Báo Đồng Nai điện tử
En

Sông cầu Cỏ May với tình trạng xả thải trộm

09:05, 07/05/2012

Tình trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở chế biến hải sản gây ra là vấn đề đã tồn tại nhiều năm qua ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Tình trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở chế biến hải sản gây ra là vấn đề đã tồn tại nhiều năm qua ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay, chỉ mới có 65% cơ sở chế biến hải sản đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nhưng chỉ có một số ít hoạt động có hiệu quả. Trong khi đó, những dòng kênh, con sông hay khu dân cư nằm gần các nhà máy chế biến hải sản luôn là nạn nhân của vấn nạn ô nhiễm...

Sông cầu Cỏ May - dòng sông hiện đang bị ô nhiễm do xả thải trộm.
Sông cầu Cỏ May - dòng sông hiện đang bị ô nhiễm do xả thải trộm.

Nước thải trắng xóa, bốc mùi chảy ra ào ạt từ miệng cống là hình ảnh dễ bắt gặp tại khu vực Bãi Láng Dứa, thuộc sông cầu Cỏ May. Đây cũng là khu vực sau bức tường của xưởng chế biến hải sản Công ty TNHH Hải Long, TP. Vũng Tàu. Một đường ống thoát nước có đường kính khoảng 30cm, nối từ hàng rào sau của công ty này, kéo dài khoảng 50m đổ ra sông Dinh. Chỉ cần bằng mắt thường, cũng có thể khẳng định rằng, đây là nguồn nước chế biến hải sản chưa qua xử lý. Theo anh Trương Văn Khoa, một người dân sống tại đây, tình trạng ô nhiễm do công ty này gây ra từ lâu nhưng nặng nhất là 4 - 5 năm nay.

Đưa chúng tôi đi điều tra thực trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực Bãi Láng Dứa, nhiều người dân ở đây cho biết, việc xả thải trộm của các cơ sở chế biến hải sản ở khu vực này diễn ra thường xuyên, nhất là khi thủy triều lên và vào buổi tối. Vì thế, chúng tôi cũng chẳng khó để tìm thấy một hệ thống ống đang thải nước chưa qua xử lý từ nhiều nhà máy chế biến thủy sản khác cách đó chưa đầy 100m. Theo người dân thì 2 đường ống thải này do nhiều công ty sử dụng chung, gồm: Công ty TNHH Thái Bình Dương, Công ty cổ phần thủy sản Phước Cơ, Công ty TNHH thủy sản Chang Hua và Xí nghiệp chế biến thủy sản thuộc Công ty cổ phần thủy sản và xuất nhập khẩu Côn Đảo.

Ông Trần Minh Phong, một người dân ở phường 12, TP. Vũng Tàu nói thêm: “Cách đây 5 năm, có ngày chúng tôi đánh bắt được vài tạ cá, nhưng hiện nay hầu như không có, họa may lắm thì được hơn chục ký”.

Không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, việc xả thải của các công ty này cũng khiến hàng trăm hộ dân sinh sống gần các nhà máy phải hứng chịu cảnh hôi thối. Ông Lê Bá Quý, một người dân ở đây nói rằng hiện có nhiều người, nhất là trẻ em trong phường bị bệnh đường hô hấp, viêm mũi kinh niên.

Hiện, có trên 10 đơn vị chế biến thủy hải sản tại KP6, phường 12, TP. Vũng Tàu. Các đơn vị này đều đấu nối chất thải đến nhà máy xử lý nước thải. Trên thực tế, các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, song tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra do các công ty xả trộm. Người dân đang hết sức bức xúc trước thực trạng này.

Đức Doanh

 

 

Tin xem nhiều