều quan trọng là mỗi người phải tự ý thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng tổ ấm (tìm hiểu kỹ trước khi kết hôn, học các kỹ năng cần thiết về làm vợ, làm mẹ, làm chồng, làm cha); biết cân bằng các mối quan hệ, yêu thương nhau. Các thành viên phải dành thời gian cho nhau, tạo điều kiện phát huy năng lực, sở trường của nhau, bởi vì những điều đó làm nên “ngọn lửa” yêu thương của một gia đình hạnh phúc.

* Gìn giữ và phát huy văn hóa gia đình

Với chủ đề: Gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình, Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 năm nay ở các địa phương trong tỉnh vẫn tiếp tục duy trì bữa cơm gia đình và các sinh hoạt văn hóa truyền thống. Đây chính là những khoảnh khắc sum họp, là nơi thể hiện sự tôn trọng, yêu thương, chăm sóc của mỗi thành viên dành cho nhau.

Theo ông Lê Hữu Thiết (H.Thống Nhất) nhiều năm trở lại đây, do điều kiện và áp lực của công việc mà nhiều gia đình, nhất là ở thành thị không còn duy trì bữa cơm hằng ngày, hằng tuần. Việc gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình vì thế cũng nhạt dần. Trước đây, dù bận rộn đến mấy, gia đình ông vẫn cố gắng gặp nhau vào bữa ăn tối. Nhưng nay, để có mặt đông đủ cả nhà không còn là điều dễ dàng, vì các con của ông đi làm xa, các cháu đi học cả ngày. Phải cuối tuần hoặc cuối tháng họ mới về nhà một lần.

Phần thi nấu ăn do các gia đình có thành viên công tác tại Công an tỉnh thể hiện trong Ngày hội Gia đình Việt Nam 28-6 do Sở VH-TTDL phối hợp tổ chức năm 2020. Ảnh: Lâm Cón
Phần thi nấu ăn do các gia đình có thành viên công tác tại Công an tỉnh thể hiện trong Ngày hội Gia đình Việt Nam 28-6 do Sở VH-TTDL phối hợp tổ chức năm 2020. Ảnh: Lâm Cón

“Đợt nghỉ giãn cách xã hội do dịch Covid-19 vừa qua là thời điểm gia đình tôi có thời gian sum họp nhiều nhất. Con, cháu tập trung về nhà đông đủ, cùng ăn cơm, cùng sinh hoạt gia đình. Gia đình chúng tôi luôn trân quý những giây phút như thế” - ông Thiết nói.

Nhìn nhận vai trò của bữa cơm và các sinh hoạt văn hóa gia đình trong phòng, chống bạo lực, ông Mai Văn Hùng, Chủ nhiệm CLB Phòng, chống bạo lực gia đình xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch) bày tỏ: “Khi gia đình còn những bữa cơm sum vầy, yên ấm sẽ rất khó có rạn nứt trong tình cảm, càng khó xảy ra mâu thuẫn gia đình. Tuy nhiên, để duy trì bữa cơm cũng đòi hỏi ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên trong việc chủ động sắp xếp thời gian để trở về nhà, tham gia vào các khâu chuẩn bị bữa ăn, rồi cùng đọc sách, nghe nhạc. Đây là cách ngăn chặn những xung đột, thổi “ngọn lửa” yêu thương trong gia đình”.

Phó chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Hoàng Ngọc Điệp, người từng có nhiều năm làm công tác gia đình cho rằng, văn hóa ứng xử là tiền đề của nền nếp gia đình. Một gia đình hòa thuận, hạnh phúc, có kỷ cương, nền nếp gia phong chính là môi trường tốt để phát triển con người, thúc đẩy xã hội phát triển. Trong xu thế hiện nay, các gia đình không nhất thiết phải ngày 3 bữa như truyền thống, mà nên dành thời gian cho nhau vào bữa tối hay bữa cuối tuần. Nhờ vậy, cha mẹ có thể nắm bắt tâm lý các con, tìm cách thức giáo dục con phù hợp. Đó cũng là nền tảng bảo tồn nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc.

“Có nhiều thách thức của một xã hội phát triển tác động đến các giá trị văn hóa gia đình. Vì vậy, ngoài những nỗ lực của mỗi cá nhân, mỗi gia đình thì rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến pháp luật về gia đình, phòng, chống bạo lực. Đặc biệt, cần tăng cường nêu cao tầm quan trọng, sự cần thiết của những bữa cơm, mà rộng hơn đó là gìn giữ và phát huy văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình. Mỗi người nên xem mỗi ngày trong năm đều là Ngày Gia đình Việt Nam” - bà Hoàng Ngọc Điệp nói.

Ly Na

 

Tin xem nhiều