Báo Đồng Nai điện tử
En

Tuần lễ phim Việt: "Chuyến tàu" tìm về sự nguyên bản

08:06, 03/06/2022

Trong các ngày từ 27 đến 31-5 vừa qua, Viện Phim Việt Nam, Nhà văn hóa điện ảnh tại TP.HCM, Lavelle Library cùng nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm đã phối hợp tổ chức Tuần lễ phim Việt - Vẻ đẹp của sự nguyên bản tại Lavelle Academy (P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức, TP.HCM).

Trong các ngày từ 27 đến 31-5 vừa qua, Viện Phim Việt Nam, Nhà văn hóa điện ảnh tại TP.HCM, Lavelle Library cùng nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm đã phối hợp tổ chức Tuần lễ phim Việt - Vẻ đẹp của sự nguyên bản tại Lavelle Academy (P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức, TP.HCM).

Khách mời chia sẻ, giao lưu với các khán giả tại buổi chiếu phim. Ảnh: Hà Lê
Khách mời chia sẻ, giao lưu với các khán giả tại buổi chiếu phim. Ảnh: Hà Lê

Đây là hoạt động kết nối và truyền cảm hứng giữa những nghệ sĩ, các chuyên gia, người nổi tiếng với cộng đồng đam mê bộ môn nghệ thuật thứ 7.

* Những thước phim quay chậm của từng thời kỳ

Tại chương trình, lần lượt 5 bộ phim mang dấu mốc lịch sử điện ảnh, có giá trị nghệ thuật cao, đại diện tiêu biểu cho những thời kỳ phát triển của điện ảnh Việt được trình chiếu, đó là: Đến hẹn lại lên, Thương nhớ đồng quê, Chuyện của Pao, Mùa len trâuSong lang. Ngoài ra, tại mỗi buổi chiếu phim, khán giả còn được giao lưu và nghe các diễn viên gạo cội, khách mời - họ là những nhân chứng, cầu nối đưa tác phẩm đến với công chúng chia sẻ sâu hơn về quá trình làm phim như: NSND Như Quỳnh, Đỗ Thị Hải Yến, Thúy Hường, Kiều Trinh, Liên Bỉnh Phát, Tú Quyên…

Theo nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm, một bộ phim hay ngoài đảm bảo các tiêu chí kịch bản hay, có phong cách kể chuyện mang tính đột phá, thể hiện ngôn ngữ điện ảnh mới mẻ thì bộ phim đó còn phải có giá trị nguyên bản.

“Thông qua Tuần lễ phim Việt, tôi muốn kết nối và truyền cảm hứng tình yêu điện ảnh Việt Nam đến với khán giả, nhất là khán giả trẻ, để họ quan tâm và yêu thích hơn những giá trị văn hóa của Việt Nam” - nhà báo, nhà phê bình điện ảnh LÊ HỒNG LÂM chia sẻ.

Giá trị nguyên bản là khai thác được những câu chuyện, đề tài hoặc những chi tiết nào đó mà chúng ta chưa tìm thấy ở những bộ phim nào khác. Và trong dòng chảy thị trường, thị hiếu thương mại ngày nay, giá trị nguyên bản trong điện ảnh Việt Nam ngày càng hiếm… Do đó, với những bộ phim khai thác được điều này như 5 bộ phim - 5 viên ngọc quý kể trên, dù còn ít nhiều thô ráp nhưng thật sự xứng đáng được tôn vinh và trân trọng.

Những câu chuyện ấy thể hiện được bối cảnh về văn hóa, con người vùng đất đó và quan trọng cách mà họ thể hiện, phục dựng giá trị văn hóa đó lên phim vô cùng chân thật và mang lại giá trị nguyên bản. Bởi cho dù tiếp cận với khán giả ở ngoài lãnh thổ Việt Nam thì từ khung hình đầu tiên, người ta cũng thấy đó là câu chuyện của Việt Nam, đề tài Việt Nam và con người Việt Nam. Điều đó không thể lẫn vào câu chuyện nền văn hóa, đề tài nào khác…

5 bộ phim được tuyển chọn trình chiếu tại Tuần lễ phim Việt đại diện cho 5 thời kỳ, giai đoạn khác nhau của điện ảnh và đặc biệt là những vùng văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Nếu như Đến hẹn lại lên là câu chuyện của một làng quan họ Kinh Bắc đã trở thành biểu tượng bao đời thì Thương nhớ đồng quê tái hiện không gian văn hóa làng quê của Bắc bộ, nhất là khi chuyển giao từ chế độ bao cấp sang kinh tế thị trường với rất nhiều thái độ trong bối cảnh làng quê đó, mang đến cho chúng ta những câu chuyện về thân phận con người trước những biến đổi thời cuộc. Ngoài ra, Chuyện của Pao góp phần khám phá và đưa văn hóa đặc sắc vùng Tây Bắc của người H’mông đến gần hơn với mọi người.

Để rồi khi đến với của Mùa len trâu, đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã dùng ngôn ngữ điện ảnh giàu sức mạnh thị giác để tái hiện khung cảnh kỳ vĩ, đặc sắc của vùng sông nước miền Tây, tuy hoang sơ nhưng lại lột tả rất sâu sắc sự hoang dã, trôi nổi với những con người có cuộc sống bất định rày đây mai đó. Khép lại hành trình, Song lang đã làm khán giả bồi hồi, xúc động với những ký ức về cải lương, về Sài Gòn những năm 80 của thế kỷ trước, về cái đẹp của những hình ảnh, con người mà bây giờ chúng ta không gặp lại họ nữa…

* Lưu giữ những cảm xúc đẹp qua điện ảnh

Chia sẻ tại buổi bế mạc Tuần lễ phim Việt tối 31-5, nhà phê bình Lê Hồng Lâm cho rằng, những câu chuyện thấm đẫm hương vị Việt được kể lại bằng điện ảnh mang lại nguồn cảm hứng rất lớn so với bất cứ bộ phim nước ngoài nào khác.

Chính vì thế, đối với nhiều khán giả, các buổi chiếu phim vừa qua là cơ hội để được nhìn lại những kỷ niệm, dấu ấn một thời đã qua khi ký ức ấy được tái hiện trên màn ảnh rộng, qua đó họ có thể chiêm nghiệm, lưu giữ riêng mình những cung bậc cảm xúc khác nhau.

Gắn bó với nghề gần 20 năm, diễn viên Đỗ Thị Hải Yến chia sẻ, đây là dịp rất hạnh phúc khi cô ngồi lại với những tâm hồn đồng điệu để được sống với đam mê, những câu chuyện vừa lạ vừa quen đằng sau những bộ phim vang bóng một thời của nền điện ảnh Việt Nam. “Mỗi tác phẩm như một chuyến tàu đưa ta qua từng mảnh đất, khám phá từng nền văn hóa vùng miền đặc trưng, từ những khung cảnh sinh hoạt rất đời cho đến tiếng quan họ lanh lảnh trong không gian… Tất cả đều gợi nhớ về một Việt Nam gần gũi, chân thật qua từng thước phim” - diễn viên Hải Yến bộc bạch.

Chị Kim Huyền, một khán giả trẻ yêu điện ảnh ở TP.Thủ Đức (TP.HCM) chia sẻ, chị cảm thấy rất vui khi được tham dự 3/5 buổi công chiếu và giao lưu với các khách mời tại Tuần lễ phim Việt lần này. Tại đây, chị được hòa chung cảm xúc với những người yêu điện ảnh, đặc biệt là những bộ phim Việt, bởi bây giờ bạn bè trang lứa của chị gần như không có cái nhìn thiện cảm với phim Việt, ai cũng định kiến phim Việt là “hài nhảm, nhạt, thị trường”.

“Tôi thật sự rất ấn tượng với bộ phim Song lang. Bộ phim như một viên ngọc quý của nền điện ảnh nước nhà vì đã tái hiện được cái hồn, vẻ đẹp của loại hình nghệ thuật cải lương, vốn đang dần lụi tàn vì chỉ còn những người lớn tuổi mới biết đến và yêu thích, còn lớp trẻ gần như không quan tâm nữa. Chương trình Tuần lễ phim Việt lần này quá hay, chỉ tiếc là thời gian diễn ra khá hạn chế. Tôi hy vọng sẽ tiếp tục có những chương trình như thế để được thưởng thức, đắm chìm trong không gian điện ảnh Việt. Đồng thời, tôi mong rằng các rạp phim địa phương có thể dành hằng tuần 1 suất chiếu những bộ phim Việt đậm chất nguyên bản để khán giả có cơ hội thưởng thức, chiêm nghiệm và đến gần hơn với văn hóa dân tộc” - chị Huyền cho hay.

Có thể thấy rằng, bên cạnh những bộ phim chỉ mang tính giải trí, thương mại “mì ăn liền” thì vẫn tồn tại những bộ phim Việt bước ra từ dấu ấn văn hóa lịch sử Việt cùng những giải thưởng, sự vinh danh và công nhận của nhiều thế hệ khán giả. Điều này góp phần làm nên sự văn minh, nâng cao giá trị thẩm mỹ và tinh thần của những khán giả yêu bộ môn nghệ thuật thứ 7 nước nhà.

Hà Lê

Tin xem nhiều