Báo Đồng Nai điện tử
En

Thăm vùng đất lửa

07:04, 30/04/2022

Chiến tranh đã lùi xa, mảnh đất và con người Quảng Trị cũng vừa tròn nửa thế kỷ được giải phóng (1-5-1972 - 1-5-2022)...

Chiến tranh đã lùi xa, mảnh đất và con người Quảng Trị cũng vừa tròn nửa thế kỷ được giải phóng (1-5-1972 - 1-5-2022)...

Người dân đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn
Người dân đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn

Thành cổ Quảng Trị với 81 ngày đêm đỏ lửa giờ đã xanh tươi cây trái, mở rộng vòng tay đón từng dòng người về vùng đất lửa năm xưa… Trong không khí trang nghiêm, thành kính chúng tôi được gặp những hướng dẫn viên, những người trông coi di tích và các khu mộ liệt sĩ. Họ đã gắn bó cả tuổi thanh xuân để mong góp phần nhỏ tri ân những người nằm lại cho mảnh đất Quảng Trị đổi thay hôm nay…

Vẹn nguyên giá trị lịch sử…

Một chiều cuối tháng 4, dù bận chuẩn bị cho lễ dâng hương cấp quốc gia và các sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Trị, chị Cáp Thị Thiên Trang, Trưởng ban Quản lý di tích Thành cổ (Ban Quản lý di tích tỉnh Quảng Trị) vẫn dành thời gian chia sẻ, hơn 20 năm làm việc tại nơi linh thiêng cũng là từng ấy năm chị chứng kiến nhiều “con người huyền thoại”…

Chị Trang kể, đặc thù ở các khu di tích trên địa bàn Quảng Trị đều không thuê tạp vụ. “Sếp” hay nhân viên cùng làm tất cả mọi công việc từ chuyên môn đến lau dọn, tỉa cành, tưới cây và thực sự là những “lao công” sau mỗi mùa nước ngập.

Đoàn cán bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế dâng hương viếng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn
Đoàn cán bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế dâng hương viếng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn

“Nếu làm việc ở những khu vực này mà không thực tâm vì những người đã nằm xuống, vì anh linh các liệt sĩ hy sinh cho độc lập của quê hương đất nước thì không thể làm được. Do đó, mọi công việc tại Thành cổ, nhất là chuẩn bị đón những đoàn khách trung ương, tỉnh hoặc quốc tế đến dâng hương, chúng tôi phải chuẩn bị chu đáo từ cử chỉ, lời nói, bài thuyết minh, giới thiệu phải rất cẩn trọng đến từng chi tiết” - chị Trang nói.

Trung tá NGUYỄN VĂN MINH, bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay: “Khi chúng tôi đến NTLS Trường Sơn hay Đường 9 hoặc vào Thành cổ đều được nhân viên hỗ trợ tìm hiểu rất kỹ. Vì vậy, trong tuyến đường từ đơn vị ra các tỉnh phía Bắc công tác, chúng tôi thường ghé vào dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trải dọc tuyến đường Trường Sơn năm xưa”...

Khi chúng tôi đặt vấn đề làm thế nào trong một khoảng thời gian ngắn ngủi mà cán bộ, nhân viên đã giúp du khách hoặc người dân đến viếng hiểu được lịch sử, thấm được sự mất mát hy sinh của cha ông ta, chị Trang chia sẻ: “Đây là vấn đề mà chúng tôi luôn trăn trở, phải tìm mọi cách để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Dù họ là ai: người dân, thân nhân liệt sĩ hay đồng đội của các chiến sĩ Thành cổ... tất cả đều phải được thỏa mãn nhu cầu cần thiết của họ. Khi khách phàn nàn dù biết không phải lỗi của nhân viên trong khu di tích, việc làm đầu tiên của Trưởng ban Quản lý cũng như những người có trách nhiệm là phải “xin lỗi trước, kiểm tra sau”…

Chị Trang nói vui rằng, ở Thành cổ, mỗi cán bộ, nhân viên đều được “cấp sổ đỏ” nên khi lỗi xảy ra ở khu vực nào, nhân viên khu vực đó (kể cả Trưởng ban) phải chịu trách nhiệm… miễn làm sao để anh linh liệt sĩ Thành cổ được chăm sóc tốt nhất và phần nào “thỏa mãn nhất nhu cầu” người đến viếng thăm… Do đó, ngoài công việc hằng ngày, cán bộ nhân viên phải nỗ lực học tập, tìm hiểu, tự luyện thanh và nghiên cứu tâm lý với những đoàn khách được báo trước… trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Gắn bó với mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ

Đường 9 là con đường chiến lược nối biên giới Việt - Lào với TP.Đông Hà, Quảng Trị trong thời chiến, Mỹ đã cho xây dựng các căn cứ quân sự, cứ điểm và lô cốt dày đặc nhằm cắt đứt chi viện của hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam và Đông Dương. Ông Nguyễn Văn Quản, Phó trưởng ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) quốc gia Đường 9, người đã có hơn 20 năm gắn bó, làm quản trang tại nơi này cho hay, NTLS Đường 9 có diện tích khoảng 15ha, được khởi công xây dựng ngày 2-9-1995 và khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-1997) với tổng kinh phí gần 13 tỷ đồng và 16 hạng mục công trình lớn, nhỏ được thi công. Trong đó có 2 hạng mục công trình lớn mang tính nghệ thuật và lịch sử: Tượng đài chiến thắng và khu hành lễ.

Nhân  viên Khu di tích Thành cổ Quảng Trị hướng dẫn khách tham quan những chứng tích còn lại sau chiến tranh
Nhân viên Khu di tích Thành cổ Quảng Trị hướng dẫn khách tham quan những chứng tích còn lại sau chiến tranh

Đặc biệt, trong một khoảng thời gian ngắn khách đến dâng hương viếng liệt sĩ, bất kỳ cán bộ hay nhân viên trong Ban quản lý đều có thể giới thiệu, giúp du khách nắm lịch sử oai hùng, còn vẹn nguyên thông qua các chứng tích chiến tranh và các hàng bia mộ. Cán bộ, nhân viên nơi đây coi NTLS, bia mộ như chính gia đình, người thân của họ; họ gắn cả tuổi xuân, cuộc sống bằng sự trân trọng tri ân đối với người đã hy sinh.

NTLS quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn 10,8 ngàn mộ liệt sĩ đã hy sinh trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở mặt trận Đường 9 và trên đất Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Trong đó có gần 4 ngàn mộ được xác định đầy đủ tên, tuổi, quê quán, được mai táng theo từng tỉnh, thành và chia thành các khu vực liên hoàn theo từng địa phương...

Nơi đây có 10 cán bộ, nhân viên người lao động làm việc, trung bình mỗi người được giao chăm sóc, quản lý hơn 1 ngàn mộ chí. Họ tận tâm, trách nhiệm, nhiệt tình, luôn niềm nở khi khách đến viếng liệt sĩ…

Đảng viên trẻ Nguyễn Thế Lâm tốt nghiệp một trường trung cấp nghề, được doanh nghiệp đăng ký nhận vào làm việc với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng nhưng anh đã xin về làm công việc chăm sóc hương linh các anh hùng liệt sĩ. Chia sẻ về điều này, anh Lâm nói: “Cha tôi từng làm việc ở NTLS quốc gia Trường Sơn, hồi nhỏ, tôi thường theo cha lên NTLS và chứng kiến nhiều cô bác cựu chiến binh đến viếng đồng đội cứ ôm ngôi mộ khóc. Lúc bé tôi không hiểu nhưng lớn lên được học, được chứng kiến công việc ý nghĩa cha làm nên tôi đã xin vào làm tại NTLS quốc gia Đường 9 để được góp phần nhỏ tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì quê hương, đất nước”…

NTLS quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh quốc lộ 15, thuộc xã Vĩnh Trường, H.Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, cách trung tâm TP.Đông Hà khoảng 38km và cách quốc lộ 1 (đoạn TT.Gio Linh) chừng 20 km về phía Tây Bắc.

Ông Hoàng Văn Minh, Phó trưởng ban Quản lý NTLS quốc gia Trường Sơn cho hay, sau ngày thống nhất đất nước, Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng đã phê chuẩn dự án xây dựng NTLS quốc gia Trường Sơn tại địa bàn Quảng Trị làm nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của Tổ quốc đã hy sinh trên các nẻo đường Trường Sơn. Nghĩa trang được khởi công xây dựng vào 24-10-1975 và hoàn thành vào 10-4-1977.

“NTLS quốc gia Trường Sơn hiện là nơi yên nghỉ của 10.263 liệt sĩ đã hy sinh trên các tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Gần 30 năm làm việc tại đây, điều chúng tôi tâm đắc nhất chính là góp một phần công sức nhỏ bé để tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh đối với những người con anh dũng hy sinh cho tỉnh Quảng Trị nói riêng, cho độc lập của Tổ quốc hôm nay” - ông Minh xúc động bày tỏ.

Cũng theo ông Minh, chỉ một khoảng thời gian ngắn mà cán bộ nhân viên nơi đây phải khơi gợi giúp “thỏa mãn các nhu cầu tìm hiểu” của du khách là không hề dễ. Ngoài công việc chuyên môn, cán bộ, nhân viên đều nằm lòng câu nói: “Làm việc nơi linh thiêng vì người nằm xuống và vì anh linh liệt sĩ nên dù khó, dù cực cũng nỗ lực để hoàn thành”…

Thầy và trò Trường tiểu học Vĩnh Giang, H.Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị luôn chọn NTLS Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị và NTLS Đường 9 làm nơi dạy và học ngoại khóa những tiết học về lịch sử truyền thống. Em Hà Thị Phương Trang chia sẻ, mỗi lần đến dâng hương và tìm hiểu tại NTLS quốc gia Trường Sơn, được các bác, các chú hướng dẫn tham quan, tìm hiểu, em càng thêm yêu Tổ quốc và biết ơn sự hy sinh của cha ông trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc...

NTLS quốc gia Trường Sơn ngày nay không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ, mà còn là nơi suy tôn biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí và nghị lực đấu tranh kiên cường cùng khát vọng hòa bình của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Với mỗi cán bộ nhân viên được làm việc tại NTLS quốc gia Trường Sơn, Đường 9 hay các khu di tích họ đều gắn bó, tâm huyết để góp phần tri ân, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc...

Nguyệt Hà

            Quảng Trị cuối tháng 4-2022

Tin xem nhiều