Báo Đồng Nai điện tử
En

Người dân Trại phong Bình Minh và nỗi lo khi ‘nhường’ đất cho dự án

Huyền Trang
08:04, 22/11/2023

Để xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, khoảng 100 hộ dân tại Trại phong Bình Minh (ấp 1, xã Tân Hiệp, H.Long Thành) sẽ phải di dời khỏi nơi ở cũ để “nhường” đất cho dự án.

Người dân xã Tân Hiệp (H.Long Thành) sinh sống nhờ nghề làm than. Ảnh: H.Trang
Người dân xã Tân Hiệp (H.Long Thành) sinh sống nhờ nghề làm than. Ảnh: H.Trang

Trước thời điểm phải rời khỏi mảnh đất đã sinh sống lâu nay, những người dân ở làng phong vẫn còn nặng trĩu nhiều nỗi lo.  

* Chưa hết mặc cảm

Cách đây khoảng 50 năm, với mặc cảm bị cộng đồng miệt thị, xa lánh, những người mắc bệnh phong tại nhiều địa phương khác nhau trong cả nước đã tìm về và định cư tại Trại phong Bình Minh. Lâu dần, Trại phong Bình Minh đã trở thành “ngôi nhà chung” của hàng trăm hộ dân mang trong mình căn bệnh quái ác này. Thời gian đầu mới hình thành, cuộc sống của người dân nơi đây gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài vì sự kỳ thị, xa lánh của người dân đối với những người mắc bệnh phong.

Cũng bởi chính sự kỳ thị, xa lánh đó, hầu hết những gia đình của các bệnh nhân mắc bệnh phong tại Trại phong Bình Minh không thể ra ngoài buôn bán hay tìm việc làm. Cuộc sống của họ gần như chỉ gắn bó với một nghề duy nhất: đốt than.

Lâu dần, khi sự phân biệt đối xử với những người bệnh phong gần như không còn, cùng với đó là sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, các đoàn thể và mạnh thường quân, đời sống của người dân ở Trại phong Bình Minh cũng có nhiều sự thay đổi, tốt dần lên. Tuy nhiên, những mặc cảm về bệnh tật của người dân làng phong không vì thế mà chấm dứt. Đó cũng là lý do gần nửa thế kỷ qua, những người dân Trại phong Bình Minh vẫn cứ sống quây quần cùng nhau.

Từ những mặc cảm đó mà khi có thông tin phải di dời để nhường đất cho dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nhiều người dân Trại phong Bình Minh lo lắng. Bởi với họ, nếu phải di dời đến nơi ở khác, nỗi lo sinh kế lại đè nặng lên vai khi họ khó có thể tiếp tục với nghề đốt than vốn là nguồn sống của người dân làng phong trong nhiều thập niên.

Ông Nguyễn Văn Phước, chủ một lò than tại ấp 1, xã Tân Hiệp cho biết, gia đình ông từ trước đến nay sống bằng nghề đốt than và nhờ nghề đốt than mà cuộc sống dần ổn định, con cái được đi học đầy đủ. Giờ phải di dời đến nơi ở mới, ông cũng chưa biết phải làm gì để sinh sống.

“Nếu di dời đến nơi khác sinh sống, gia đình tôi cũng không biết làm nghề gì để trang trải cuộc sống” - ông Phước cho biết.

Không chỉ có nỗi lo âu về sinh kế, những người dân làng phong cũng mang trong mình nỗi lo “hòa nhập”. Họ lo lắng tại nơi ở mới, mọi người sẽ khó chấp nhận “sống chung” với những người từng bị bệnh phong.

Trưởng ban Đại diện Trại phong Bình Minh Trần Huy Được cho hay, tuy được ưu ái chọn lựa nơi tái định cư, nhưng người dân ở đây vẫn lo lắng vì không thể sống tập trung. Từ đó, nỗi lo lắng bị kỳ thị như trước kia sẽ lại xảy ra.

Hiện ở H.Long Thành có 2 khu tái định cư ở xã Long Đức và xã Long Phước. Người dân ở trại phong sẽ được ưu tiên lựa chọn nơi di dời đến. Trước đây, nhờ có sự hỗ trợ từ các cán bộ, mạnh thường quân mà họ vượt qua cảnh khó khăn, thiếu thốn. Nếu di dời đến địa điểm ở xa, việc được nhận hỗ trợ từ các mạnh thường quân sẽ khó khăn hơn. Đó còn là nỗi lo vì di chứng của bệnh mà khó hòa nhập với cuộc sống, từng bị kỳ thị, người dân không xin được việc làm...

* Mong có chính sách đặc thù hỗ trợ người dân

Dù còn nhiều nỗi lo, song hầu hết người dân tại Trại phong Bình Minh vẫn bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ đối với Nhà nước khi triển khai dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Đồng thời, mong muốn có được những chính sách hỗ trợ phù hợp để sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.

Theo Phó chủ tịch UBND xã Tân Hiệp HUỲNH THỤY THỦY TIÊN, tên gọi Trại phong Bình Minh là do cách gọi quen từ ngày xưa. Hiện nay, những người dân sống ở đây, thuộc thế hệ sau này hoàn toàn lành lặn và được khống chế bệnh từ sớm nên không bị ảnh hưởng, mọi người vẫn sống và sinh hoạt bình thường.

Ông Nguyễn Chu Phong, một người dân tại Trại phong Bình Minh cho biết: “Nếu dự án giúp phát triển kinh tế cho tỉnh, cho đất nước thì bà con chúng tôi đồng tình ủng hộ. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ có mức đền bù thỏa đáng để người dân sớm ổn định cuộc sống mới, bởi với những người từng bị bệnh phong hoặc con em người bệnh, chuyện ra ngoài tìm việc làm rất khó khăn”.

Theo ông Nguyễn Văn Phước, mong muốn lớn nhất của người dân Trại phong Bình Minh là được tái định cư tại chỗ để người dân ở đây tiếp tục được sống cùng nhau. Từ đó, có điều kiện thuận lợi để dễ dàng chăm sóc nhau.

Phó chủ tịch UBND xã Tân Hiệp Huỳnh Thụy Thủy Tiên cho biết, từ khi có chủ trương thực hiện dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, người dân rất đồng tình, ủng hộ. Địa phương cũng mong muốn các cấp chính quyền sẽ có những chính sách đặc thù hơn so với các địa phương khác để giúp đỡ người dân nơi đây sớm ổn định cuộc sống.

Trong khi đó, theo Phó chủ tịch UBND H.Long Thành Trần Văn Thân, để bố trí tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi phục vụ dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, trên địa bàn huyện đã quy hoạch xây dựng 2 khu tái định cư tại xã Long Đức và xã Long Phước. Trong đó, người dân trong khu vực dự án trên địa bàn xã Tân Hiệp sẽ được bố trí vào khu tái định cư tại xã Long Phước. Tuy nhiên, do người dân tại Trại phong Bình Minh có mong muốn được tái định cư tại chỗ nên địa phương cũng xem xét thêm một điểm bố trí tái định cư tại xã Tân Hiệp. Hiện dự án Nâng cấp hạ tầng khu tái định cư Tân Hiệp mở rộng đang triển khai thực hiện công tác quy hoạch. Do đó, địa phương cũng đang xem xét tổng hợp ý kiến người dân cũng như các cơ quan chức năng để bổ sung thêm vị trí tái định cư này để bố trí cho người dân.  

Huyền Trang

 

Tin xem nhiều