Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện về những bác sĩ tương lai

10:02, 25/02/2022

Y khoa là một ngành đặc thù ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Chính vì vậy, bên cạnh những yêu cầu về năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp còn đòi hỏi niềm đam mê, sự tận tâm, trách nhiệm và cả tấm lòng nhân ái.

Y khoa là một ngành đặc thù ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Chính vì vậy, bên cạnh những yêu cầu về năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp còn đòi hỏi niềm đam mê, sự tận tâm, trách nhiệm và cả tấm lòng nhân ái.

Sinh viên Lê Trần Quyết Tâm (bên phải) trong một lần chuẩn bị chở F0 đi cách ly điều trị. Ảnh: NVCC
Sinh viên Lê Trần Quyết Tâm (bên phải) trong một lần chuẩn bị chở F0 đi cách ly điều trị. Ảnh: NVCC

Ý thức được bản thân sẽ là các y, bác sĩ trong tương lai, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, nhiều sinh viên ngành Y trong và ngoài tỉnh đã “xông pha” vào tâm dịch. Đây cũng là cách để họ thể hiện tình yêu, sự trân trọng đối với chính nghề Y cao quý mà mình đã chọn…

* “Tình nguyện là chuyện đương nhiên”

Lê Trần Quyết Tâm (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) hiện là sinh viên năm thứ 5, ngành Y đa khoa của Trường đại học Võ Trường Toản (tỉnh Hậu Giang). Tâm chia sẻ, ngay khi Sở Y tế Đồng Nai cùng Ban giám hiệu nhà trường gửi lời kêu gọi sinh viên cùng đồng hành chống dịch, anh đã không ngần ngại đăng ký trở thành tình nguyện viên với mong muốn góp chút công sức nhỏ bé của mình vào cuộc chiến chống đại dịch.

Anh Tâm kể, ban đầu, gia đình không ủng hộ khi biết tin anh đăng ký tham gia hỗ trợ chống dịch vì đây là công việc có quá nhiều áp lực và nguy cơ lây nhiễm cao. Song anh vẫn quyết tâm thuyết phục cha mẹ rằng: “Lúc này cả nước đang gồng mình chiến đấu với đại dịch, là một đoàn viên thanh niên, một cán bộ y tế tương lai thì việc tham gia tình nguyện chống dịch đối với những sinh viên y khoa là chuyện đương nhiên phải làm”.

Với nhiệt huyết và kiến thức chuyên môn đã được học, bác sĩ tương lai Lê Trần Quyết Tâm tình nguyện “xông pha” vào tâm dịch, tham gia hỗ trợ trong công tác truy vết, xét nghiệm, tiêm vaccine... bằng cả tinh thần xung kích của tuổi trẻ. Trong quá trình ấy, anh thực hiện nhiều công việc khác nhau, nhưng theo anh Tâm, đáng nhớ nhất những là lần trực tiếp đưa các bệnh nhân F0 và người tiếp xúc gần F1 đi điều trị, cách ly tập trung trong khi bản thân lúc ấy chưa được tiêm vaccine, khả năng bị lây nhiễm rất cao. Hay những lần trực tiếp xét nghiệm cho các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao như: người nghiện ma túy; tài xế xe tải, xe khách; người trở về từ các bệnh viện hoặc cơ sở y tế; người lang thang, không có nơi cư trú... thậm chí là xét nghiệm cho cả tử thi có yếu tố dịch tễ liên quan đến Covid-19.

Đi tình nguyện trong khi chưa kết thúc học kỳ nên bên cạnh công việc hỗ trợ chống dịch, chàng sinh viên y khoa phải chủ động sắp xếp thời gian để tham gia các lớp học online và tranh thủ giờ nghỉ ôn bài, chuẩn bị cho kỳ thi cuối kỳ.

“Tuy vất vả, nhưng để gia đình và nhà trường tin tưởng, an tâm, tôi đều cố gắng chu toàn giữa nhiệm vụ và việc học. Mỗi một kết quả “âm tính” của người dân đi xét nghiệm là những lần tinh thần tôi và các anh chị trong đội tăng lên. Mặt khác, tôi cũng luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ nhiệt tình của người dân và các anh chị nhân viên y tế nên cảm thấy rất ấm lòng. Đối với tôi đó là những ngày tháng thanh xuân đầy ý nghĩa, quý giá mà không phải ai cũng có. Để từ đó thêm trân quý nghề Y mà mình đã chọn” - anh Tâm bày tỏ.

Là một trong những sinh viên tình nguyện từ miền Bắc vào Đồng Nai chống dịch, Nguyễn Ngọc Huyền, sinh viên năm 4, Trường đại học Điều dưỡng Nam Định chia sẻ: “Với tôi, đó cũng là những ngày tháng không bao giờ quên”.

Là con một trong gia đình nên khi biết tin Huyền sẽ tình nguyện vào tâm dịch, cha mẹ chị đã rất lo lắng. Song với ý chí và quyết tâm được cống hiến, được trải nghiệm với chính nghề nghiệp tương lai của mình, Huyền đã kiên trì thuyết phục cha mẹ để lên đường. Trong suốt quá trình vào Đồng Nai thực hiện nhiệm vụ, Huyền được phân công hỗ trợ ở nhiều địa bàn khác nhau với nhiều phần việc khác nhau như: hỗ trợ truy vết, tiêm vaccine… và việc nào Huyền cũng làm bằng tinh thần trách nhhiệm cao nhất.

Cô sinh viên y khoa xúc động bày tỏ: “Mỗi ngày tôi đi làm nhiệm vụ, đến hỗ trợ cho người dân đều được nhận được sự những lời động viên, những cử chỉ giản dị nhưng rất tình cảm. Đôi khi chỉ đơn giản là tặng chai nước lúc khát, trao chiếc bánh lúc quá giờ ăn trưa… cũng đủ để tôi cảm thấy ấm lòng, quên mệt nhọc để làm việc”.

Đặc biệt hơn nữa, những ngày gần cuối của hành trình vào Nam chống dịch, Huyền chẳng may trở thành F0. “Ban đầu, tôi cũng khá lo nhưng cảm giác ấy đã bị xua tan ngay sau đó bởi sự quan tâm, động viên, hỗ trợ như người nhà của từ cán bộ địa phương, các anh chị cùng công tác, bạn bè và cả người dân” - Huyền kể.

* Hành trang quý giá

Đối với Nguyễn Hồ Nhật Nam (ngụ P.An Hòa, TP.Biên Hòa), sinh viên ngành Bác sĩ đa khoa Trường đại học Võ Trường Toản (tỉnh Hậu Giang), tình yêu với nghề y đã sớm được nuôi dưỡng từ bé khi cha anh là cũng là người có thâm niên công tác trong ngành.

 Nhật Nam chia sẻ, cha anh trước đây là một trưởng trạm y tế và hiện đang công tác tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai. Hiểu rõ ý nghĩa nhân văn mà công việc của cha tâm huyết gắn bó, hiểu được sự mong muốn kỳ vọng của người bệnh khi đến với bác sĩ qua nhiều lần trong vai trò là thân nhân người bệnh, Nhật Nam đã quyết tâm theo đuổi nghề.

Sinh viên Nguyễn Hồ Nhật Nam trong một hoạt động tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Ảnh: NVCC
Sinh viên Nguyễn Hồ Nhật Nam trong một hoạt động tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Ảnh: NVCC

Nhớ lại cảm xúc khi nhiều lần xét nghiệm cho tử thi có yếu tố dịch tễ liên quan đến Covid-19, bác sĩ tương lai Nhật Nam xúc động nói: “Lúc làm, tôi chỉ luôn tâm niệm, mình đã theo học và tới đây sẽ trở thành một bác sĩ thì phải có cái đầu và trái tim của một bác sĩ. Nếu còn sợ thì tới đây ra trường làm sao có thể cứu người” - anh Nam nói.

Khi chia sẻ về ý nghĩa của những ngày tháng “xông pha” tuyến đầu chống dịch, các sinh viên tình nguyện ngành Y đều xúc động coi đó là những hành trang quý giá trong hành trình trở thành những y, bác sĩ tương lai.

 “Tất cả những công việc đã từng làm, những người từng gặp, từng giúp đỡ, hỗ trợ trong suốt thời gian tham gia chống dịch vừa qua đã giúp tôi thấy thêm yêu, thêm trân quý ngành nghề mà mình đã chọn. Đó cũng là hành trang vững chãi để tới đây ra trường, tôi có thể làm tốt nhất nghề của mình - nghề của trách nhiệm, sự tận tâm và lòng yêu thương” - cô sinh viên ngành Điều dưỡng Nguyễn Ngọc Huyền xúc động bày tỏ.

Và với chàng sinh viên ngành Bác sĩ đa khoa Lê Trần Quyết Tâm: “Cũng nhờ quá trình tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch, tôi có thêm cơ hội để gặp gỡ, rèn luyện khả năng giao tiếp tốt với người bệnh, người nhà, đồng nghiệp và cộng đồng, nhất là việc chuyện trò, động viên để người bệnh có thêm niềm tin và động lực để chiến đấu với bệnh tật…”.

Hồ Thảo


Cô Đoàn Thị Huế, giảng viên Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai:

Tham gia chống dịch bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ

Từng trực tiếp nhiều tháng tham gia, đồng thời là người quản lý, điều phối và tập huấn cho tình nguyện viên mới của Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai tham gia về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, điều tôi cảm thấy rất phấn khởi, hạnh phúc là tình yêu với nghề Y lớn lên thấy rõ trong các em. Không ngại vất vả, nguy hiểm, các em tham gia bằng chính ý thức, trách nhiệm của nghề nghiệp mà mình sẽ làm trong tương lai, bằng cả sự sôi nổi, nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Ông Huỳnh Đông, Phó chủ tịch UBND P.Long Bình (TP.Biên Hòa):

Đóng góp thiết thực cho cộng đồng

Trong suốt thời gian cao điểm chống dịch bệnh, cùng với sự nỗ lực quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cuộc chiến chống dịch Covid-19 trên địa bàn phường còn nhận được sự chung tay, chung sức đóng góp của rất nhiều tổ chức, cá nhân bằng  những việc thiết thực, ý nghĩa. Trong đó, có đội ngũ các bạn sinh viên, đoàn viên thanh niên tình nguyện đã xung kích, tích cực đồng hành cùng phường đẩy lùi dịch bệnh. Phường luôn ghi nhận, biểu dương những đóng góp ý nghĩa ấy.


 

Tin xem nhiều