Báo Đồng Nai điện tử
En

Mẹ tôi

08:09, 03/09/2021

Sáng nay, tôi gọi điện thoại cho đứa cháu, hỏi: Bà có khỏe không con? Tinh thần ổn hả? Nó trả lời, Bà khỏe, cô yên tâm. Rồi nó kể, Bà còn giỏi nữa là. Giỏi sao? Con muốn lấy chai rượu hồi Tết các bác uống, rửa sạch để đựng mật ong, nhưng cái nút bần rớt vào trong chai rồi.

Sáng nay, tôi gọi điện thoại cho đứa cháu, hỏi: Bà có khỏe không con? Tinh thần ổn hả? Nó trả lời, Bà khỏe, cô yên tâm. Rồi nó kể, Bà còn giỏi nữa là. Giỏi sao? Con muốn lấy chai rượu hồi Tết các bác uống, rửa sạch để đựng mật ong, nhưng cái nút bần rớt vào trong chai rồi. Con loay hoay hoài lấy chả được. Thấy thế Bà bảo, lấy cho Bà sợi dây dù, Bà lấy cho. Con nghĩ con chả lấy được nữa là Bà. Vậy mà lát sau con lên đã thấy Bà nằm trên giường, nút bần đã lấy ra, sợi dây dù bên cạnh. Ha ha. Hai cô cháu cười. Tôi dặn, lát Bà dậy nhớ hỏi Bà lấy cách nào, sau này còn bắt chước.

Mẹ tôi sinh năm 1930. Nói thế để nhớ người phụ nữ này đã chứng kiến bao đổi thay của sơn hà, bao biến cố của gia đình lớn, nhỏ. Và bây giờ là đại dịch. Tôi đã ba tháng rưỡi chưa được gặp Mẹ, dù chỉ cách 30km và 50 phút đi xe hơi. Chị tôi, anh tôi, em tôi đều ở Q.Bình Thạnh. Nhà anh tôi chỉ cách nhà Bà có con đường Điện Biên Phủ, đi xe máy hết 5 phút. Thế mà 3 tháng nay, các con không thăm Mẹ được. Anh chị em tôi đều nhủ nhau, mình vẫn còn may mắn.

Trước khi TP.HCM chính thức có lệnh giãn cách, tôi gọi điện, định vội thăm Mẹ một lần nữa. Lúc bấy giờ đi từ chỗ tôi lên TP.HCM là phải có giấy xét nghiệm. Mẹ tôi không cho lên. Bà nói, con lên phải có giấy tờ, rồi lại phiền hàng xóm, họ biết con từ vùng dịch về. Mẹ khỏe, mua đầy đủ rồi.

Anh em chúng tôi bàn nhau đưa Bà xuống ở nhà anh Sáu, ở TP.Thủ Đức. Nhưng Bà không đi, lấy lý do còn nhang khói hằng ngày. Lúc ấy, ai cũng nghĩ nửa tháng, rồi một tháng là cùng. Dịch bùng phát. Mẹ tôi ở với đứa cháu. Cách ngày, tôi lại gọi điện thoại hỏi thăm. Có lúc vui vì Bà vẫn bình yên. Có lúc lên tim vì đứa cháu nói hôm nay Bà mệt. Cháu kể, xóm F0 nhiều quá, xung quanh chăng dây đỏ rồi. Hôm thì, cô ơi bà Ba cách nhà mình một căn chết vì Covid rồi. Khu phố quyên tiền, Bà hỏi, con nói bà Ba chết vì đau tim. Bà chỉ nói, “Thế à!” rồi dặn cháu nhớ đóng góp đầy đủ, giúp đỡ người ta.

Vài hôm, lại thêm vợ chồng ông luật sư, rồi nhà bà đầu ngõ… Trái, phải, trước, sau đều có người nhiễm Covid qua đời. Tôi hỏi, Bà biết không? Cháu nói, Bà không biết, con giấu hết. Và cứ thế, hai bà cháu rúm ró ở trong nhà. Mỗi lần tôi nói chuyện với Mẹ trên điện thoại, Mẹ lại hỏi, gần hết giãn cách chưa con? Hết lên chơi liền nhá. Rồi Bà thở dài. Chúng tôi cứ bảo nhau, may mà Bà không biết tình hình, tai nghe không rõ, không bước chân tới phòng khách.

Ngày…., là ngày còn vài hôm nữa TP.HCM hết hạn giãn cách theo Chỉ thị 16. Bỗng dưng Bà gọi điện cho con rể. Chắc Bà nghĩ con rể sẽ cả nể mà làm, còn con trai con gái dạ vâng cho qua chuyện. Bà nói, Mẹ phiền con một việc. Sắp đến ngày hết giãn cách, nhưng rồi theo Mẹ sẽ giãn cách tiếp. Thế nào Chính phủ cũng cho dân một ngày tự do đi lại mua sắm lương thực. Hôm đó, con giúp tìm xe, chở Mẹ xuống nhà anh Sáu. Anh con rể ngạc nhiên: Sao hôm trước Mẹ không chịu đi? Bà trả lời, Mẹ mất tinh thần quá, lúc nhắm mắt cũng cần có đứa con trai bên cạnh. Chao ơi, hóa ra Mẹ tôi biết hết. Anh con rể muốn chiều Bà, thương Bà nhưng đành bất lực.

Hôm bộ đội về thành phố giúp dân. Tôi hỏi đùa: Giờ có xe bộ đội đưa Mẹ xuống nhà bác Sáu, Mẹ đi không? Bà cười khanh khách, hỏi: Xe gì? Thiết giáp hả? Rồi Bà trả lời, không nên, họ trăm công ngàn việc, không nên làm phiền, mang tiếng.

Đứa cháu kể: Con càm ràm, bà tổ trưởng cứ một chút lại kêu, sợ muốn chết. Mẹ tôi la liền. Không được vậy, họ cũng vì việc chung. Với lại giờ xã phường là pháo đài. Việc gì cũng bắt đầu từ xã phường. Bà cháu mình phải dựa vào họ, con cái giờ không lo được cho cha mẹ đâu.

Đấy cứ thế, Mẹ tôi vừa biết vừa không biết, cứ tính toán theo cách của mình.

Viết xong dòng này, tôi gọi lại đứa cháu hỏi Bà đã chỉ cách lấy nút bần chưa. Nó trả lời, Bà cười khà khà, chỉ nói: Thế mới hay! Chẳng chịu bày cô ơi!

Vậy là, Mẹ tôi vẫn chứa đầy bí mật mà chúng tôi, con cháu chẳng hiểu hết nổi.

Tháng 7 âm lịch, mùa Vu lan 2021, còn được cài bông hồng.

Mùa Vu lan 2021, đại dịch con cái không về bên Mẹ.

Hương Thủy

 

Tin xem nhiều