Báo Đồng Nai điện tử
En

Khai thác tiềm năng 'hành lang' sông Đồng Nai

04:03, 05/03/2021

Không chỉ mang giá trị tạo ra trục cảnh quan chính cho các đô thị, sông Đồng Nai còn mang lại cho Đồng Nai một dải hành lang ven sông đầy tiềm năng cho cả việc phát triển kinh tế lẫn kiến tạo cảnh quan.

Không chỉ mang giá trị tạo ra trục cảnh quan chính cho các đô thị, sông Đồng Nai còn mang lại cho Đồng Nai một dải hành lang ven sông đầy tiềm năng cho cả việc phát triển kinh tế lẫn kiến tạo cảnh quan.

Cù lao Hiệp Hòa được quy hoạch phát triển để trở thành điểm nhấn của đô thị Biên Hòa. Ảnh: P.Tùng
Cù lao Hiệp Hòa được quy hoạch phát triển để trở thành điểm nhấn của đô thị Biên Hòa. Ảnh: P.Tùng

* Tiềm năng “kép”

Sông Đồng Nai chảy qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có chiều dài hơn 200km. Trong định hướng quy hoạch chung của tỉnh, sông Đồng Nai được xác định là trục cảnh quan chính để xây dựng các đô thị ven sông.

Tuy nhiên, “giá trị” của sông Đồng Nai không chỉ dừng ở vai trò là trục chính cho không gian đô thị mà còn mang lại cho Đồng Nai tiềm năng to lớn với một dãy hành lang ven sông theo chiều dài của nó. Đây là nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho Đồng Nai với đầy đủ những giá trị về cảnh quan, môi trường, giao thông.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, cùng với việc quy hoạch để khai thác tất cả các tiềm năng của sông Đồng Nai thì ưu tiên cao nhất của tỉnh vẫn là phải giữ cho sông Đồng Nai thật sạch bởi đây là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn tỉnh cũng như các địa phương lân cận.

Để khai phá tiềm năng của quỹ đất thuộc hành lang sông Đồng Nai, hiện nay tỉnh đã có những quy hoạch và triển khai các dự án dọc hai bờ sông, đặc biệt là đoạn chảy qua đô thị Biên Hòa. Theo đó, hiện nay trên địa bàn TP.Biên Hòa đang triển khai thực hiện 3 dự án xây dựng đường và công viên dọc hai bờ sông Đồng Nai gồm: dự án xây dựng kè, đường và công viên dọc sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu; đường, công viên ven sông Đồng Nai từ cầu Hóa An đến tỉnh Bình Dương và từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh. Có thể thấy, những dự án được triển khai dọc hai bên bờ sông Đồng Nai hiện nay đều có mục tiêu đầu tiên là tạo lập không gian cảnh quan đô thị, tạo ra các không gian sinh hoạt cộng đồng phục vụ người dân. Đi kèm với đó, Đồng Nai đang có các quy hoạch để khai thác tiềm năng quỹ đất sau những không gian dành cho cộng đồng này.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, trên địa bàn TP.Biên Hòa đang có những quy hoạch hai bên bờ sông Đồng Nai để triển khai các dự án xây dựng bờ kè, công viên dọc bờ sông. Lùi sâu vào bên trong những dự án này, Đồng Nai cũng đã định hướng quy hoạch các dự án cao ốc, các khu thương mại dịch vụ lớn để khai thác tối đa cảnh quan của dòng sông Đồng Nai. “Những cảnh quan đẹp nhất dọc theo hai bờ sông theo quan điểm của tỉnh là cái chung và phải để cho mọi người dân được thụ hưởng” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Ông Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cho rằng, việc ưu tiên phát triển trước hệ thống công viên dọc sông Đồng Nai là đúng “trọng điểm” và cần triển khai sớm. Sông Đồng Nai có vai trò rất lớn trong việc cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hàng chục triệu người dân. Do đó, phát triển sớm hệ thống công viên dọc sông có ý nghĩa rất lớn đối với bảo vệ môi trường, nguồn nước sông Đồng Nai. Đó sẽ là lá phổi xanh “lọc” không khí. Quan trọng hơn, với tuyến công viên dọc sông sẽ hạn chế được nguồn nước thải, chất thải trong quá trình sinh hoạt, sản xuất được thải trực tiếp xuống sông Đồng Nai. “Các khu dân cư dọc sông đều có nhà xoay lưng ra sông, chất thải sinh hoạt do đó được xả thẳng xuống sông nên nguy cơ ô nhiễm nguồn nước cao. Nếu có công viên sẽ tạo được khoảng đệm ngăn cách dòng sông với các khu dân cư” - kiến trúc sư Lý Thành Phương phân tích.

Một góc công viên Nguyễn Văn Trị nằm dọc sông Đồng Nai đoạn qua TP.Biên Hòa
Một góc công viên Nguyễn Văn Trị nằm dọc sông Đồng Nai đoạn qua TP.Biên Hòa

Ngoài ý nghĩa về bảo vệ môi trường, việc phát triển tuyến công viên dọc sông Đồng Nai còn tạo ra nhiều ý nghĩa khác về cảnh quan, không gian sinh hoạt cộng đồng đối với đô thị Biên Hòa.

Không chỉ ở khu vực nội đô, dải hành lang ven sông Đồng Nai tại khu vực phía Nam TP.Biên Hòa kéo dài đến các huyện Long Thành và Nhơn Trạch hiện cũng đang được Đồng Nai quy hoạch để kiến tạo không gian cảnh quan của các đô thị ven dòng sông này.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho hay, trong dự định quy hoạch của tỉnh, các khu vực dọc sông Đồng Nai sẽ được xây dựng kè và quy hoạch cảnh quan đẹp nhằm tạo ra nét riêng cho các đô thị dọc sông. “Đồng Nai sẽ tận dụng dòng sông Đồng Nai như một yếu tố để làm nổi bật TP.Biên Hòa và các đô thị xung quanh như: Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu để những khu vực này có những cảnh quan đẹp và tạo được nét riêng” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.

* Tạo điểm nhấn đô thị với các cù lao

Không chỉ để lại dải hành lang ven sông nhiều tiềm năng, sông Đồng Nai còn “để” lại cho Đồng Nai những cù lao trên sông vốn được mệnh danh là những “ví trí vàng” trong phát triển đô thị như cù lao Hiệp Hòa, cù lao Ba Xê tại TP.Biên Hòa và cù lao Ông Cồn tại H.Nhơn Trạch.

Trong số này, cù lao Ông Cồn hiện đã được đầu tư trở thành một khu du lịch sinh thái và là điểm nhấn đáng chú ý của đô thị mới Nhơn Trạch.

Đối với cù lao Hiệp Hòa, khu vực được mệnh danh là “đất vàng” của đô thị Biên Hòa hiện cũng đang được Đồng Nai hoàn thiện quy hoạch để “biến” nơi đây trở thành điểm nhấn của đô thị Biên Hòa.

Theo định hướng quy hoạch, cù lao Hiệp Hòa sẽ được phát triển theo hướng trở thành một khu đô thị sinh thái, văn hóa, lịch sử theo hướng bảo tồn các công trình kiến trúc cổ, các sản vật đặc trưng… Đối với quỹ đất còn lại, Đồng Nai sẽ thực hiện đấu thầu, chọn lựa nhà đầu tư lớn, có năng lực để thực hiện các dự án với mục tiêu phát triển cù lao Hiệp Hòa trở thành một khu đô thị đẹp và có tầm vóc. “Sau khi được đầu tư hoàn chỉnh thì cù lao Hiệp Hòa sẽ là điểm nhấn của đô thị Biên Hòa nói riêng và của tỉnh Đồng Nai nói chung” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều