Báo Đồng Nai điện tử
En

Chưa hết bảo hành đã hết... sử dụng

09:11, 08/11/2011

Chỉ sau mùa mưa đầu tiên, hai tuyến đường xây dựng phục vụ cho vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào khó khăn ở xã Cù Bị, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xuống cấp trầm trọng, phải dặm vá nhiều lần, thậm chí, có chỗ trôi hết nhựa đường…

Chỉ sau mùa mưa đầu tiên, hai tuyến đường xây dựng phục vụ cho vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào khó khăn ở xã Cù Bị, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xuống cấp trầm trọng, phải dặm vá nhiều lần, thậm chí, có chỗ trôi hết nhựa đường…

Hai đoạn đường vào thôn Phước Chí và đường Chòi Đồng vào Sông Xoài dài hơn 5km được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 4, giao thông nông thôn loại B; mặt đường láng nhựa và đưa vào sử dụng tháng 10-2010. Đầu năm nay, mặt đường đã bị cày xé lởm chởm, nhựa đường bong dần từng mảng. Và hiện nay, mặt đường lún sụt trầm trọng, xe cộ qua lại rất khó khăn.

 * Vẫn chưa thoát “kiếp bụi trần”

Ông Vũ Phú Quý, người dân thôn Đồng Tâm, bức xúc: Bà con chạy xe qua đường này giờ gặp những ổ gà to, sình lầy. Khi có xe lớn chạy ngược chiều, nhiều người đi đường bị ép rớt xuống lề rất nguy hiểm... Còn chị Lê Thị Tiếp, ở thôn Chòi Đồng, nói thêm: Đường mới mà rất không an toàn với dân, nhất là học sinh đi học về. Vừa rồi có một em học sinh gặp xe lớn đi qua, lạc tay lái xe đạp, té xuống bị gãy tay!

Đường chưa hết bảo hành đã hết sử dụng.
Đường chưa hết bảo hành đã hết sử dụng.

Bên cạnh chuyện thi công kém chất lượng, một nguyên nhân khác khiến những con đường này nhanh xuống cấp là do các xe trọng tải lớn đi qua. Ông Phan Quý, Chủ tịch UBND xã Cù Bị, nói: “Chức năng của xã chỉ là hạn chế và lập biên bản các xe trọng tải lớn rồi chờ cơ quan chức năng cấp trên xử lý chứ không giải quyết được”.

Cùng trên địa bàn xã này có tuyến đường chính - đường vào xã Cù Bị - đường cấp phối bê tông nhựa nguội dài gần 12km cũng mới được đưa vào sử dụng hơn một năm đến nay lớp nhựa đường cũng đã bị bong hoàn toàn. Anh Bùi Đức Thuận ở thôn Hiệp Cường  lắc đầu: “Đã đầu tư làm đường lớn sao không đổ bê tông nhựa nóng luôn. Phun nhựa nguội cũng như phun thuốc xịt cỏ rồi rắc đá lên làm sao đường bền được. Có được con đường người dân rất mừng, nhưng đường sá kiểu này thà không có tốt hơn”.

 * Cũng là giải pháp tình thế

Sau khi chính quyền địa phương phản ảnh với cơ quan chức năng, đơn vị thi công đã cho mang đá 4x6 vào khắc phục. Tuy nhiên, hình thức dặm vá này càng gây bất tiện và nguy hiểm hơn cho người đi đường, và nhiều loại phương tiện. Bên cạnh đó, các tuyến đường này không có hệ thống thoát nước nên còn gây ngập úng, ứ đọng nước cục bộ. Nhiều đoạn vô tình thành “đê bao” ngăn nước thoát, khiến nước tràn vào nhà dân, vào vườn rẫy hai bên đường, mang theo cả đất đá, rác thải.

Đường phục vụ nhu cầu dân sinh, tải trọng chỉ cho phép 5-6 tấn nhưng nhiều loại phương tiện trên 30 tấn ra vào KCN Phú Mỹ, các cảng biển ở huyện Tân Thành và KCN Gò Dầu cũng qua lại. Chính quyền xã đã đề nghị huyện gắn biển báo cấm xe có tải trọng trên 6 tấn, đồng thời lắp barie ngăn chặn. Tuy nhiên, cũng chỉ lắp được vài ngày thì bị chính các tài xế xe tải phá hủy. Địa phương cũng phối hợp với lực lượng công an, dân phòng trên địa bàn đã nhiều lần chặn xe, và nhờ lực lượng CSGT huyện phối hợp xử lý. Song giải pháp này cũng không hiệu quả. Cuối cùng xã lại hỏi ý kiến dân, dân đề nghị trồng trụ giữa đường để hạn chế... nhưng giải pháp này đụng… luật!

Ông Lê Văn Lành, ở thôn Phước Chí, ngao ngán: “Gần 30 năm, Cù Bị là nông trường anh hùng mà không có đường đi, bây chừ làm đường xong, dân phải góp tiền để xây trụ, xây cổng bảo vệ đường, mà góp xong rồi thì nói cũng chưa xây được!”.

Ông Phan Văn Long, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Đức, cho biết, huyện đã nghe phản ảnh của người dân và huyện đang kiến nghị với tỉnh có những giải pháp giải quyết trong thời gian tới.

Đức Doanh

 

Tin xem nhiều