Báo Đồng Nai điện tử
En

Ứng dụng công nghệ Nhật vào sản phẩm Việt

08:11, 19/11/2021

Sau nhiều năm làm việc tại Nhật Bản, anh Trần Quý trở về Việt Nam mang theo hoài bão thiết lập nên một doanh nghiệp (DN) ngành cơ khí, chế tạo, ứng dụng các kiến thức, công nghệ đã học được từ Nhật Bản. Lựa chọn Đồng Nai làm nơi xây dựng nhà máy, sau 5 năm đi vào hoạt động, Công ty TNHH Cơ khí Nhật Nam (TP.Biên Hòa) do anh Quý làm chủ đã phát triển mạnh mẽ và đầu tư hàng triệu USD để nâng cấp sản xuất, phục vụ xuất khẩu.

Sau nhiều năm làm việc tại Nhật Bản, anh Trần Quý trở về Việt Nam mang theo hoài bão thiết lập nên một doanh nghiệp (DN) ngành cơ khí, chế tạo, ứng dụng các kiến thức, công nghệ đã học được từ Nhật Bản. Lựa chọn Đồng Nai làm nơi xây dựng nhà máy, sau 5 năm đi vào hoạt động, Công ty TNHH Cơ khí Nhật Nam (TP.Biên Hòa) do anh Quý làm chủ đã phát triển mạnh mẽ và đầu tư hàng triệu USD để nâng cấp sản xuất, phục vụ xuất khẩu.

Anh Trần Quý (bìa phải) hướng dẫn nhân viên kỹ thuật cắt kim loại tấm. Ảnh: V.THẾ
Anh Trần Quý (bìa phải) hướng dẫn nhân viên kỹ thuật cắt kim loại tấm. Ảnh: V.THẾ

Theo anh Quý, nghề gia công chế tạo thiết bị, linh kiện, công nghiệp phụ trợ ở Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung có nhiều tiềm năng song sự phát triển còn chậm, đòi hỏi DN phải nỗ lực, chủ động đổi mới liên tục để bắt kịp nhịp phát triển.

* Kỹ thuật Nhật - Bàn tay Việt

Sau khi được học những kỹ thuật về gia công kim loại tấm ở Việt Nam, anh Quý có cơ hội đến Nhật Bản làm việc và học tập trong quãng thời gian 12 năm.

Tại đây, anh đã cố gắng làm việc và học tập mỗi ngày khi được tiếp cận những kỹ thuật tiên tiến tại các DN lớn của Nhật, tìm hiểu triết lý sản xuất và phương thức quản lý DN hiệu quả hướng tới chất lượng cao nhất… Càng làm việc, anh càng ấn tượng về trình độ, công nghệ nên nung nấu ý chí sau này về nước có thể ứng dụng được những kinh nghiệm thực tế vào sản xuất

“Sản xuất, chế tạo cơ khí, thiết bị công nghiệp phụ trợ là ngành nhiều tiềm năng nhưng cần nguồn lực lớn. Đây vẫn là khâu yếu của Việt Nam khi so sánh với các nước khác. Con người, kỹ năng của người Việt rất tốt nhưng ít DN có đủ nguồn vốn để đầu tư nhà máy hiện đại, đồng bộ. Điều này cần sự định hướng, hỗ trợ của Nhà nước về lâu dài cho ngành”- anh Trần Quý, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Nhật Nam nói.

Năm 2015, anh Quý trở về Việt Nam để hiện thực hóa ước mơ và tháng 3-2016, anh thành lập Công ty TNHH Cơ khí Nhật Nam chuyên về gia công chế tạo các sản phẩm kim loại. DN chuyên sản xuất các cấu kiện kim loại: vỏ máy, khung máy, thiết bị nông nghiệp, gia dụng, xây dựng; sản phẩm cho nội thất như khung ghế, bàn các loại, giường sắt, tủ sắt, kệ bếp. Các thiết bị dùng cho nhà máy như con lăn tải, băng tải, bàn thao tác, sàn thao tác, bồn, đường ống và thi công lắp đặt kệ kho, kệ trưng bày sản phẩm, pallet sắt, xe đẩy…

Với phương châm sản xuất: “Kỹ thuật Nhật - Bàn tay Việt”, để làm nên những sản phẩm có chất lượng tốt bằng bàn tay người Việt Nam nên DN này rất chú trọng yếu tố kỹ thuật và con người. Bắt đầu là một công ty gia công nhưng Nhật Nam đang dần hướng tới sản xuất sản phẩm hoàn thiện kỹ thuật cao, do đó việc đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao và đầu tư thiết bị hiện đại là rất quan trọng.

“Hiện tại, chúng tôi có thể sản xuất một sản phẩm kim loại tấm hoàn chỉnh trong nhà máy thông qua các khâu: cắt laser CNC, chấn, dập, hàn robot, sơn tĩnh điện, lắp ráp. Quá trình sản xuất gói gọn trong một nhà máy như vậy sẽ giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động được tiến độ sản xuất. Điều này chính là chìa khóa để thực hiện mô hình quản lý 3 nhất của chúng tôi: chất lượng tốt nhất - giá cạnh tranh nhất - tiến độ nhanh nhất” - anh Trần Quý cho hay.

Cũng theo anh Quý, thị trường cho ngành hàng cơ khí chế tạo, thiết bị công nghiệp phụ trợ là rất lớn nên dư địa phát triển của ngành còn nhiều. Hướng tới DN sản xuất bài bản, tiếp tục theo đuổi con đường của một công ty sản xuất (monodukuri kaisha), trở thành DN có quy mô khép kín từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất các sản phẩm mang lại tiện ích là con đường lâu dài của Nhật Nam.

Để làm được điều đó, anh Quý đề ra phương châm kinh doanh là mang lại khách hàng và đối tác sự “An tâm - Niềm tin” tuyệt đối khi sử dụng dịch vụ, sản phẩm của Nhật Nam. Khi các đối tác nhận được sản phẩm chất lượng, DN có lợi nhuận và thương hiệu tốt thì cũng chính là tạo niềm vui, hạnh phúc cho nhân viên để họ không ngừng học tập, sáng tạo, rèn luyện để trở thành nghệ nhân trong ngành gia công kim loại tấm.

Thế mạnh hiện nay của Công ty Nhật Nam là sở hữu trang thiết bị hiện đại, chuyên nghiệp về ngành gia công chế tạo như: máy cắt tấm CNC laser, máy đột CNC, máy chấn, máy uốn ống 2D, 3D, hệ thống sơn tĩnh điện…

Sản phẩm của DN hướng tới mang giá trị cao nên chú trọng đến thị trường xuất khẩu. Hiện tại, sản phẩm sản xuất ra của DN chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ 40%, Nhật Bản 30%, Úc 20% và thị trường trong nước 10%.

* Đầu tư mở rộng quy mô sản xuất

Để mở rộng kết nối với các đối tác nước ngoài, nhất là với phía Nhật Bản, Công ty Nhật Nam đã tích cực tham gia vào các chương trình, sự kiện do Bàn Kansai của Đồng Nai tổ chức. Năm 2019, DN đã tiếp cận với tổ điều phối viên công nghiệp, một tổ chức do UBND tỉnh thành lập nhằm kết nối, trao cơ hội hợp tác giữa các DN Việt Nam với đối tác nước ngoài. Tham dự các hội nghị kết nối giao thương, Nhật Nam đã tìm được một số đối tác tiềm năng đồng thời được chính các đối tác giới thiệu khách hàng mới.

Kiểm tra, đóng gói hàng để phục vụ xuất khẩu
Kiểm tra, đóng gói hàng để phục vụ xuất khẩu

“Cùng với sự nỗ lực tìm kiếm khách hàng, công ty còn tham gia các chương trình giao lưu, kết nối do địa phương tổ chức để mở rộng khách hàng. Việc này không chỉ phục vụ xuất khẩu mà còn sản xuất hàng phụ trợ cho DN nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam” - anh Quý khẳng định.

Từ thành công trong suốt những năm qua, anh Quý và đội ngũ lãnh đạo công ty đã thực sự tự tin hơn trong việc nâng cấp quy mô DN để đáp ứng được về sản lượng cũng như đơn đặt hàng tới từ các nước. Việc mở rộng quy mô sản xuất đã được lên kế hoạch và tính toán bài bản nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên cũng phần nào bị ảnh hưởng, tuy nhiên quá trình xây dựng nhà máy mới cũng đang tích cực được triển khai để đầu năm 2022 đưa vào hoạt động.

Để mở rộng quy mô sản xuất, hướng tới hiện đại, chuyên nghiệp hơn, nhà máy mới này được DN đầu tư hơn 1,5 triệu USD với diện tích sàn sản xuất lên tới hơn 4 ngàn m2 cách khu sản xuất cũ không xa.

Theo anh Quý, sau khi nhà máy mới hoàn thành, DN sẽ bố trí lại sản xuất để tối ưu hóa quy trình, chất lượng; đồng thời tuyển dụng thêm người lao động có tay nghề và đào tạo họ trở thành những chuyên gia sản xuất trong ngành bởi chất lượng lao động là cơ sở quan trọng nhất của mỗi DN. Theo anh, dù có đầu tư máy móc hiện đại nhưng không có con người áp dụng cũng sẽ rất khó để làm vừa lòng khách hàng.

“Sang năm 2022, dự kiến nhà máy mới của chúng tôi sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Với hệ thống máy móc đầu tư hiện đại, nhà xưởng khang trang hơn, có đầy đủ các phòng từ văn phòng, phòng nghiên cứu, phát triển đến dây chuyền sản xuất… Khi đó DN có đủ năng lực để đáp úng những đơn hàng lớn từ đối tác nước ngoài. Đó cũng là cơ hội để DN tự tin hội nhập và có những bước phát triển mới lớn mạnh hơn” - anh Quý kỳ vọng.

Vương Thế

Tin xem nhiều