Báo Đồng Nai điện tử
En

"Hãy tận dụng lợi thế khai thác kinh tế rừng để bảo vệ chính khu rừng đó"

10:02, 25/02/2022

TS NGUYỄN MẠNH HÀ sinh ra trong gia đình có cha, mẹ cùng làm trong ngành lâm nghiệp. Từ nhỏ, ông được nghe nhiều câu chuyện liên quan đến thiên nhiên, cây cỏ, động vật nên dần quen. Ông theo nghề cha mẹ và may thay công việc này ông thích và có niềm hứng khởi.

TS NGUYỄN MẠNH HÀ sinh ra trong gia đình có cha, mẹ cùng làm trong ngành lâm nghiệp. Từ nhỏ, ông được nghe nhiều câu chuyện liên quan đến thiên nhiên, cây cỏ, động vật nên dần quen. Ông theo nghề cha mẹ và may thay công việc này ông thích và có niềm hứng khởi.

TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển Việt Nam
TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển Việt Nam

Hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, xây dựng chính sách, ông Hà chia sẻ với bạn đọc về tình yêu thiên nhiên, về hướng khai thác giá trị kinh tế rừng của Đồng Nai.

 Gắn bó với rừng từ nhỏ

* Sinh ra và lớn lên ở thủ đô Hà Nội, vì sao ông chọn công việc gắn bó với rừng?

- Tôi sinh ra trong gia đình có cha làm kiểm lâm, mẹ là giảng viên lâm nghiệp. Từ nhỏ, bên mâm cơm gia đình tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về động vật, cỏ cây, được theo cha đi rừng khi nghỉ hè. Nghe nhiều thành quen, đi nhiều dần thích rồi yêu.

 Tôi theo học ngành lâm nghiệp cũng vì lí do đó. May thay, ra trường đi làm hơn 20 năm tôi vẫn rất hứng khởi. Tôi đi hết các khu rừng từ Bắc vô Nam. Có khi đi tập huấn, đi hỗ trợ các đơn vị chủ rừng thực hiện các chuyên đề, dự án, có khi chẳng có việc gì tôi cũng vào rừng. Không đi thấy cuồng chân lắm.

* Những chuyến đi rừng từ khi còn bé đọng lại trong ông cảm xúc gì?

- Tôi may mắn hơn nhiều bạn nhỏ ở thành phố vì được đi rừng, đi trải nghiệm cuộc sống trong rừng sớm và thường xuyên. Từ nhỏ, tôi đã được dạy cách yêu thương động vật từ người thân. Chẳng hạn khi vào rừng gặp rắn, mọi người bảo tôi đừng la hét, đừng chạy, đừng làm tổn hại đến con vật thì nó sẽ không cắn mình. Khi gặp con chuột không ai nói với tôi “ôi kinh quá, sợ quá”, mà chỉ cho tôi con chuột nó cũng dễ thương, đáng yêu như những con vật khác.

Sau này, tôi có điều kiện đi rừng nhiều hơn. Mỗi chuyến đi là một cảm nhận mới mẻ về thiên nhiên, công việc và cuộc sống của những người làm công tác giữ rừng. Điều này giúp tôi có cái nhìn thực tế, khách quan khi tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các luật như: Bảo vệ phát triển rừng, Đa dạng sinh học, Lâm nghiệp, Thủy sản; chính sách về dịch vụ môi trường, chính sách đồng quản lý và chia sẻ lợi ích về đa dạng sinh học.

* Những khó khăn, thách thức đối với những người làm công tác giữ rừng và phát triển rừng hiện nay là gì?

- Tôi cho rằng không có ngành nghề nào khó, cũng không có ngành nghề nào dễ. Là do cách tiếp cận của mỗi người. Tuy nhiên, mặt bằng chung mà nói cán bộ, công nhân ngành lâm nghiệp có định mức thu nhập thấp hơn so với các ngành nghề khác. Điều kiện làm việc, tiếp cận thông tin của họ khó khăn hơn. Bản thân tôi đi điều tra, giám sát đa dạng sinh học phải đi nhiều nơi, nhiều ngày, nhiều lần mới có kết quả.

Tôi nghĩ rằng Đồng Nai có thể cải thiện một phần khó khăn cho đội ngũ làm kiểm lâm, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học thông qua việc xây dựng cơ chế hỗ trợ, đãi ngộ chẳng hạn như bảo hiểm, phụ cấp khác.

Đồng Nai có lợi thế phát triển kinh tế rừng

* Là chuyên gia bảo tồn và chính sách đa dạng sinh học, ông đánh giá như thế nào về công tác giữ và phát triển rừng của Đồng Nai?

- Đồng Nai là tỉnh có diện tích rừng lớn, hơn 170 ngàn ha. Hơn 20 năm trước tỉnh đã tiên phong đóng cửa rừng tự nhiên nên diện tích, đa dạng sinh học không ngừng gia tăng.

Ngoài việc đóng cửa rừng, tỉnh đã quan tâm, đầu tư khá nhiều cho công tác bảo vệ rừng và đa dạng sinh học. Tuy nhiên, công tác đầu tư bảo tồn lâu nay vẫn tập trung nhiều cho 2 khu là Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hoá Đồng Nai. Nếu các khu vực có đa dạng sinh học khác như rừng phòng hộ, rừng do các công ty lâm nghiệp quản lý cũng được đầu tư hài hòa thì giá trị về tự nhiên, đa dạng sinh học còn lớn hơn nữa.

TS Nguyễn Mạnh Hà trong một chuyến đi điều tra đa dạng sinh học
TS Nguyễn Mạnh Hà trong một chuyến đi điều tra đa dạng sinh học

* Đồng Nai đang triển khai dịch vụ môi trường rừng với 3 mục tiêu: phát huy hiệu quả kinh tế rừng, tạo nguồn thu tái đầu tư cho rừng và tạo điểm nhấn sản phẩm du lịch. Ông có ý kiến như thế nào?

- Dịch vụ môi trường rừng là chính sách mới. Mục đích là phát huy giá trị tự nhiên đối với con người và tạo nguồn thu tái đầu tư cho rừng.

Đồng Nai đã làm rất tốt công tác bảo vệ rừng và đa dạng sinh học, giờ là lúc phát huy các giá trị đó. Tôi cho rằng tỉnh nên xây dựng chính sách khuyến khích về thời gian cho thuê, giá thuê đối với nhà đầu tư và hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch. Hãy “bám” vào các quy định của pháp luật, đặc biệt Luật Lâm nghiệp để xây dựng chính sách quản lý đối với nhà đầu tư. Doanh nghiệp đầu tư vào dịch vụ môi trường rừng phải tuân thủ các quy định tỉnh đưa ra, chịu sự giám sát của chính quyền và chủ rừng.

* Ngoài dịch vụ môi trường rừng còn cách nào để khai thác hiệu quả giá trị kinh tế rừng không, thưa ông?

- Đó là bán tín chỉ carbon. Hiện nay, rất nhiều quốc gia đã bán tín chỉ carbon để tái đầu tư cho hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Các nhà máy có chỉ số phát thải cao hơn mức quy định sẽ bị phạt tiền, nhưng nếu họ mua tín chỉ carbon để bù đắp phần chênh lệch sẽ không bị phạt nữa. Đây là nội dung mới được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Đồng Nai có diện tích rừng lớn, sinh khối nhiều, việc tạo ra tín chỉ carbon bán sẽ đem lại sinh kế cho người dân, giúp tỉnh có nguồn thu tái đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng và giúp cân bằng lượng khí thải từ hoạt động công nghiệp và đô thị hóa.

* Xin cảm ơn ông!

Ban Mai (thực hiện)

Tin xem nhiều