Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông nghiệp công nghệ cao: Những bước tiến đầu tiên (Bài 1)

09:04, 12/04/2015

Năm 2014 là năm đặc biệt vì Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước có 2 địa phương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện: huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh. Rất nhiều xã, phường của Đồng Nai cũng đang trên đà hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới trong năm 2015. Từ tiền đề đó, câu chuyện xây dựng nông thôn ở Đồng Nai đã và đang chuyển sang một trang khác: hậu nông thôn mới.

Năm 2014 là năm đặc biệt vì Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước có 2 địa phương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện: huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh. Rất nhiều xã, phường của Đồng Nai cũng đang trên đà hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới trong năm 2015. Từ tiền đề đó, câu chuyện xây dựng nông thôn ở Đồng Nai đã và đang chuyển sang một trang khác: hậu nông thôn mới.

Giai đoạn này, Đồng Nai tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ và đề ra nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, Đồng Nai là địa phương thứ 3 trong cả nước ký kết hợp tác với Chính phủ Nhật Bản về đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai với nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả, đặt những nền móng đầu tiên cho nền sản xuất nông nghiệp mới sau này.

Nông dân Nguyễn Hồng Lâm giới thiệu giống bắp biến đổi gen tại xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc).
Nông dân Nguyễn Hồng Lâm giới thiệu giống bắp biến đổi gen tại xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc).

Là một trong những nông dân đầu tiên trồng giống bắp biến đổi gen tại Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Lâm (xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc) cho biết ngay vụ thử nghiệm đầu tiên, bắp biến đổi gen có thể đạt trên 11 tấn bắp khô/hécta, tương đương với những giống bắp lai có sản lượng cao nhất.

* Những mùa quả ngọt

“Trồng bắp biển đổi gen có sức đền kháng tốt, tôi có thể tiết kiệm thêm được từ 2-3 triệu đồng/hécta. Với giống biến đổi gen, tôi hầu như không phải phun thuốc sâu và chỉ cần phun 1 lần thuốc trừ cỏ sau 30 ngày gieo hạt” - ông Lâm so sánh. 

Ông Lâm Thanh Đức (huyện Xuân Lộc) là một trong những nông dân của Đồng Nai giàu lên nhờ sớm ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi. Từ quy mô chăn nuôi hộ gia đình, ông đã phát triển thành trang trại ứng dụng dây chuyền sản xuất tự động từ khâu cho ăn đến thu hoạch, xử lý và đóng gói... Trang trại cũng đầu tư hệ thống tự động thu gom phân chế biến thành phân vi sinh, xử lý được mùi và vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Trại đang đầu tư thêm công nghệ để sản xuất phân gà oganic. Ông Đức phân tích: “Với quy mô chăn nuôi hơn 270 ngàn con gà theo dây chuyền khép kín từ khâu sản xuất giống, thức ăn đến xử lý, đóng gói sản phẩm, trang trại tôi chỉ cần 15 lao động, trong khi nuôi theo cách truyền thống cần hơn 80 người. Tôi chỉ cần kiểm tra phần mềm máy tính gắn với mạng lưới camera giám sát là nắm được mọi hoạt động của trang trại, kể cả lượng nước uống, thức ăn tiêu thụ hàng ngày của vật nuôi. Nhờ đó, sản phẩm không chỉ tiêu thụ tốt tại nội địa mà còn xuất khẩu đi Nhật”.

Tại lễ công bố và đón nhận danh hiệu huyện đạt chuẩn nông thôn mới của Đồng Nai năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khen ngợi Đồng Nai vận dụng rất sáng tạo, hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, có chính sách khuyến khích đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Nông nghiệp công nghệ cao của Đồng Nai tuy vẫn ở giai đoạn đầu phát triển nhưng đã thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) lớn đầu tư, như: Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico), Tổng công ty Tín Nghĩa, Công ty TNHH ca cao Trọng Đức... Các DN này là những “đầu tàu” để thay đổi cho nền sản xuất nông nghiệp mới sau này.

Công ty TNHH Việt Nông (huyện Cẩm Mỹ) cũng là DN đi tiên phong làm nông nghiệp công nghệ cao tại Đồng Nai. Hàng năm, công ty đều tổ chức “Ngày hội ruộng đồng”, đưa phòng thí nghiệm ra đồng, đồng hành với nông dân trong ứng dụng giống và kỹ thuật sản xuất mới. Công ty đã nghiên cứu tạo ra nhiều giống rau màu “made in Vietnam” chất lượng cao, cạnh tranh tốt với sản phẩm nước ngoài, doanh thu vượt qua con số 100 tỷ đồng/năm. Theo ông Trần Xuân Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Nông, hiện đang có làn sóng DN có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam nên áp lực cạnh tranh không nhỏ, nhưng ông Trường cho rằng vẫn có cơ hội cho DN nhỏ và nông dân. “Yêu cầu của đầu tư nông nghiệp công nghệ cao là nguồn vốn lớn, lộ trình dài hơi nhưng vẫn rộng cửa cho DN và nông dân tham gia, vì hoàn toàn có thể khởi đầu từ sản xuất nhỏ lẻ, nghiên cứu bằng phương pháp thủ công rồi đầu tư từng bước theo lộ trình đã định. Vấn đề là phải thay đổi tư duy sản xuất lạc hậu, manh mún, mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất” - ông Trường cho biết.

* Tạo tiền đề phát triển

Theo đánh giá của một số DN, Đồng Nai có nền tảng tốt để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, từ yếu tố con người, lợi thế về điều kiện tự nhiên, hạ tầng cơ sở đến cơ chế chính sách cởi mở, đồng hành với DN của chính quyền.

Ông Lê Anh Ngân, Giám đốc Công ty cổ phần giống lâm nghiệp vùng Nam Bộ (TP.Hồ Chí Minh), một trong những DN đi đầu cả nước về ứng dụng công nghệ giống nuôi cấy mô, đánh giá: “Tôi chọn Đồng Nai đầu tư vườn ươm giống nuôi cấy mô chỉ vì tình cờ tôi có đất ở đây. Nhưng qua thực tế sản xuất, tôi thấy Đồng Nai tiếp cận nhanh với công nghệ mới. Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư nông nghiệp công nghệ cao hoạt động”.

Nói về hậu nông thôn mới với câu chuyện hội nhập, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành luôn khẳng định nông dân Đồng Nai có đủ trình độ, năng lực, nhạy bén trong ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Trong hợp tác với Nhật Bản về nông nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy đã giao cho Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai làm đầu mối tiếp nhận những công nghệ mới, kỹ thuật hay để chuyển giao cho nông dân với mục tiêu hình thành những vùng sản xuất lớn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hồng Chính, Giám đốc đối ngoại của Công ty DeKalb (thuộc Tập đoàn Monsanto, Mỹ), đơn vị cung cấp giống bắp biến đổi gen, cũng cho rằng: “Với cây bắp, Đồng Nai là thị trường trọng điểm của Việt Nam. Tỉnh có những lợi thế là đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, lâu năm, nông dân giỏi về kỹ thuật. Ở đây cũng bắt đầu hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Điều rất quan trọng là khả năng tiếp cận kỹ thuật, công nghệ mới của nông dân cao”.

Đầu năm 2015, Đồng Nai đã ký kết hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp, ngoài việc chuyển giao  công nghệ cao trong sản xuất và chế biến, sự hợp tác này còn mở ra cơ hội xuất khẩu nông sản Đồng Nai vào thị trường giàu tiềm năng này. Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai sẽ là đầu mối tiếp nhận và chuyển giao những công nghệ hiện đại đến nông dân để mô hình hay được nhân rộng trong thực tế. Trung tâm cũng đã thu hút nhiều DN đầu tư vào khâu sản xuất cây, con giống ứng dụng công nghệ cao và có mặt hàng xuất khẩu tốt; xây dựng xưởng sản xuất phân vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp; mô hình trồng các loại rau, củ, quả tươi có chứng nhận GlobalGAP; trồng cây dược liệu...

Ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ, cho biết: “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý phê duyệt cho Đồng Nai thành lập khu công nghệ cao công nghệ sinh học. Khi chính thức được công nhận, tất cả DN đầu tư có yếu tố công nghệ cao sẽ được hưởng mọi chính sách ưu đãi của Nhà nước chứ không phải xin ưu đãi riêng cho từng dự án như trước đây. Việc trung tâm đang thu hút rất tốt các dự án đầu tư công nghệ cao đã tạo nền tảng vũng chắc cho sự phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới”. 

 Nhóm PV kinh tế

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều