Báo Đồng Nai điện tử
En

Để nông thôn thành nơi ''đất lành chim đậu''

10:10, 24/10/2020

Môi trường luôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Với mục tiêu xây dựng vùng nông thôn không chỉ trù phú mà còn phải sạch đẹp, an toàn, suốt thời gian qua, Đồng Nai rất quan tâm đến các chính sách hỗ trợ thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) như: VietGAP, GlobalGAP; hữu cơ...

Môi trường luôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Với mục tiêu xây dựng vùng nông thôn không chỉ trù phú mà còn phải sạch đẹp, an toàn, suốt thời gian qua, Đồng Nai rất quan tâm đến các chính sách hỗ trợ thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) như: VietGAP, GlobalGAP; hữu cơ...

Nông dân ở xã Tân Bình (H.Vĩnh Cửu) trồng lúa sạch theo hướng hữu cơ. Ảnh: L.Quyên
Nông dân ở xã Tân Bình (H.Vĩnh Cửu) trồng lúa sạch theo hướng hữu cơ. Ảnh: L.Quyên

[links()]* Giữ gìn môi trường sống

Môi trường sống ở nông thôn hiện nay không còn an toàn nữa là vấn đề thời sự được đặt ra từ nhiều năm nay. Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc nông dân lạm dụng phân, thuốc hóa học trong sản xuất là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường, sự cân bằng sinh học bị phá vỡ, dịch bệnh bùng phát vì kháng thuốc, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan… Hệ lụy trước mắt là nông dân trắng tay vì đầu tư nhiều mà không hiệu quả. Về lâu dài là những thiệt hại không thể đo lường như: đất đai bị thoái hóa, khô cằn, nguồn nước bị nhiễm độc.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam phân tích, nông dân vẫn giữ lối suy nghĩ trồng rau mà không phun thuốc trừ sâu thì sâu bọ phá hết, lấy đâu ra đồng lời. Chuyện nhà ăn rau không phun thuốc còn rau bán ra thị trường thì phun đủ các loại thuốc, thậm chí phun thuốc trước khi thu hoạch chỉ 1-2 ngày vẫn diễn ra.

“Tôi luôn khuyến cáo phải làm cho đất khỏe - cây khỏe - môi trường khỏe thì con người mới khỏe. Theo đó, nông dân phải chuyển đổi sang hướng sản xuất an toàn, bắt đầu tư việc sản xuất theo hướng hữu cơ, tức là giảm sử dụng phân, thuốc hóa học và thay thế bằng phân hưu cơ cũng như các giải pháp sinh học trong phòng trừ dịch bệnh” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Bùi Xuân Hoàng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Khoa học công nghệ Hoàn Vũ (Q.Tân Phú, TP.HCM) doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tươi so sánh, hiện nhiều loại trái cây Việt Nam xuất khẩu, tỷ lệ trái cây đạt chuẩn xuất khẩu vào thị trường khó tính như châu Âu chưa quá 10% dù tiềm năng còn rất lớn.

* Vì những vùng nông thôn trong lành

Trong xây dựng NTM, Đồng Nai luôn chú trọng thực hiện các tiêu chí về môi trường. Theo đó, từ nhiều năm trước, tỉnh đã triển khai thí điểm đề án phân loại rác tại nguồn. Trong thực hiện, nhiều địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo, không chỉ làm tốt việc phân loại rác tại nguồn mà còn hỗ trợ nông dân tận dụng nguồn rác hữu cơ tại chỗ này tự chế biến phân hữu cơ, thuốc phòng, trừ sâu sinh học phục vụ cho sản xuất.

Theo đó, nông dân ngày càng quan tâm ứng dụng các phương pháp sản xuất an toàn thuận theo tự nhiên như: trồng lúa sạch theo mô hình ruộng lúa bờ hoa, trồng hoa cỏ trong vườn cây, nuôi kiến vàng, tự làm thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tự ủ phân bón hữu cơ…

Ông Đoàn Ngọc Thạnh, (xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất) là một trong những người đi tiên phong trong áp dụng quy trình sản xuất sạch bằng các phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học để chăm sóc cây trồng. Song song đó, ông cũng đã thành công với phương pháp diệt côn trùng, sâu rầy bằng đèn, treo bảng màu thay cho thuốc bảo vệ thực vật bằng hóa chất để xử lý sâu bệnh, vừa giảm chi phí lại bảo vệ được sức khỏe con người. Vườn bưởi hơn 3ha của ông cho chất lượng ngon, an toàn nên luôn là địa chỉ được cả khách mua lẻ và thương lái ưu tiên chọn lựa. Theo đó, mô hình sản xuất sạch, chi phí rẻ của ông được nhiều bà con trong vùng học hỏi kinh nghiệm.

Sản xuất nông nghiệp sinh thái với cách canh tác thân thiện môi trường, trong đó có nông nghiệp hữu cơ ngày càng được quan tâm. Ông Hoàng Sơn Công, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành hàng bán lẻ Việt Nam đưa ra góc nhìn khác: “Ngoài vấn đề chuyển giao về mặt kỹ thuật, tôi rất chú trọng đến truyền thông. Chúng tôi luôn khuyến khích nông dân quay video clip hằng ngày về hoạt động sản xuất và đưa thông tin đó lên mạng xã hội là những phương tiện không mất tiền”. Đây cũng là cách để minh bạch nguồn gốc sản phẩm qua việc làm rõ vườn rau, vườn cây trái này của ai, việc sản xuất cây trồng của người này có tử tế hay không đều được cả cộng đồng sản xuất nơi đó giám sát.

Lê Quyên

 

Tin xem nhiều