Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỗ sàn công nghiệp: Sân chơi của hàng ngoại

10:08, 21/08/2013

Vài năm trở lại đây, người tiêu dùng dần quen với sản phẩm gỗ sàn công nghiệp. Thị trường này cũng ngày càng đa dạng, đáp ứng tốt ở cả phân khúc cao cấp lẫn bình dân.

Vài năm trở lại đây, người tiêu dùng dần quen với sản phẩm gỗ sàn công nghiệp. Thị trường này cũng ngày càng đa dạng, đáp ứng tốt ở cả phân khúc cao cấp lẫn bình dân.

Nắm bắt tiềm năng về thị trường này, các cửa hàng kinh doanh gỗ sàn công nghiệp đua nhau xuất hiện với hàng chục nhãn hàng nhập khẩu,  hầu như vắng bóng hàng Việt. 

* Nhu cầu tăng mạnh

Bà Phạm Thị Bích, chủ cửa hàng Bình Minh Phát (đường Đồng Khởi, TP. Biên Hòa), cho biết gần 10 năm trước dòng hàng này rất kén khách, nhưng giờ trở nên rất thịnh hành. Nhu cầu tăng nên các điểm bán hàng cũng mở thêm nhiều. “Trước đây, gỗ sàn thuộc dòng hàng xa xỉ, nhưng bây giờ khoảng cách chênh lệch về giá giữa gỗ sàn với các vật liệu ốp lát ngày càng thu hẹp lại, có nhiều loại gỗ lát sàn rẻ hơn cả gạch men”. Điểm yếu của nguyên liệu này là “sợ” nước, nhưng hiện nay nhiều hãng sản xuất đang thử nghiệm dòng sản phẩm chuyên dùng cho phòng tắm, hồ bơi… để góp phần tăng tính ứng dụng của gỗ lát sàn.

Khách chọn mua gỗ lát sàn công nghiệp tại showroom S.Q. (TP.Biên Hòa).
Khách chọn mua gỗ lát sàn công nghiệp tại showroom S.Q. (TP.Biên Hòa).

Bà Phạm Lệ Thu, chủ cửa hàng S.Q (đường Võ Thị Sáu, TP. Biên Hòa) cũng cho rằng: “Thị trường gỗ sàn công nghiệp còn rất tiềm năng, dù thời gian qua tình hình kinh doanh có bị ảnh hưởng do khó khăn chung của ngành xây dựng. Hiện sản phẩm này được sử dụng khá phổ biến, từ văn phòng cao cấp, nhà hàng, resort đến nhà dân, các căn hộ chung cư... Với mức giá dao động từ 250-500 ngàn đồng/m2, mặt hàng này không quá sức chi tiêu của nhiều hộ gia đình ngày nay”.

Ông Đặng Ngọc Hải, người chuyên nhận dịch vụ thi công lát sàn gỗ tại phường Quang Vinh (TP.Biên Hòa), chia sẻ: “Khoảng 6 năm trước, thấy nhu cầu về thị trường gỗ sàn tăng mạnh nên tôi chuyển từ việc ốp đá sang làm dịch vụ này cho đến giờ”. Theo ông Hải, hiện nhiều căn hộ chung cư, nhà ở đã xây dựng nhiều năm cũng chọn lát sàn gỗ nhằm thay đổi phong cách căn nhà. Ưu thế của dòng sản phẩm này là thi công nhanh, khi cần có thể dễ dàng tháo gỡ tái sử dụng lại mà không mấy hư hao. Không ít cửa hàng, văn phòng thuê mặt bằng rồi cho lát sàn gỗ lên trên, khi ngừng kinh doanh thì tháo lớp sàn gỗ ra trả lại nguyên hiện trạng như lúc đầu.

* Hàng Việt vắng bóng

Điều đáng buồn là mặc dù thị trường ngày càng ưa chuộng mặt hàng gỗ sàn, song cũng như nhiều loại vật liệu xây dựng khác ở thời điểm hiện tại, các nhãn hiệu gỗ sàn trong nước không nhiều và thiếu đa dạng ở các khía cạnh mẫu mã, giá cả. Anh Phan Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Nghĩa Tài Phú (TP. Biên Hòa), chuyên về đồ gỗ nội thất, nói: “Công ty có sản xuất dòng gỗ lát sàn tự nhiên, nhưng chỉ khi khách đặt thì doanh nghiệp mới làm vì mặt hàng này rất kén khách do giá cao, trung bình từ 1-2 triệu đồng/m2. Nhiều dự án thi công, khách đặt gỗ lát sàn phải chọn hàng nhập vì đơn vị không sản xuất dòng hàng này”.

Theo giới kinh doanh, thị trường gỗ sàn công nghiệp hiện đang xuất hiện tình trạng thật giả lẫn lộn, nhập nhèm xuất xứ gây nhầm lẫn cho người mua. Trong đó, nhiều mặt hàng được giới thiệu là hàng công nghệ Đức, châu Âu, nhưng thực chất lại là sàn gỗ sản xuất tại Trung Quốc ứng dụng công nghệ châu Âu. Khi mua hàng, khách nên yêu cầu người bán xuất trình chứng từ xuất xứ, tìm hiểu kỹ các thông số về độ mài mòn, độ dày sản phẩm, khả năng chịu va đập… Khách có thể kiểm tra bằng mắt thường khi quan sát các miếng gỗ dùng làm mẫu giới thiệu, hàng chất lượng tốt có bề mặt cắt mịn hơn, miếng ván sàn cứng cáp và cầm nặng tay hơn.

Khảo sát cho thấy, thị trường gỗ sàn công nghiệp tuy rất đa dạng, phong phú nhưng đều là hàng nhập và hầu như không có sản phẩm Việt để người tiêu dùng lựa chọn. Cao cấp có nhãn hàng Kronotex của Đức, sàn gỗ Pergo của Thụy Điển. Phân khúc trung bình có các nhãn hàng Inovar, Robina của Malaysia; sàn gỗ Thaifloor của Thái Lan. Hàng Trung Quốc hầu như chiếm lĩnh phân khúc bình dân với hàng chục nhãn hàng, khá đa dạng về mẫu mã.

Bà Phạm Thị Bích nhận xét: “Hiện thị trường gỗ sàn có đến vài chục nhãn hàng nhập từ các nước nhưng chưa có sản phẩm nội địa. Trong đó, hàng Trung Quốc chiếm khoảng 50%, từ dòng sản phẩm cao cấp đến bình dân”.

Bình Nguyên

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều