Báo Đồng Nai điện tử
En

“Xóm thối” La Ngà vẫn... nặng mùi!

10:09, 11/09/2011

Thời gian qua, mặc dù Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam (chuyên sản xuất men, có trụ sở tại xã La Ngà, huyện Định Quán) đã khắc phục việc gây ô nhiễm môi trường, nhưng người dân quanh khu vực vẫn thường xuyên phải hứng chịu mùi hôi thối từ nhà máy xử lý nước thải…

 

Thời gian qua, mặc dù Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam (chuyên sản xuất men, có trụ sở tại xã La Ngà, huyện Định Quán) đã khắc phục việc gây ô nhiễm môi trường, nhưng người dân quanh khu vực vẫn thường xuyên phải hứng chịu mùi hôi thối từ nhà máy xử lý nước thải…

Ngay khi bước chân đến ấp 4, xã La Ngà, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được, đó là mùi “đặc trưng” rất khó chịu bốc lên nồng nặc. Bà Nguyễn Thị Lý, ngụ ở nhà số 15/5, nơi cách khu xử lý nước thải của Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam (dưới đây gọi tắt là men Mauri) chừng 100m, bức xúc nói: “Người ở nơi khác đến đây, ngay lập tức phản ứng khi ngửi thấy mùi hôi thối. Còn chúng tôi, hàng ngày, hàng giờ, kể cả những lúc ăn cũng không thể “trốn” được không khí ô nhiễm!”.

* Mệt mỏi vì môi trường hôi thối

Nằm cách khu xử lý nước thải của Công ty men Mauri vài chục bước chân, nhà anh Hoàng Văn Tiếu, 53 tuổi dường như vắng lặng. Anh bảo, từ lâu con cháu trong gia đình đã chuyển đi nơi khác sinh sống, vì không thể chịu đựng thêm mùi hôi thối nhiều năm qua. Riêng vợ chồng anh buộc phải ở lại để trông nom vườn tược, nhà cửa. Thời gian ở lại đây, anh Tiếu luôn phải “đối phó” với mùi khó chịu bằng cách: buổi sáng thức dậy là phải đeo khẩu trang, nếu không phải bịt mũi gần như cả ngày. Nhưng giờ cơm là cực hình nhất, bởi chẳng bao giờ được ngon miệng, vì mùi “đặc trưng” luôn lấn át mùi thức ăn. Điều đáng nói là gần đây, sức khỏe anh Tiếu giảm sút thấy rõ vì phát hiện bị viêm gan, nên từ một người nặng 60kg nay chỉ còn 50kg. Anh Tiếu cho rằng, sức khỏe anh nhanh “xuống cấp”, cơ bản do môi trường sống, từ nước sinh hoạt và không khí bị ô nhiễm.

Nhà máy xử lý nước thải của Công ty men Mauri Việt Nam. Ảnh: T. Nguyên
Nhà máy xử lý nước thải của Công ty men Mauri Việt Nam. Ảnh: T. Nguyên

 

Đối diện với nhà anh Tiếu là bà Đinh Thị Điều, 61 tuổi. Gia đình bà Điều ngụ ở ấp 4, xã La Ngà đã hơn 26 năm. Bốn người con bà Điều có đến hàng chục cháu, nhưng hiện tại nhà bà ở không hề có bóng dáng trẻ con. Bà Điều chấp nhận để con cháu đi nơi khác ở, vì môi trường quá ô nhiễm. Đầu năm 2010 bà Điều phát hiện ung thư bao tử và tá tràng. Lâu nay dù cơ thể đã yếu đuối, nhưng thỉnh thoảng nhớ con cháu bà Điều mới gọi về chơi một lát, sau đó lại hối thúc bọn trẻ đi ngay. Giờ chỉ có hai vợ chồng già ở lại mảnh vườn nhỏ bên dòng sông La Ngà, nên khi nghĩ đến ngày “đi xa” của mình, bà Điều không khỏi rơi nước mắt, than: “Sống bên dòng sông hiền hòa này, lẽ ra mọi người phải được hưởng không khí trong lành, đằng này ai cũng muốn bỏ “trốn”. Tội cho mấy đứa nhỏ, chẳng gần gũi được với ông bà nhiều!”.

* Bao giờ “xóm thối” hết ô nhiễm? 

Ngày 30-8-2011, báo cáo về kết quả khảo sát mẫu nước giếng của người dân ở ấp 6 xã La Ngà, Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế Đồng Nai), cho biết đều không đạt tiêu chuẩn Việt Nam 5502: 2003/BTNMT và Quy chuẩn Việt Nam 01: 2009/BYT. Đáng chú ý là hai mẫu nước giếng của hộ gia đình ông Phạm Văn Thức và Đinh Văn Kháng có dấu hiệu nhiễm Asen (thạch tín, chất có thể gây ung thư). Riêng mẫu nước sông lấy tại lưu vực sông La Ngà, đoạn gần cửa xả nước thải của Công ty TNHH AB Mauri hầu hết không đạt tiêu chuẩn TCVN 5945-2005/BKHCN, do hàm lượng sắt cao hơn tiêu chuẩn cho phép (tiêu chuẩn quy định là 1mg/lít, còn kết quả phân tích là 1,1 - 1,5mg/lít). Chính vì vậy, Trung tâm Y tế dự phòng khuyến cáo: nước giếng của các hộ dân ở ấp VI chỉ tạm sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Nếu dùng vào ăn uống thì phải có hệ thống xử lý, lắng lọc đạt yêu cầu. Đối với hai trường hợp giếng nước bị nhiễm Asen, tuyệt đối không được sử dụng trong ăn uống.

 

Tháng 7-2009, trước phản ứng gay gắt của nhân dân trong khu vực về việc Công ty men Mauri gây ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Định Quán thành lập tổ giám sát; đồng thời niêm phong các công đoạn sản xuất và những vị trí xả nước thải của đơn vị này vào hồ Trị An. 4 tháng sau, UBND tỉnh cho phép men Mauri sản xuất thử nghiệm lại với 30% công suất thiết kế, đồng thời cho xử lý 21.000 m3 nước thải tồn đọng trước đó. Tháng 5-2010, UBND tỉnh chấp thuận để doanh nghiệp này nâng công suất sản xuất lên 60% với nguyên liệu đầu vào là 60% mật rỉ và 40% đường. Đến tháng 11-2010, UBND tỉnh mới đồng ý cho công ty sản xuất men với 100% mật rỉ. Nhắc lại điều này để thấy rằng, quy trình sản xuất và hệ thống xử lý nước thải của Công ty men Mauri chưa có sự chuẩn bị thật hoàn thiện, kể cả sau khi đã bị tạm đình chỉ hoạt động.

Báo cáo mới đây nhất của Thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường (TNMT) cho biết, qua quá trình giám sát, Sở TNMT nhận thấy Công ty men Mauri đã có nhiều cố gắng trong việc khắc phục ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong sản xuất vẫn còn để xảy ra tình trạng bốc mùi hôi đặc trưng, phát sinh từ các công đoạn sản xuất và xử lý nước thải. Hiện tại, Công ty men Mauri đang nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhưng chưa thực hiện khắc phục triệt để. Ngoài ra, công ty chưa hoàn tất đề án bảo vệ môi trường; chưa được cấp phép xả nước thải vào nguồn nước và chưa được Sở TNMT kiểm tra, đánh giá hiệu quả xử lý đối với các công trình xử lý môi trường...”. Đáng kể là kết quả giám sát khí thải do Tổng cục Môi trường và Cục Phòng chống tội phạm về môi trường phía Nam thực hiện, cho thấy chỉ tiêu CO, SO2 vượt quy chuẩn cho phép. Sau đó doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý khí thải, tuy nhiên chưa được Sở TNMT đánh giá hiệu quả.

Như vậy, người dân “xóm thối” La Ngà vẫn tiếp tục phải “sống chung” với ô nhiễm - ít nhất là mùi đặc trưng hiện tại từ nhà máy và khu xử lý nước thải của Công ty men Mauri. Theo nhiều người dân ở khu vực ấp 4, họ chẳng biết phải chịu đựng cảnh này bao lâu nữa, bởi khiếu nại cũng nhiều, kêu ca cũng lắm, nhưng giải quyết dứt điểm thì chưa đến nơi đến chốn.

 

- Ngày 19-2-2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam về hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép, số tiền xử phạt là 32 triệu đồng.

 - Ngày 27-1-2011, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam 180 triệu đồng, do quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định và thải khí thải vượt tiêu chuẩn cho phép.

- Ngày 8-2-2011, Thanh tra Tổng cục Môi trường tiến hành xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam với số tiền 60 triệu đồng về hành vi: xả nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn từ 2 đến dưới 5 lần cho phép.

- Ngày 2-3-2011, UBND huyện Định Quán xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam về hành vi: không báo cáo Phòng TNMT nơi thực hiện dự án, trong trường hợp xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường khi triển khai các hoạt động thi công và vận hành thử nghiệm các công trình xử lý môi trường.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tạ Nguyên

 

 

Tin xem nhiều