Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Hệ lụy khó lường!

09:08, 07/08/2011

Tại hội thảo về “Quản lý tổng hợp rừng đầu nguồn và lưu vực sông Đồng Nai”  được tổ chức tại Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên trong hai ngày 6 và 7-8, các nhà khoa học đặc biệt lưu ý, nếu xây dựng thủy điện (TĐ) Đồng Nai 6 và 6A trên thượng lưu sông Đồng Nai, ngoài việc mất hàng trăm hécta rừng thì nguy cơ thiếu nước cho vùng hạ lưu là khó tránh khỏi!

 

Tại hội thảo về “Quản lý tổng hợp rừng đầu nguồn và lưu vực sông Đồng Nai”  được tổ chức tại Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên trong hai ngày 6 và 7-8, các nhà khoa học đặc biệt lưu ý, nếu xây dựng thủy điện (TĐ) Đồng Nai 6 và 6A trên thượng lưu sông Đồng Nai, ngoài việc mất hàng trăm hécta rừng thì nguy cơ thiếu nước cho vùng hạ lưu là khó tránh khỏi!

Các nhà báo ghi hình sông Đồng Nai, đoạn thuộc khu vực xây dựng thủy điện Đồng Nai 6. Ảnh: T. NGUYÊN
Các nhà báo ghi hình sông Đồng Nai, đoạn thuộc khu vực xây dựng thủy điện Đồng Nai 6. Ảnh: T. NGUYÊN

 Hơn 20 nhà báo của các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương, TP. Hồ Chí Minh và địa phương tham dự hội thảo, đã có một ngày làm việc vất vả khi cùng các nhà khoa học đi thực địa, nơi Tập đoàn Đức Long Gia Lai - đơn vị chủ đầu tư dự án dự kiến xây dựng TĐ Đồng Nai 6 và 6A.

 * Cảnh báo về dòng chảy sông Đồng Nai

Từ xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên, Lâm Đồng), chúng tôi phải lội bộ gần 2 giờ mới vượt qua được 8 km đường rừng có nhiều tầng thực vật xanh tốt, cây rừng quý hiếm to lớn như gõ, sao, bằng lăng… Trời mưa trơn trượt, đường trong rừng sâu quanh co, khúc khuỷu, đoàn khảo sát phải hết sức khó nhọc mới qua được những đoạn dốc thẳng đứng. Trên đường đi, hầu hết các nhà khoa học, nhà báo đều ít nhất một lần trượt chân vấp té.

Đứng trước một gốc cây nhỏ có đánh dấu mực nước khi đập tích đủ nước, tiến sĩ Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Việt Nam) cho biết, nếu TĐ 6 hoàn thành đi vào hoạt động, nước trong đập sẽ lên đến 250m so với mặt nước biển. Như vậy, nhiều khu rừng sẽ bị nhấn chìm trong nước.

Tại bờ sông Đồng Nai - vùng lõi VQG Cát Tiên, nơi Tập đoàn Đức Long Gia Lai dự kiến xây dựng đập TĐ Đồng Nai 6, thạc sĩ Kỷ Quang Vinh (Viện Sinh học nhiệt đới) trầm ngâm hồi lâu rồi nhận định, con sông hiền hòa bao đời, giờ thay đổi đáng kể. Đoạn sông này nhỏ, nhưng theo ông Vinh, do ảnh hưởng của những TĐ bậc thang trên thượng nguồn đang hoạt động, khiến lưu lượng và dòng chảy tại khu vực này khác trước nhiều. Chính vì vậy, trong thời gian tới, nếu TĐ Đồng Nai 6 và 6A (cách địa điểm xây dựng TĐ 6 chừng 4km đường chim bay) được xây dựng thì ở vùng hạ lưu thiếu nước là điều chắc chắn. Ông dẫn chứng, những năm gần đây, mực nước trên sông La Ngà, hồ Trị An giảm vài mét so với trung bình nhiều năm trước. Nguyên nhân chính vẫn là do một số nhà máy TĐ trên thượng nguồn tích nước để hoạt động nên lượng nước đổ về giảm. Dòng chảy sông Đồng Nai thay đổi, dẫn đến chất lượng nước giảm, không đáp ứng yêu cầu phát triển của các loài thủy sinh. Do đó, nhiều khả năng mai này một số loài cá sẽ có nguy cơ biến mất.

 
Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên Trần Văn Thành: Nguy cơ đánh “mất” Khu dự trữ sinh quyển!

 Trả lời phóng viên Báo Đồng Nai về những thông tin liên quan đến một vài tờ báo đã trích lời giám đốc VQG Cát Tiên Trần Văn Thành cho rằng “Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A tác động không đáng kể đến VQG Cát Tiên”, ông Thành khẳng định một vài tờ báo đăng tải điều này là không đúng sự thật, lệch lạc, gây ngộ nhận trong dư luận xã hội. Tôi cho rằng, thông tin như thế thiếu khách quan, không trung thực. Báo chí góp phần rất quan trọng trong việc định hướng dư luận khi thông tin chính xác. Do đó, cơ sở thông tin, nguồn thông tin phải hết sức chọn lọc. Quan trọng nhất là VQG Cát Tiên đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, bởi hội tụ đầy đủ những tiêu chí cần thiết mà tổ chức này yêu cầu. Vì vậy, từ những thông tin không chính xác sẽ gây bất lợi trong việc lập hồ sơ gửi UNESCO công  nhận VQG Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới. Nếu như tới đây VQG mất đi 137 hécta rừng nguyên sinh thì nhiều khả năng UNESCO sẽ xem xét lại tính đa dạng sinh học của VQG, và rất có thể tổ chức này sẽ rút lại quyết định công nhận Khu dự trữ sinh quyển đối với VQG Cát Tiên.

 

Đ.Dũng (ghi)

 

Cùng quan điểm với thạc sĩ Vinh, bà Phạm Thị Cẩm Nhung, điều phối viên về chính sách WWF Greater Mekong - Chương trình Việt Nam, cho rằng, các đập TĐ trên thượng nguồn sẽ làm hạn chế sự di chuyển của các loài cá trên sông Đồng Nai. Đặc thù của mỗi dòng sông có loài cá đặc trưng riêng, do đó việc xây dựng nhiều TĐ sẽ nhanh chóng làm một số loài cá rất dễ bị tuyệt chủng.

* Hậu quả khó lường…

Đề cập về mức độ lấy đất rừng làm TĐ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Đức Long Gia Lai Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, hai bậc thang TĐ của Đồng Nai 6 có tổng công suất 241 MW (Đồng Nai 6: 135 MW và 6A: 106 MW) với tổng sản lượng điện hàng năm đạt trên 977 triệu kWh, nhưng diện tích mất rừng chỉ hơn 372 hécta (?), trong đó diện tích của VQG Cát Tiên chỉ bị ảnh hưởng 137 hécta; rừng phòng hộ thuộc hai địa phương Đăk Nông và Bình Phước là 235 hécta. Ông Dũng nhấn mạnh, dung tích của hồ TĐ 6 là 15 triệu m3; 6A: 9 triệu m3 là rất nhỏ so với nước sông Đồng Nai. Vì vậy, hoạt động của TĐ sẽ không làm gián đoạn dòng chảy, không biến thành  dòng sông chết!

Trong khi đó, tiến sĩ Đào Trọng Tứ, nguyên Phó tổng thư ký Ủy hội sông Mekong Việt Nam, đưa ra đánh giá có sự khác biệt lớn. Chẳng hạn, đối với tác động tích cực khi xây dựng TĐ chỉ đáp ứng được 5 yêu cầu: bổ sung nguồn năng lượng cho hệ thống điện quốc gia; tăng thêm thu nhập cho nền kinh tế, tạo việc làm cho một bộ phận người lao động; hình thành các tiểu vùng khí hậu nhờ tạo nên diện tích mặt thoáng cho khu vực phía trước đập TĐ; lượng đỉnh lũ, lưu lượng lũ xuống hạ lưu giảm; tăng lưu lượng nước trong mùa kiệt. Tuy nhiên, về những tác động tiêu cực lại có đến 12 vấn đề cần quan tâm khi rừng bị triệt hạ, như: thay đổi chế độ dòng chảy ở vùng hạ lưu so với dòng chảy tự nhiên; tăng lưu lượng  đỉnh lũ; giảm lưu lượng kiệt nước mùa khô; tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường; làm thay đổi năng suất sinh học sơ cấp của hệ sinh thái, nhất là gây bất lợi cho môi trường sống của các loài cá; khả năng bờ sông bị xói lở, gia tăng quá trình xâm mặn; giảm nguồn dinh dưỡng quan trọng cho sản xuất nông nghiệp…

Theo tiến sĩ Tứ, tài nguyên nước và đất rừng của vùng đầu nguồn cần được nhìn nhận là tài sản chung vô giá của đất nước và của các thế hệ con cháu. Song, thách thức hiện nay đối với phát triển TĐ trên sông Đồng Nai là khó có thể dự báo trước được điều gì sẽ phát sinh tiêu cực! Ví dụ, có những thay đổi vô cùng to lớn liên quan đến môi trường sinh thái, nhưng lại không xảy ra ồ ạt mà cứ diễn biến từ từ. Đây chính là mối nguy hiểm tiềm ẩn rất khó lường.

 

Tiến sĩ Lê anh Tuấn (Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Việt Nam): Mất rừng, mất nhiều thứ!

Khi thi công xây dựng TĐ Đồng Nai 6 và 6A, chắc chắn có những thay đổi lớn: Mất hàng trăm hécta rừng nguyên sinh Nam Cát Tiên. Một khi mất rừng, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, dẫn đến mất nhiều thứ. Đó là mất đi sinh cảnh cần thiết của VQG Cát Tiên, làm dòng chảy bị chậm lại và đứt quãng. Tại vị trí xây dựng hồ chứa và nhà máy TĐ, khi thi công thì tiếng ồn như nổ mìn sẽ làm các loài thú căng thẳng, hoảng sợ. Một khi điều kiện đi lại dễ dàng nhờ có đường giao thông thuận tiện thì nguy cơ xâm lấn rừng là rất lớn từ chính những công nhân xây dựng hoặc lâm tặc. Các loài thú không thể phát triển tự nhiên một khi con người can thiệp quá sâu vào đời sống thiên nhiên. Đặc biệt là cá không còn khả năng sinh sản do dòng chảy bị xói lở.

 Tiến sĩ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi Nam bộ): Các chủ đầu tư Íít quan tâm đến môI trường

Xưa nay ở Việt Nam thường xảy ra tình trạng là hầu hết các chủ đầu tư dự án TĐ không thực sự quan tâm đến đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Từ đó, một số chủ đầu tư coi đó như là thủ tục hành chính, nên thường khoán trắng cho đơn vị tư vấn, miễn sao có được quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Về tư vấn, chất lượng của báo cáo ĐTM cũng khá phổ biến tình trạng “cắt dán” bất cẩn trong khi biên tập, một phần do phụ thuộc vào nguồn kinh phí, năng lực; mặt khác, thiếu trách nhiệm trong quá trình thực hiện.    

 

 

 

Tạ Nguyên


 

 

 

Tin xem nhiều