Báo Đồng Nai điện tử
En

''Anh hùng khí hậu'' Hoàng Thị Minh Hồng: Tôi ''mắc nợ'' thiên nhiên

02:07, 04/07/2020

Bà Hoàng Thị Minh Hồng là một nhà hoạt động môi trường.Với hàng loạt dự án nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã, chống biến đổi khí hậu, chống rác thải nhựa và tiết kiệm năng lượng..., bà liên tiếp nhận được những danh hiệu cao quý: "Anh hùng khí hậu", một trong 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do các tổ chức hoạt động môi trường, cơ quan truyền thông có uy tín bình chọn.

Bà Hoàng Thị Minh Hồng là một nhà hoạt động môi trường.Với hàng loạt dự án nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã, chống biến đổi khí hậu, chống rác thải nhựa và tiết kiệm năng lượng..., bà liên tiếp nhận được những danh hiệu cao quý: “Anh hùng khí hậu”, một trong 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do các tổ chức hoạt động môi trường, cơ quan truyền thông có uy tín bình chọn. 

Bà Hồng cũng là người Việt Nam đầu tiên 2 lần chinh phục Nam cực và là người Việt đầu tiên giành được học bổng Quỹ Obama tại Đại học Columbia (Mỹ) nhờ các hoạt động ý nghĩa, thiết thực về chống biến đổi khí hậu. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về cơ duyên đưa bà đến với các hoạt động bảo vệ môi trường, bà Hồng cho biết, bà muốn làm một cái gì đó để góp sức trong “cuộc chiến” chống biến đổi khí hậu đang diễn ra đáng báo động.

Từ chuyến đi Nam cực đến danh hiệu Anh hùng khí hậu

* Được biết, những thay đổi trong công việc và cuộc sống của bà đều bắt đầu sau chuyến thám hiểm Nam cực?

- Năm 1997, khi ấy tôi mới ra trường và đang làm việc cho tờ Vietnam Investment Review (TP.Hà Nội). Một hôm có người bạn thân gọi điện rủ tôi tham gia chuyến thám hiểm Nam cực. Lúc ấy tôi chẳng biết đi Nam cực để làm gì nhưng vốn thích khám phá, ưa mạo hiểm nên tôi đăng ký ứng tuyển và là một trong số 34 thanh niên ưu tú đến từ 24 quốc gia trên thế giới được chọn cho chuyến đi.

Khi đề cập đến vấn đề môi trường toàn cầu, trong dòng trạng thái trên Twitter ngày 30-12-2018, cựu Tổng thống Barack Obama đã từng viết: “Cô Hồng Việt Nam chính là người đã truyền cảm hứng cho tôi”.

Đúng là sau khi từ Nam cực trở về, mọi thứ thay đổi, cuộc đời tôi cũng thay đổi. Tôi quyết định bỏ tờ báo đang có mức lương khá cao để “bắt tay” vào làm quen với các hoạt động bảo vệ môi trường. Lúc đó, nhiều người nói tôi... “hâm”, nhưng sự thực khi chứng kiến những gì ở Nam cực, được nghe những nhà khoa học nói về biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng của nó... có cái gì đó thôi thúc tôi phải hành động. Bắt đầu từ những đồng tiền tiết kiệm được khi còn đi làm, tôi “bao” cả quán cà phê, thuê hội trường để mời học sinh, sinh viên đến nghe tôi nói về Nam cực, thông tin về biến đổi khí hậu mà tôi đã được truyền đạt từ nhiều nhà khoa học, môi trường trên thế giới. Với mong muốn trước mắt là giúp nhiều bạn trẻ hiểu và quan tâm hơn đến vấn đề biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng dữ dội trên thế giới.

Tại Hội nghị về chống biến đổi khí hậu của LHQ năm 2018, bà được Tổ chức Climateheroes.org phong tặng danh hiệu Anh hùng khí hậu. Sự vinh danh này đem lại cho bà thuận lợi gì? Bà có bị “áp lực” bởi danh hiệu này?

- Tôi không quan trọng đến hai chữ “Anh hùng”, chỉ biết rằng, khi những tổ chức môi trường thế giới xem xét, chọn lựa và trao danh hiệu này cho tôi có nghĩa là họ đã biết rất nhiều và biết rất rõ những hoạt động của tôi về chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Danh hiệu “Anh hùng” không cho tôi lợi ích, mà chính những việc tôi đã làm lâu nay giúp tôi thành công khi kêu gọi các dự án, chương trình, tổ chức các chiến dịch về chống biến đổi khí hậu trong và ngoài nước, đặc biệt là với hoạt động xây dựng năng lực cho giới trẻ Việt Nam về biến đổi khí hậu và hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Sự thực, danh hiệu trên cũng tạo cho tôi một chút áp lực, bởi khi người ta trao cho mình sự tin tưởng, mình phải nỗ lực,
cũng giống như hoa hậu phải luôn giữ hình ảnh của mình. Và tôi vẫn đang nỗ lực như bấy lâu nay.

Được biết, bà là một trong 12 học giả trẻ trên thế giới được nhận học bổng Quỹ Obama tại Đại học Columbia (Mỹ). Bà đã học được gì từ chương trình này?

- Tháng 9-2018, tôi được một số tổ chức môi trường trên thế giới đề cử và đã vượt qua hàng ngàn ứng viên khác đến từ khắp các quốc gia để trở thành một trong số 12 học giả trẻ được tham dự Chương trình Học giả Quỹ Obama tại Đại học Columbia (do cựu Tổng thống Barack Obama sáng lập). Mục tiêu của chương trình này là nâng cao năng lực cho các nhà lãnh đạo dân sự, để họ có thêm kiến thức, công cụ và được kết nối với những mạng lưới quốc tế, giúp họ tìm ra giải pháp hiệu quả hơn cho các vấn đề toàn cầu phức tạp mà họ đang theo đuổi.

Trong 9 tháng theo học,  được làm việc với những nhà lãnh đạo trẻ xuất sắc trên thế giới, họ rất giỏi và tôi đã học được ở họ rất nhiều điều như cách tiếp cận với chính khách có tầm ảnh hưởng đến hoạt động mình đang theo đuổi; vận động hành lang chính sách, phương pháp truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, lập dự án, tìm tài trợ... Tôi đặc biệt khâm phục những bạn đến từ Colombia, Cameroon... điều kiện các quốc gia này khó khăn, nhưng các bạn ấy đã làm được rất nhiều việc cho cộng đồng, đặc biệt với những nhóm người yếu thế và dễ tổn thương.

Bà Hoàng Thị Minh Hồng (bìa phải) cùng những người nổi tiếng truyền thông  về bảo vệ động vật hoang dã. Ảnh do nhân vật cung cấp
Bà Hoàng Thị Minh Hồng (bìa phải) cùng những người nổi tiếng truyền thông về bảo vệ động vật hoang dã. Ảnh do nhân vật cung cấp

* Năm 2019, bà đã lọt vào danh sách 50 người phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam do Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn, bà cảm thấy thế nào?

- Trước đó, tôi không biết mình được Tạp chí Forbes Việt Nam chọn cho đến khi nhận được tạp chí biếu và thư mời dự Hội nghị Phụ nữ năm 2019 (Forbes Vietnam Women’s Summit) tại TP.HCM hồi tháng 5-2019. Danh sách này bao gồm các gương mặt phụ nữ nổi bật trong các lĩnh vực chính trị, kinh doanh, khoa học giáo dục, hoạt động xã hội, truyền thông, nghệ thuật, sáng tạo và thể thao. Điểm chung của những người phụ nữ trong danh sách này là tinh thần dấn thân, dám nghĩ dám làm, bền bỉ và những nỗ lực vươn lên thành công trong lĩnh vực của mình; đồng thời xác lập và khẳng định những giá trị mới với người phụ nữ thời  hiện đại. Tại hội nghị này, tôi cũng đã chia sẻ câu chuyện của mình cũng như được nghe chia sẻ của những người phụ nữ khác, nó đã thêm nguồn cảm hứng hành động cho tôi.

Lan tỏa hiệu ứng chống biến đổi khí hậu từ CHANGE

* Hiện bà đang là Giám đốc Tổ chức CHANGE - một tổ chức dân sự về bảo vệ môi trường, bà nói gì về phong trào “ichange” mà bà và các thành viên đang theo đuổi?

- CHANGE có nghĩa là thay đổi, mà thay đổi chính là cốt lõi, là khả năng con người có được để ngày mai của mình sẽ tốt hơn ngày hôm nay. Tổ chức CHANGE đã và đang xây dựng nhiều chương trình, sáng kiến, đồng hành với sự phát triển bền vững liên quan đến chống biến đổi khí hậu, chống mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã, chống rác thải nhựa... bằng việc đẩy mạnh truyền thông trên mạng xã hội dưới nhiều hình thức trẻ trung, sáng tạo nên đã tạo được hiệu ứng tốt, lôi cuốn nhiều người trẻ tham gia.

Một trong những chiến dịch chúng tôi đang lan tỏa được hiệu ứng khá rộng đó là Chiến dịch iChangers (“Tôi thay đổi”) với sự tham gia của gần 1 ngàn bạn trẻ cam kết thay đổi các thói quen dùng đồ nhựa cũng như giúp lan tỏa chiến dịch ra cộng đồng. iChangers đang có những tham vọng lớn hơn với dự định thuyết phục các hãng hàng không không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trên máy bay, thuyết phục các công ty xây dựng “văn phòng không đồ nhựa”, các chuỗi nhà hàng, quán cà phê, trà sữa không dùng ly, ống hút nhựa... Hiện nay, các “team” iChangers tại các tỉnh, thành đang hoạt động khá sôi nổi.

* Một phụ nữ nhỏ bé nhưng chuyên làm những chuyện đại sự, vậy thời gian đâu để bà lo cho tổ ấm nhỏ của mình?

- “Mắc nợ” thiên nhiên nên tôi dành hết thời gian, tâm huyết và sự đam mê cho môi trường. Tôi đi rất nhiều nơi, tham gia rất nhiều hội thảo, làm rất nhiều việc nhưng tôi vẫn có thời gian cho gia đình, bởi phần lớn thời gian tôi làm việc online, trừ những lúc cần phải có mặt trực tiếp. Chồng tôi làm kinh doanh nhưng cũng rất quan tâm đến môi trường nên luôn tạo điều kiện để vợ được làm công việc yêu thích. Con trai tôi cũng đã lớn, cháu được mẹ “rèn luyện” từ nhỏ về sự tự lập nên tự giác trong mọi việc. Gia đình tôi theo lối sống tối giản, lối sống xanh nên cũng không phải thu dọn nhiều. Những lúc làm việc ở nhà, tôi vẫn thích nấu ăn, đùa giỡn với con, đi thăm cha mẹ hai bên hay đi du lịch với gia đình.

* Xin cảm ơn bà!

Phương Liễu (thực hiện)

 

Tin xem nhiều