Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuân Thọ vào vụ thu hoạch tiêu năm 2012

08:02, 03/02/2012

Sau những ngày vui xuân, người trồng tiêu ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc (một địa phương có những vườn tiêu đạt năng suất trên 10 tấn/ hécta) đã bắt đầu ra quân thu hoạch tiêu với niềm vui trúng giá.

Sau những ngày vui xuân, người trồng tiêu ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc (một địa phương có những vườn tiêu đạt năng suất trên 10 tấn/ hécta) đã bắt đầu ra quân thu hoạch tiêu với niềm vui trúng giá.

Ông Trần Hữu Thắng, Chủ nhiệm Liên hiệp câu lạc bộ năng suất cao Phước Lộc, cho biết năm nay thời tiết không thuận lợi nên cây tiêu cho năng suất thấp, bình quân chỉ đạt 1 tấn/hécta đối với khu vực vùng đất đỏ bazan và 4 tấn/hécta đối với vùng đất đen. Thế nhưng nhờ giá hạt tiêu tăng lên tới 120 ngàn đồng/kg, cao hơn 30 ngàn đồng/1kg so với đầu vụ năm trước nên người trồng tiêu ở Xuân Thọ vẫn có thu nhập từ 60 - 240 triệu đồng/hécta. Riêng gia đình anh Thắng, nhờ dự báo trước tình hình thời tiết nên đã chủ động áp dụng các biện pháp khoa học vào xử lý cây tiêu vẫn  đạt được trên 7 tấn/hécta, thấp hơn 3 tấn/hécta so với các vụ tiêu trước.

Thu hoạch tiêu tại vườn của anh Trần Hữu Thắng. Ảnh: N.H
Thu hoạch tiêu tại vườn của anh Trần Hữu Thắng. Ảnh: N.H

 Anh Thắng nói:  “Năm 2011  thời tiết bất thường, bà con thu hoạch tiêu xong là trời mưa, do vậy cây tiêu không có thời gian nghỉ và không có thời gian phân hóa mầm hoa nên niên vụ cây tiêu của năm 2012 có nơi thất thu hơn 70% so với năm trước,  thậm chí có nhiều vườn năng suất còn thấp hơn nhiều. Theo kinh nghiệm của tôi, cây tiêu muốn phân hóa được mầm hoa thì cần có lượng phân lân rất lớn. Vì thế tôi đã mua các loại thuốc có hàm lượng lân thật cao phun xịt cho cây tiêu  để kích thích phân hóa mầm hoa.  Thực tế vườn tiêu nhà tôi năm nay chắc chắn phải đạt năng suất từ 7 đến 8 tấn/hécta”.  Như vậy, anh Thắng đã có 6 năm liên tục giữ ổn định năng suất vườn tiêu đạt từ 7 đến 10 tấn/1hécta, trong khi các vườn tiêu khác trong khu vực thì năm được năm thất. Vườn tiêu của anh Thắng đến nay đã trở thành một địa chỉ đáng tin cậy để các hộ dân khác tham gia học tập kinh nghiệm.

Theo ông Lê Đình Thường, Chủ tịch Hội nông dân Xuân Thọ,  năm qua do giá hạt tiêu tăng cao, một số nông dân trong xã đã phá bỏ hơn 30 hécta vườn điều già cỗi, cho năng suất kém chuyển sang trồng mới cây tiêu, nâng tổng số diện tích tiêu toàn xã lên hơn 460 hécta. Trong đó có trên 380 hécta đã cho thu hoạch và có tới hơn 120 hécta tiêu được bà con đầu tư hệ thống bón phân và tưới nước nhỏ giọt. Tuy nhiên do phát triển khá ồ ạt, một số hộ đã trồng tiêu không đúng quy trình kỹ thuật, cũng như không làm tốt công tác phòng ngừa nên rải rác vẫn xảy ra dịch chết nhanh chết chậm ở các vườn tiêu. Có vườn tiêu bị chết hàng loạt làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Hiện nay, ở những địa bàn có diện tích cây tiêu lớn như: ấp Thọ Phước và Thọ Lộc nông dân đã đồng loạt ra quân thu hoạch hồ tiêu, dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động trong khâu thu hoạch. Tại ấp Thọ Lộc, nhiều nhà vườn phải trả  từ 120 đến 130 ngàn đồng cho một ngày công lao động.

Ngọc Hoàng

 

 

 

 

Đắc Lua trúng mùa cây mướp đắng

Sau Tết Nguyên đán, bà con nông dân xã Đắc Lua, huyện Tân Phú bước vào vụ thu hoạch hạt cây mướp đắng. Với giá bình quân như hiện nay từ 350 ngàn đồng/kg trở lên là một tín hiệu vui đầu năm cho nông dân trong xã.

Chúng tôi đến thăm vườn mướp đắng của chị Vũ Thị Mai ở ấp 8 - Đắc Lua, nhận thấy tuy mới vào đầu năm nhưng chị đang tất bật thu hoạch mướp đắng vì sau nhiều ngày nghỉ Tết mướp chín quá nhiều. Chị Mai cho biết: “ Đây là năm thứ 3 tôi chuyển đổi khoảng 1.500 m2 sang trồng cây mướp đắng lấy hạt do Công ty Việt Nông chuyển giao. Trước đây, khu đất này quanh năm chỉ trồng bắp mỗi vụ cho khoảng 1 tấn, bán giá cao lắm cũng được 3.700 đồng/kg, tính ra chỉ thu về chưa tới 4 triệu đồng.  Từ khi Công ty Việt Nông triển khai mô hình trồng mướp đắng lấy hạt, gia đình đã chuyển đổi qua trồng mướp đắng, năng suất mỗi vụ bình quân từ 100 kg hạt giống khô trở lên. Công ty mua tại chỗ với giá là 350 ngàn đồng/kg, trừ chi phí chị cũng thu về trên 28 triệu đồng. Rõ ràng, hiệu quả cây mướp đắng đem lại cao hơn nhiều so với trồng các loại cây khác”.

Trong mấy ngày gần đây, gia đình ông Lê Đình Thứ ở ấp 8 cũng đang thu hoạch mướp đắng. Ông tâm sự: “ Nhà chỉ có 5 sào đất trồng rau màu. Vừa qua tôi  được Hội Nông dân Đắc Lua và công ty vận động chuyển đổi 2 sào sang chuyên trồng cây mướp đắng, mỗi năm tôi  trồng 3 vụ, năng suất bình quân 100 kg/vụ , đến nay  kinh tế gia đình đã bớt khó khăn. Năm nay, tôi đang trồng mới thêm 1 sào đậu đũa và một số diện tích bí đỏ lấy hạt cũng do Công ty Việt Nông chuyển giao. Qua thu hoạch bước đầu cho thấy hai loại cây trồng này khá hiệu quả, tuy không bằng cây mướp đắng nhưng lợi nhuận vẫn cao hơn từ 2-3 lần so với trồng bắp”.

Theo ông Nguyễn Văn Đềm, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Đắc Lua, từ khi được Công ty Việt Nông chuyển giao quy trình trồng mướp đắng để lấy hạt với hoa lợi  cao hơn  nhiều so với các loại cây khác nên nhiều bà con đã chuyển đổi một số diện tích sang trồng mướp đắng. Đến nay toàn xã có khoảng 15 hécta với khoảng 70 hộ trồng chuyên mướp đắng.  Đây là năm thứ 4, bà con Đắc Lua gắn bó với loại cây này, bởi 1 vụ chỉ có thời gian khoảng 3 tháng đã cho thu từ 15- 20 triệu đồng/sào, cao gấp 4-5 lần so với trồng bắp và lúa. Chính từ cây mướp đắng đã tạo điều kiện cho không ít hộ nghèo trong xã vươn lên thoát nghèo.

Lê Chương

 

Tin xem nhiều