Báo Đồng Nai điện tử
En

Vì những chuyến đò bình an

10:10, 22/10/2012

TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) hiện có gần 8 ngàn km sông rạch. Đường thủy hiện vẫn còn là một phương thức di chuyển quan trọng của một bộ phận người dân ở đây. Hàng năm, bình quân trên 5 triệu lượt người chọn tàu phà, đò dọc, đò ngang để đi lại. Và do địa hình đường thủy phức tạp, địa phương này luôn dẫn đầu cả nước về số vụ tai nạn giao thông đường thủy.

TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) hiện có gần 8 ngàn km sông rạch. Đường thủy hiện vẫn còn là một phương thức di chuyển quan trọng của một bộ phận người dân ở đây. Hàng năm, bình quân trên 5 triệu lượt người chọn tàu phà, đò dọc, đò ngang để đi lại. Và do địa hình đường thủy phức tạp, địa phương này luôn dẫn đầu cả nước về số vụ tai nạn giao thông đường thủy.

Hầu hết những vụ tai nạn chết người xuất phát từ sự chủ quan của người tham gia giao thông, đặc biệt là việc không thực hiện các biện pháp ngăn ngừa tai nạn của chủ các phương tiện vận chuyển đường thủy.

* Ít nhưng nặng

Ngày 13-4, tại đoạn sông Giồng Ông Tố thuộc quận 2, đã xảy ra vụ chìm ghe, làm chết 4 người, trong đó có 3 trẻ em. Con đò do bà Nguyễn Thị Xuân điều khiển chở 8 người đi cúng miễu Đồng Phú ở bờ đối diện. Khi gần đến bờ bên kia thì bất ngờ chiếc đò chao đảo rồi lật úp.

Một chuyến đò chở khách không được trang bị dụng cụ cứu sinh.
Một chuyến đò chở khách không được trang bị dụng cụ cứu sinh.

Về vụ này, Đại tá Võ Văn Vân, Trưởng phòng cảnh sát đường thủy, Công an TP.HCM nói: “Cái ghe nhỏ mà chở đến 8 người nên quá tải, dẫn đến tai nạn nhưng điều đáng tiếc là trên ghe không trang bị dụng cụ cứu sinh.”

Chuyện đau lòng tương tự cũng đã ập đến đối với gia đình anh Hồ Thanh Hòa, ngụ tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ trong một chuyến đò định mệnh trước đó. Vợ chồng và 2 đứa con, cùng 4 người anh em trong nhà đi đám cưới trở về đi tắt ngang sông gặp sóng lớn và mưa dông đột ngột, dù nắm được cả 2 đứa con, nhưng do sóng dữ, lại không có phao cứu sinh, một mình anh không thể kiềm giữ được một lúc cả 2. Đứa lớn là Hồ Thanh Tùng, 13 tuổi, đã dành sự sống cho đứa em thơ và cha của mình.

Các chuyên gia Ban An toàn giao thông (ATGT) TP.HCM nói rằng, so với đường bộ, tỷ lệ tai nạn của đường thủy rất thấp, nhưng mỗi khi xảy ra tai nạn, hậu quả hết sức nặng nề. Trong nhiều năm qua, chính quyền đã tặng hàng ngàn dụng cụ cứu sinh cho bà con sinh sống trên ghe thuyền nhằm bảo toàn tính mạng cho bà con khi có sự cố trên sông. Tuy nhiên, tình trạng chủ quan không dùng phao khi đi lại trên sông nước vẫn chưa hạn chế được.

* Những mô hình tích cực

Từ nhiều năm qua, TP.HCM đã xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” qua việc triển khai mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” trên địa bàn các quận, huyện. Bến đò Thủy Sơn, ở phường Long Bình, quận 9, TP.HCM là một trong những tuyến đò ngang phục vụ khách du lịch đi từ quận 9 sang cù lao Ba Sang vãn cảnh, dâng hương tại chùa Phước Long. An toàn giao thông ở đây được nâng cao nhờ các biện pháp tuyên truyền thường xuyên kết hợp với việc kiểm tra 6 chiếc đò ở đây. Người thường xuyên trực tiếp dùng loa vận động bà con ý thức chấp hành các quy định về giao thông đường thủy là Thượng tọa Thích Nhất Phát, Trụ trì chùa Phước Long.

Không chở quá tải, không xuất bến khi mưa gió là nguyên tắc ở nhiều bến đò văn hóa. Bến đò Bình Quới - Thanh Đa đi phường Linh Đông - quận Thủ Đức cũng là một trong những nơi chấp hành tốt quy định về bảo đảm an toàn cho người và phương tiện. Đây là bến đò có từ năm 1945 và hiện nay có khoảng 1 ngàn hành khách qua lại mỗi ngày. Ông Trần Văn Hoàng, đại diện bến đò Bình Quới cho biết, mỗi khi có mưa to gió lớn thì ban quản lý không cho đò xuất bến.

* Nỗi lo còn đó

Theo số liệu công bố mới nhất của Ban ATGT TP.HCM, hiện có 380 bến thủy nội địa hoạt động,  trong đó có 52 bến hoạt động không phép. Các bến đò không phép chưa thực hiện nghiêm túc quy định về áo phao, và các điều kiện bảo đảm an toàn giao thông đường thủy.

Phân tích nguyên nhân của các vụ tai nạn đường thủy tại TP.HCM trong thời gian qua, lỗi chủ yếu vẫn là chở quá tải, quá số người quy định, thứ hai là nguyên tắc tránh vượt trong hành trình, thứ ba là thả neo đậu không cắt cử người trông coi, để tuột dây, đứt neo, đâm va các phương tiện, công trình kỹ thuật trên sông. Đối các vụ tai nạn gây chết người là do không thực hiện đúng những quy định sử dụng áo phao, không cấp phát hoặc không trang bị dụng cụ cứu sinh cho hành khách.

Hệ thống cầu dẫn ở các bến đò nhiều nơi còn thiếu an toàn. Tại huyện Cần Giờ, một trong những địa bàn trọng điểm về nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy ở TP.HCM, từ đầu năm đến nay, Ban ATGT của huyện đã cấp 150 phương tiện cứu sinh cho chủ các phương tiện đò ngang, đồng thời chỉ đạo các ngành kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy định về việc mặc áo phao trong suốt hành trình của phương tiện, từ lúc rời bến đến khi cập bến an toàn. Chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải có trách nhiệm trang bị áo phao và bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng. Người lái có trách nhiệm từ chối chở những hành khách không mặc áo phao theo hướng dẫn; đồng thời chịu trách nhiệm liên quan đến sự cố hoặc tai nạn xảy ra trong quá trình vận tải hành khách ngang sông khi hành khách không mặc áo phao. Tuy nhiên, khi chúng tôi đi thực tế ở bến đò Tắc Xuất thuộc thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, đi bến Đò Quan của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thì việc trang bị áo phao cho hành khách chưa được chủ phương tiện quan tâm. Cả chuyến đò chở gần 20 người chỉ có 3 chiếc phao cũ, gác trên mui đò cho lấy lệ.

Ông Thái Tân Sĩ, Phó ban ATGT huyện Cần Giờ - TP.HCM, cho rằng, luồng tuyến đường thủy rất phức tạp, việc kiểm tra xử lý rất khó khăn, trong khi đó nghề làm đăng đáy cá ở đây hoạt động lâu đời, người dân còn quá chủ quan nên chưa thực hiện các quy định.

Thực tế cho thấy, để người sử dụng phương tiện thủy mặc áo phao, cần phải có biện pháp xử lý mạnh tay hơn để chủ phương tiện và hành khách phải chấp hành. Cơ quan chức năng cần sớm ban hành quy chế xử phạt cụ thể để Thông tư 15 phát huy được hiệu quả, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân trên những chuyến đò.

Nam Việt

 

 

Tin xem nhiều