Báo Đồng Nai điện tử
En

Găng tay xuất ngoại

11:06, 14/06/2015

Gần 10 năm lăn lộn với thị trường đồ bảo hộ lao động, ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần An Phú Thịnh (xã An Phước, huyện Long Thành) đã tạo dựng được tên tuổi trong ngành cung cấp đồ bảo hộ lao động, đặc biệt là sản phẩm găng tay.

Gần 10 năm lăn lộn với thị trường đồ bảo hộ lao động, ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần An Phú Thịnh (xã An Phước, huyện Long Thành) đã tạo dựng được tên tuổi trong ngành cung cấp đồ bảo hộ lao động, đặc biệt là sản phẩm găng tay.

Ông Võ Thanh Tuấn giới thiệu về dây chuyền kéo sợi của công ty.  Ảnh: V. NAM
Ông Võ Thanh Tuấn giới thiệu về dây chuyền kéo sợi của công ty. Ảnh: V. NAM

Những ngày này, ông Tuấn khá tất bật với công việc do đang xây dựng lại nhà máy. Theo ông, việc đầu tư ngày càng đòi hỏi chuyên nghiệp hơn mới có khả năng cạnh tranh được trên thị trường.

* “Chung thủy” với găng tay

Nhớ lại hơn 10 năm trước, khi mới tập tành bước vào nghề, ông Tuấn gom góp hết vốn liếng mua được 30 chiếc máy dệt găng tay cũ từ TP.Hồ Chí Minh, vừa sản xuất vừa lo đối phó với hư hỏng vặt của những chiếc máy đầu tiên. Bên cạnh sản xuất, ông còn phải đi khắp nơi tìm khách hàng. Đây là thời điểm khá vất vả, bởi việc gì cũng đến tay.

Để thiết lập cho mình lượng khách hàng bền lâu, ông Tuấn quyết định lấy chất lượng sản phẩm để cam kết với khách hàng làm ưu thế cạnh tranh. Năm 2007, anh thành lập doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu của thị trường, thay đổi hết máy cũ bằng các máy mới để đảm bảo tiến độ sản xuất và chất lượng sản phẩm. Sản phẩm đồ bảo hộ lao động, nhất là găng tay của An Phú Thịnh đã được các đại lý phân phối khắp cả nước. Lúc này nhu cầu mở rộng sản xuất bắt đầu là áp lực cho ông chủ hãng găng tay. Để tiết kiệm vốn đầu tư, ông Tuấn nghĩ ra phương án hợp tác cùng các hộ gia đình để gia công. Nhà máy chỉ thực hiện một vài công đoạn trong sản xuất, còn lại đưa đến các hộ gia đình gia công. Chỉ tính riêng tại phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cũng có vài chục hộ thực hiện gia công sản phẩm cho công ty. Theo ông Tuấn, giải pháp này giúp giảm được một phần vốn đầu tư khá lớn cho nhà xưởng và máy móc, các hộ dân thì có việc làm và thu nhập ổn định.

* Chen chân vào xuất khẩu

Sau những lô hàng đầu tiên xuất khẩu găng tay sang Hàn Quốc vào năm 2009, những năm sau đó ông đã mở được thêm khá nhiều thị trường, như: châu Âu, Nhật Bản, Philippines. Theo ông Tuấn, việc khai thác tốt được cả 2 thị trường nội địa và xuất khẩu giúp doanh nghiệp phát triển vững hơn.

Để đảm bảo sản xuất hàng ổn định cho xuất khẩu, ông Tuấn đã phải đầu tư nhà máy theo quy trình khép kín. Trước đây, toàn bộ nguồn nguyên liệu sợi phải nhập khẩu từ Trung Quốc, đến năm 2010 ông Tuấn mạnh dạn đầu tư hẳn hệ thống máy kéo sợi với dây chuyền của Đức. Lúc cao điểm, mỗi tháng xưởng sợi của công ty sản xuất hơn 60 tấn sợi vừa phục vụ cho nhà máy sản xuất găng tay, vừa cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp khác trong nước. Không chỉ vậy, sản phẩm mới về găng tay cũng được ông Tuấn tung ra thị trường liên tục, nhất là đi sâu phục vụ từng ngành chuyên biệt, cụ thể như: găng tay phủ hạt nhựa để tăng độ bám cho công nhân ngành xây dựng, găng tay phủ cao su chuyên dụng dùng cho công nhân hoạt động bốc xếp kính hoặc kim loại có độ sắc cao, nhờ lớp cao su nên cạnh sắc của kính hay kim loại không cắt trực tiếp lên các sợi dệt của găng tay, vừa an toàn lại tăng độ bền cho sản phẩm. Hiện An Phú Thịnh được xem là một trong những doanh nghiệp uy tín tại Đồng Nai về sản xuất găng tay.

Vân Nam

 

 
Tin xem nhiều