Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyên đề: Bảo tồn động vật hoang dã:
Đồng Nai dẫn đầu đa dạng sinh học vùng Đông Nam bộ

Hoàng Lộc
20:02, 01/03/2024

Đồng Nai là tỉnh có đa dạng sinh học (ĐDSH) phong phú bậc nhất vùng Đông Nam Bộ. Nhờ chính sách đóng cửa rừng từ sớm, không ngừng phục hồi và phát triển diện tích rừng, lập các “bệnh viện” cứu hộ và nhân giống động vật quý, hiếm mà đến nay, tỉnh có những đặc trưng về ĐDSH ít nơi nào có.

Trồng bổ sung 3 ngàn cây rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ảnh: H.LỘC
Trồng bổ sung 3 ngàn cây rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ảnh: H.LỘC

Hiện tại, công tác giữ gìn, phục hồi và khai thác bền vững giá trị ĐDSH được Đồng Nai xem là nhiệm vụ trong tâm.

* Nhiều khu vực ĐDSH cao

Đồng Nai có nhiều khu vực ĐDSH, trong đó có 9 khu vực được xác định có nguồn gen phong phú về số lượng, thành phần các loại động - thực vật, đặc biệt là động vật quý, hiếm có tên trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới.

Nổi bật nhất là Vườn quốc gia Cát Tiên. Đây là khu bảo tồn cấp quốc gia có tổng diện tích hơn 71 ngàn ha, trong đó diện tích thuộc địa phận Đồng Nai là gần 40 ngàn ha. Hiện Vườn quốc gia Cát Tiên có khoảng 27 loài động vật là đối tượng ưu tiên bảo tồn, cùng hơn 1,7 ngàn loài động vật hoang dã (thú, chim, bò sát, cá, côn trùng…).

Đứng thứ 2 là Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai có diện tích tự nhiên hơn 100 ngàn ha. Đây là một trong những khu rừng đặc dụng có hệ sinh thái rừng đặc trưng nhất vùng Đông Nam Bộ và là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Chức năng chính của khu vực là bảo tồn tính đa dạng hệ động vật và thực vật; nguồn dược liệu, đặc biệt là các nguồn gen động, thực vật quý hiếm, loài đặc hữu, bảo tồn và phát triển tính ĐDSH; phát triển bền vững vùng nước nội địa hồ Trị An. Qua thống kê của cơ quan chức năng, khu vực có hơn 1,5 ngàn loài thực vật, trong đó 147 loài thuộc nhóm nguy cấp, quý, hiếm; hơn 2,2 ngàn động vật, trong đó nhiều loài thuộc nhóm nguy cấp, quý, hiếm.

Đồng Nai là tỉnh có trung tâm ĐDSH phong phú bậc nhất khu vực Đông Nam Bộ. Tỉnh có 9 khu vực có ĐDSH cao. Riêng thú, có 36 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ thế giới.

Điểm đặc biệt của 2 khu vực nói trên là đều có các khu đất ngập nước nên ĐDSH có cả trên cạn lẫn dưới nước. Đồng thời, hai nơi này đều nằm trong vùng lõi (vùng được bảo vệ nghiêm ngặt) của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai được UNESCO công nhận năm 2011.

Tiếp đến là Rừng phòng hộ Tân Phú với tổng diện tích gần 13,6 ngàn ha. Qua các tài liệu thu thập được, cơ quan chức năng ghi nhận khu vực có khoảng 200 loài cây gỗ, trong đó có ít nhất 10 loài có tên trong Sách đỏ của thế giới và Việt Nam. Về động vật, ghi nhận bước đầu khoảng 500 loài, trong đó gần 300 loài động vật và khoảng 200 loài côn trùng.

Rừng phòng hộ Xuân Lộc cũng được xác định là khu vực có ĐDSH cao. Thống kê chưa đầy đủ, khu vực có hơn 430 loài thực vật, trong đó 11 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và 10 loài có tên trong Sách đỏ thế giới. Có 73 loài động vật, trong đó 9 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và 3 loài có tên trong Sách đỏ thế giới.

Các khu vực có ĐDSH tiếp theo là: núi Chứa Chan với diện tích hơn 2 ngàn ha có hơn 240 loài thực vật và gần 130 loài động vật; rừng phòng hộ Long Thành diện tích gần 8 ngàn ha với hơn 110 loài thực vật và 130 loài chim, thú, thủy sản; rừng thuộc địa phận Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà diện tích hơn 27 ngàn ha, có gần 580 loài thực và 230 loài động vật; các hệ sinh thái thủy vực sông Đồng Nai và hồ Trị An, kết quả khảo sát ghi nhận hơn 160 loài cá, 20 loài tôm, cua và khu vực cuối cùng là sông Thị Vải và các lưu vực.

* Nhiều thách thức đặt ra

Sở dĩ, có được hệ thống khu vực ĐDSH kể trên là do từ hơn 20 năm trước, Đồng Nai nhận thấy tầm quan trọng của rừng, ĐDSH và có quyết định đúng đắn là đóng cửa rừng tự nhiên. Tỉnh huy động nhiều nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án bảo tồn và phát triển ĐDSH. Không ngừng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa, tầm quan trọng của ĐDSH đối với môi trường và cuộc sống.

Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác trong nước và trên thế giới, công tác bảo tồn và phát triển ĐDSH trên địa bàn tỉnh đang đứng trước không ít thách thức. Đó là sự tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đô thị hóa khiến cho môi trường sống, nguồn thức ăn và nước uống của nhiều loài bị thu hẹp; tình trạng săn bắt động vật hoang dã để phục vụ nhu cầu sống của một bộ phận người dân đã đẩy nhiều loài vào nguy cơ tuyệt chủng; sự xâm lấn của các loài ngoại lai, khai thác sản phẩm lâm sản trái phép, đánh bắt thủy sản…

Du lịch trải nghiệm rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai
Du lịch trải nghiệm rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai

Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho biết, những năm qua, đơn vị có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ rừng và ĐDSH; bảo tồn và phát triển nguồn gen có giá trị, tiêu biểu của vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, cũng có không ít mối đe dọa trong công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn ĐDSH và bảo vệ bền vững vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An. Nổi lên trong đó là nguy cơ người dân xâm nhập vào rừng để thực hiện hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, vi phạm về sử dụng đất lâm nghiệp giao khoán và lấn chiếm đất bán ngập…

Đại diện Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên cũng nhìn nhận, công tác quản lý, bảo vệ rừng và ĐDSH những năm gần đây có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn xảy ra các vụ săn bắt động vật hoang dã trái phép, khai thác sản phẩm lâm sản ngoài gỗ như măng, hạt ươi...

Có thể thấy, mặc dù vẫn hiện hữu các nguy cơ, thách thức song phải công nhận, công tác bảo vệ rừng và ĐDSH tại tỉnh ngày càng tốt hơn. Mỗi năm có hàng trăm ha rừng được trồng cải tạo, trồng mới. Tỉnh cho lập các trạm cứu hộ động vật hoang dã nhằm chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho những cá thể tịch thu từ các hoạt động buôn bán, nuôi nhốt bất hợp pháp và hỗ trợ các loài sinh sản. Các chủ rừng cũng phát động, tiếp nhận và tái thả về rừng hàng trăm cá thể động vật.

TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển Việt Nam đánh giá, Đồng Nai đang làm tốt công tác giữ rừng tự nhiên, bảo vệ ĐDSH. Tỉnh cần khai thác các lợi thế từ ĐDSH để phát triển du lịch sinh thái, bán tín chỉ carbon, nghiên cứu khoa học nhằm tái đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện một phần khó khăn cho đội ngũ làm kiểm lâm, bảo vệ rừng và ĐDSH, đem lại lợi ích cho cộng đồng.

Trong quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định sẽ giữ nguyên hiện trạng các hệ sinh thái đã đưa vào bảo tồn tại Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, rừng phòng hộ 600, rừng phòng hộ Tân Phú và rừng phòng hộ Nhơn Trạch - Long Thành. Quy hoạch bổ sung thêm việc bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên không thuộc hệ sinh thái rừng gồm: hệ sinh thái trảng cỏ, cây bụi, hệ sinh thái thủy vực tại các hồ và hành lang sông, suối nhằm bảo vệ các hệ sinh thái này trước áp lực phát triển kinh tế - xã hội.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều