Báo Đồng Nai điện tử
En

Khắc sâu lời Bác

Cẩm Thúy
09:06, 02/09/2023

Nằm trong Bộ sách Di sản Hồ Chí Minh của NXB Trẻ, tác phẩm ra mắt mới nhất Khắc sâu lời Bác của TS Nguyễn Văn Khoan chứa những câu chuyện quý giá, góp phần khái quát cuộc đời, hoạt động và tư tưởng, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thế hệ tương lai của đất nước. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thế hệ tương lai của đất nước. Ảnh tư liệu

* Dân như nước, mình như cá

TS Nguyễn Văn Khoan là cựu binh, từng được gặp Bác Hồ 3 lần và làm phiên dịch tiếng Nga cho Bác ở đầu thập niên 1960. Ông tham gia biên soạn hơn 50 tác phẩm, bộ sách quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có: Hồ Chí Minh - Toàn tập; Hồ Chí Minh - Tiểu sử và Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử.

 
Nhân kỷ niệm 54 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh (2-9-1969 - 2-9-2023) và 54 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, bộ sách Di sản Hồ Chí Minh tiếp tục giới thiệu các công trình nghiên cứu - xuất bản mới nhất về Bác Hồ do nhiều tác giả khác nhau viết theo hình thức nghiên cứu chính luận lẫn chuyện đời thường. Đây là những tư liệu mới góp phần phục vụ các buổi sinh hoạt tìm hiểu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như trưng bày tại các không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Trong một thời gian dài, TS Khoan dành nhiều tâm sức để sưu tầm và kiểm chứng những mẩu chuyện về Bác Hồ. Khắc sâu lời Bác là quyển sách chứa 34 mẩu chuyện về Bác được tác giả viết tình cảm, súc tích và cô đọng. TS Khoan bày tỏ mong muốn: “Qua mỗi câu chuyện kể trong cuốn sách, mỗi ngày, mỗi gia đình, thầy cô giáo, anh bộ đội, chị công nhân... có thể rút ra được một điều gì đó ý nghĩa để làm theo Bác”.

Đó là những bài nói chuyện, lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào. Là “tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế” mà Người từng nêu cao từ những năm 1950, là sự hy sinh cách mạng. Là lòng khiêm tốn, sự sẻ chia dành cho anh em đồng chí, đồng bào mà lúc sinh thời Bác Hồ từng nói vui là: “Lộc bất tận hưởng”.

Sách kể chuyện Bác Hồ khi nói chuyện tại Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam tháng 11-1945 đã gửi gắm những lời dạy khiến các học viên trường huấn luyện nhớ mãi trong tâm trí: “Anh em phải làm sao cho dân yêu mến. Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết. Phải làm cho dân mến, khi sắp tới dân mong, khi đi dân tiếc…”.

* Tai phải thính, óc phải tỉnh

Những câu chuyện và lời Bác dạy cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, chứng tỏ tư tưởng và tầm nhìn vượt thời gian của Người. Năm xưa, Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Công việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”.

“Chúng ta được Bác răn dạy bằng lời nói, bài viết và cả những hành động cụ thể trong thực tế” - sách Khắc sâu lời Bác.

Trong mẩu chuyện “Càng khá lên, càng phải chú ý chống tham ô, móc ngoặc”, thuật lại rằng một lần có ông thợ cắt tóc được mời vào cắt tóc cho Bác. Bác nói về “móc ngoặc”, tham ô như một căn bệnh mà “từ nay về sau, càng khá lên, càng nhiều (tiền của - NV) lên, càng phải chú ý chống tham ô, móc ngoặc”. Tác giả Nguyễn Văn Khoan tấm tắc: “Đâu phải Chủ tịch nước nói riêng với ông thợ cắt tóc! Đâu phải Bác chỉ nói trong những tháng ấy, năm ấy!”.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

TS Nguyễn Văn Khoan khẳng định: “Có những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói từ lâu mà như mới ngày hôm qua. Những viên ngọc trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã soi ánh sáng cho chúng ta. Bác dạy tai phải thính, óc phải tỉnh để suy ngẫm. Có một cơ thể mạnh, một tâm hồn trong sáng, một cái gốc vững vàng thì hòa nhập mới không bị hòa tan”.

“Viết ra được bài báo, cũng như đẻ một đứa con”

Trong “Một câu chuyện rất bổ ích cho các nhà biên tập sách, báo” ở sách Khắc sâu lời Bác, TS Nguyễn Văn Khoan kể rằng Bác Hồ rất quan tâm đến tâm tư tình cảm của các nhà văn thời còn “Ty kiểm duyệt” hay cắt bỏ văn chương của nhiều người. Có lần Bác từ tốn nói với nhà văn Nguyễn Công Hoan một cách ví von mà sâu sắc:

“Kiểm duyệt và báo chí phải thân với nhau. Người ta đã đặt hết tâm trí mới viết ra được bài báo, cũng như đẻ một đứa con. Nay mình thấy cái mặt hay cái tay của đứa bé có vết chàm, có mụn ghẻ thì nên bảo cho người mẹ chữa cho cháu và mách cách chữa như thế nào. Nếu mình lại chặt cái mụn, cái tay ấy đi thì đứa bé còn ra hình thù gì nữa. Đời nào bố mẹ cháu bé đồng tình với mình”.

Rồi Bác kết luận: “Chính quyền là của nhân dân. Cơ quan ngôn luận, báo chí cũng là của nhân dân. Chính quyền phải giúp báo chí, ngôn luận tiến bộ”.

Cẩm Thúy

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều