Báo Đồng Nai điện tử
En

Nặng nợ với những nhịp cầu

10:05, 12/05/2013

“Độ bền của cầu tạm Bailey nếu được bảo dưỡng tốt cũng có tuổi thọ cả trăm năm. Gọi là cầu tạm do cầu lắp tạm để các phương tiện đi lại khi thi công các cầu lớn hoặc cầu bắc qua các khe, suối để chở vật liệu làm công trình thủy lợi hay thủy điện” - chị Đỗ Thị Huệ, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Thanh Tùng Bailey (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom), giới thiệu.

“Độ bền của cầu tạm Bailey nếu được bảo dưỡng tốt cũng có tuổi thọ cả trăm năm. Gọi là cầu tạm do cầu lắp tạm để các phương tiện đi lại khi thi công các cầu lớn hoặc cầu bắc qua các khe, suối để chở vật liệu làm công trình thủy lợi hay thủy điện” - chị Đỗ Thị Huệ, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Thanh Tùng Bailey (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom), giới thiệu.

Một góc xưởng sản xuất cầu Bailey của Công ty cổ phần xây dựng Thanh Tùng Bailey. Ảnh: V.NAM
Một góc xưởng sản xuất cầu Bailey của Công ty cổ phần xây dựng Thanh Tùng Bailey. Ảnh: V.NAM

Cầu Bailey do ông Donald Bailey, một viên chức trong Bộ chiến tranh Anh - người yêu thích các mô hình cầu - đệ trình trong những năm thế chiến thứ hai. Do tính năng lắp ghép nhanh và cơ động, sau này  cầu Bailey được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

* Thi công tốc độ

Nhắc đến việc thi công cầu, có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị Huệ là một hợp đồng làm cầu tại quận 7, TP.Hồ Chí Minh vào năm 2011. Chiếc cầu mà doanh nghiệp (DN) của chị làm là để nối một tuyến đường vận chuyển nguyên vật liệu vào khu xây dựng công trình của DN Nhật Bản. Theo hợp đồng, công ty của chị có 2 tuần để hoàn tất chiếc cầu này, nếu trễ phải chịu phạt 6 ngàn USD/ngày. Phía đối tác cũng hứa nếu hoàn thành vượt tiến độ sẽ được thưởng tương ứng số tiền đó. “Sau này tôi mới biết công trình đó đang bị chậm tiến độ triển khai nên phải ép thời gian. Có 14 ngày thi công nhưng họ thường xuyên đến thăm để xem tiến độ của mình như thế nào” - chị Huệ kể. Đến ngày thứ 10 chưa thấy chở sắt thép đến thi công phần cầu, đối tác thực sự lo lắng. Nhưng chỉ trong 2 ngày tiếp, DN đã lắp ráp xong và bàn giao cầu trước thời hạn 2 ngày. Thanh lý hợp đồng, chị chỉ nhận một nửa số tiền thưởng đã hứa.

Chị Huệ cho biết, việc thi công cầu đã được làm sẵn tại xưởng, chỉ chờ đưa đến lắp đặt, thời gian chỉ từ 2-3 ngày là xong.

* Giữ gìn tâm huyết của cha

Gia đình chị Huệ phát triển nghề làm cầu Bailey này hơn 30 năm qua, đã thi công rất nhiều cây cầu từ Nam ra Bắc và cả sang nước bạn Lào. “Cha tôi đã kỳ công gầy dựng hơn 30 năm, có chút danh tiếng, bây giờ mình không tiếp tục phát triển thì rất tiếc, vì sản xuất loại cầu này trong nước không có nhiều DN làm. Từ nhỏ thường xem cha làm cầu, lớn lên lại hỗ trợ ông trong việc quản lý nên tôi rất hiểu về nghề này” - chị Huệ tâm sự. Ngoài vấn đề kỹ thuật thì vốn dành cho nguyên liệu làm cầu khá tốn kém. Số lượng sắt thép dành cho sản xuất cầu dự trữ lên đến cả chục tỷ đồng. Trong kho của Công ty Thanh Tùng Bailey lúc nào cũng dự trữ tới 500m cầu.

Chị Huệ tiết lộ, trước đây cha chị đã nghiên cứu về loại cầu này khá lâu và ông mua gom được rất nhiều cầu của Mỹ đưa sang phục vụ chiến trường Việt Nam thời chiến tranh. Cầu do Mỹ sản xuất bằng loại thép rất tốt nên sau này sản xuất, DN cũng tìm nhập khẩu loại thép chuyên dụng có kết cấu tương tự để làm. Theo chị Huệ, thép trong nước giá rẻ hơn nhiều nhưng khi siêu âm lại không đạt, nhất là độ đàn hồi kém. Chiếc cầu dài nhất mà DN chị thi công là cầu cho công trình thủy điện Xekaman 1 tại tỉnh Attapeu ở Lào, dài gần 120m. 

Vân Nam

Tin xem nhiều