Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuất khẩu chạy đua vào 4 thị trường lớn

09:11, 03/11/2015

Hiện nay, 4 thị trường xuất khẩu trọng điểm của Đồng Nai là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Đây là những thị trường tiềm năng mà Đồng Nai xác định có thể tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới.

Hiện nay, 4 thị trường xuất khẩu trọng điểm của Đồng Nai là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Đây là những thị trường tiềm năng mà Đồng Nai xác định có thể tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới.

Công ty cổ phần sản xuất sản phẩm mạ công nghiệp Vingal, Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) đang đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu vào Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Công ty cổ phần sản xuất sản phẩm mạ công nghiệp Vingal, Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) đang đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu vào Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Theo Sở Công thương, 4 thị trường nói trên hiện chiếm trên 50% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong 10 tháng của năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu sang những thị trường trên đạt 6 tỷ USD. Dự kiến trong những tháng cuối năm, xuất khẩu sang những thị trường này tiếp tục tăng trưởng tốt, vì nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị mở rộng xuất khẩu và phía các nước trên cũng có nhu cầu nhập hàng hóa của Việt Nam.

* Hướng đến TPP

Hoa Kỳ và Nhật Bản đang là 2 thị trường xuất khẩu lớn của Đồng Nai và cũng là 2 nước cùng tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiện TPP đã đàm phán xong các thỏa thuận và đang chờ Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn, do đó nhiều doanh nghiệp Đồng Nai đã chuyển dịch dần xuất khẩu vào những thị trường trên để đón đầu TPP. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp Đồng Nai cũng đang tìm đối tác từ phía Hoa Kỳ, Nhật Bản để liên kết đầu tư vào Đồng Nai trên nhiều lĩnh vực.

Nhật Bản có dân số 126,4 triệu người, GDP 4.616 tỷ USD/năm và thu nhập bình quân đầu người gần 37.400 USD/năm. Mỗi năm Nhật Bản nhập khẩu trên 833 tỷ USD.

Ông Tạ Trung Hiếu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất sản phẩm mạ công nghiệp Vingal ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa), cho hay: “Thời gian qua, công ty đã xuất khẩu được sản phẩm thép sang thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản nhưng số lượng chưa nhiều. Tới đây, công ty sẽ tập trung xúc tiến thương mại tại 2 thị trường trên để tìm đối tác, tăng thị phần xuất khẩu để tới đây TPP hiệu lực sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế quan”. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai trong những năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này chiếm trên 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, riêng trong 10 tháng của năm đạt trên 3,7 tỷ USD. Nhóm hàng doanh nghiệp Đồng Nai xuất khẩu sang thị trường này nhiều là: giày  dép, dệt may, gỗ, sản phẩm từ gỗ.

Ông Đào Trần Nhân, Tham tán công sứ thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho biết: “TPP đàm phán xong là một thắng lợi lớn cho Việt Nam, vì khi  TPP ký kết sẽ có 18 ngàn dòng thuế giảm. Lợi ích chính TPP mang lại cho Việt Nam là tăng xuất khẩu, tăng thu hút đầu tư nước ngoài, cân bằng quan hệ với khu vực thị trường trọng điểm. Tuy nhiên, chăn nuôi, ô tô và sản xuất đường sẽ gặp khó khăn lớn”. Cũng theo ông Nhân, có những mặt hàng hiện xuất khẩu vào Hoa Kỳ phải chịu thuế đến 67%, nên khi thuế giảm doanh nghiệp Việt sẽ dễ dàng cạnh tranh với mặt hàng cùng loại đến từ các nước khác không tham gia TPP, như: Trung Quốc, Ấn Độ... Đơn cử, năm 2014 Việt Nam xuất khẩu giày dép sang Hoa Kỳ khoảng 3,5 tỷ USD, phải chịu thuế 450 triệu USD. Tới đây, TPP ký kết thuế về 0% thì 450 triệu USD thuế doanh nghiệp sẽ được hưởng. Theo Viện Nghiên cứu Peterson Hoa Kỳ, sau khi TPP được ký kết và thực thi, Việt Nam sẽ tăng GDP thêm 25% và tăng xuất khẩu thêm 32%.

Với thị trường Nhật Bản, Việt Nam có lợi thế đã ký hiêp định thương mại tự do và đã có 3.234 dòng thuế giảm về 0%. Ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán công sứ thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, chia sẻ: “Những mặt hàng Đồng Nai đang xuất khẩu sang Nhật Bản trong thời gian tới nên chú ý xúc tiến thương mại về các địa phương của nước này để tăng kim ngạch xuất khẩu. Và doanh nghiệp trong tỉnh có thể liên kết với doanh nghiệp Nhật Bản mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chế biến để xuất khẩu sang Nhật và các nước TPP. Hàng nông sản xuất sang Nhật Bản giá rất cao, song cũng đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng hàng hóa”.

* Cạnh tranh thị trường giá rẻ

UAE và Trung Quốc được coi là 2 thị trường dễ tính, không đòi hỏi quá cao về chất lượng nhưng hàng hóa Việt Nam muốn vào đây giá phải thật rẻ. “Công ty có thể đáp ứng được nhiều đơn hàng lớn của đối tác nước ngoài. Với thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản công ty nhắm đến với sản phẩm cao cấp, còn UAE và Trung Quốc là sản phẩm trung bình. Lợi thế của công ty là có sẵn nguồn nguyên liệu cao su thiên nhiên trong nước nên công ty tin tưởng sẽ tăng được xuất khẩu vào những thị trường trên” - ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long, xã Long An (huyện Long Thành) nói. Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc Bùi Huy Hoàng, doanh nghiệp Đồng Nai muốn mở rộng xuất khẩu vào Trung Quốc phải hội đủ 2 yếu tố là giá phải rẻ và chất lượng hơn hàng Trung Quốc.

UAE gồm có 7 tiểu vương quốc là: Abu Dhabi, Dubai, Sharjah, Ras Al-Khaimah, Umm Al-Qaiwain, Ajman, Fujairah. Dân số khoảng 9,5 triệu người, GDP bình quân đầu người là 60 ngàn USD/năm và đây là khu vực có 96% người dân theo đạo Hồi.

“Năm 2014, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào UAE trên 4,6 tỷ USD, tăng 820% so với năm 2010 và dự kiến năm 2015 là 6 tỷ USD”.

Thị trường UAE dễ tính, hàng Việt xuất vào thị trường này giá phải thật rẻ mới cạnh tranh được hàng Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ. Và các sản phẩm vào thị trường UAE phải đáp ứng yêu cầu chịu nhiệt cao vì thời tiết tại đây rất nắng nóng. “UAE có nền kinh tế mở nên mọi thủ tục xuất khẩu vào thị trường này đơn giản. Tiêu dùng nội địa chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu, thuế nhập khẩu thấp từ 0-5% hầu hết các loại hàng hóa. Đây là thị trường tái xuất lớn thứ 3 trên thế giới, hàng hóa vào thị trường này sẽ sang Bắc Phi, Trung Đông, Trung Á” - ông Phạm Trung Nghĩa, Tham tán thương mại Việt Nam tại UAE cho biết.

Hương Giang

 

 

Tin xem nhiều